Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, đến 26/8, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống mới đạt 4,5%. Tín dụng tăng trưởng yếu do nhiều nguyên nhân trong đó có sức hấp thụ vốn còn yếu của nền kinh tế và doanh nghiệp cho rằng lãi suất vẫn còn cao hơn so với kỳ vọng của họ, tuy nhiên trong các Nghị quyết họp thường kỳ gần đây, Chính phủ vẫn liên tục yêu cầu NHNN phải điều hành quyết liệt để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng theo mục tiêu đề ra là 12 – 14%.
Chỉ còn chưa đầy 4 tháng nữa là hết năm trong khi lúc này cũng chuẩn bị vào mùa tín dụng cao điểm, các ngân hàng vì thế liên tục đưa ra các gói cho vay ưu đãi, sản phẩm tài chính khác biệt để cạnh tranh hút khách.
Mới đây nhất, ngày 8/9 Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) thông báo dành 2.500 tỷ đồng cho vay ưu đãi đối với khách hàng doanh nghiệp trong các lĩnh vực xuất nhập khẩu; nông lâm thủy sản; dược phẩm, y tế; xăng dầu, vận tải; nhà hàng, du lịch, khách sạn; hóa chất; dệt may, da giày; linh kiện điện tử, thực phẩm và hàng tiêu dùng trên toàn quốc.
Gói tín dụng 2.500 tỷ sẽ được kéo dài từ nay đến hết năm. Lãi suất áp dụng cho các khoản vay này tối thiểu là 7%/năm trong 6 tháng đầu, thời hạn vay theo nhu cầu của doanh nghiệp, thủ tục cho vay đơn giản và thời gian xử lý hồ sơ nhanh chóng.
Lãnh đạo Sacombank cho biết, với mục tiêu đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua các giai đoạn khó khăn của nền kinh tế, ngân hàng liên tục triển khai các gói cho vay ưu đãi nhằm cung ứng kịp thời nguồn vốn lưu động, vốn trung dài hạn cho các doanh nghiệp ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh. Từ đầu năm 2014 đến nay, ngân hàng đã triển khaitổng cộng 12 gói cho vay ưu đãi trị giá 16.990 tỷ đồng và 170 triệu USD dành cho các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau trên cả nước.
Ngân hàng MaritimeBank trong khi đó có gói tín dụng 1.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội vay vốn, lãi suất ừ 7 – 8% đối với khoản vay ngắn hạn; 9 – 11% đối với khoản vay trung hạn, áp dụng cho các khoản vay từ nay đến cuối năm.
HDBank cũng đang triển khai nhiều gói tài chính ưu đãi như dành 1.500 tỷ đồng trong chương trìn cho khách hàng cá nhân có nhu cầu vay vốn sản xuất kinh doanh, vay mua nhà đất, tiêu dùng… Hoặc dành 5.000 tỷ đồng với lãi suất siêu ưu đãi dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm hỗ trợ vốn sản xuất kinh doanh.
Ngân hàng ABBank dành gói tín dụng 1.000 tỷ đồng với lãi suất vay ưu đãi tối thiểu 8,5%/năm trong 12 tháng đầu tiên, đáp ứng nhu cầu vay vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, mua, xây, sửa chữa nhà, mua xe và tiêu dùng cá nhân.
Techcombank lại hướng về vay tiêu dùng với 2 sản phẩm đó là Cho vay mua ô tô doanh nghiệp và Vay siêu tốc với cam kết phục vụ nhanh nhất những nhu cầu cơ bản và thiết yếu trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Thủ tục giải quyết trong vòng 12 giờ làm việc với lãi suất chỉ 7,99% trong 3 tháng đầu tiên, tỷ lệ cho vay lên đến 80% giá trị xe – là mức cao nhất trên thị trường hiện nay, và thời gian vay 60 tháng với các phương thức trả nợ linh hoạt.
Theo ông Trần Xuân Quảng, Tổng giám đốc Ngân hàng Doanh nghiệp MaritimeBank, các ngân hàng luôn sẵn lòng để đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó khăn và đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Thế nhưng, để giải quyết dứt điểm khó khăn, bên cạnh nhu cầu về vốn, các doanh nghiệp cần có những nỗ lực vượt bậc để thay đổi, cải thiện năng lực tài chính và kinh doanh, thể hiện được khả năng sử dụng vốn tín dụng một cách an toàn, hiệu quả.
"Một số vấn đề có thể cần quan tâm đặc biệt là xử lý các khoản nợ đọng, lượng hàng tồn kho; nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh trên thị trường; điều chỉnh hoạt động kinh doanh phù hợp với vốn; nâng cao năng lực quản trị, quản lý hiệu quả, tránh đầu tư dàn trải gây lãng phí vốn…", ông Quảng nói.
Tùng Lâm