Trong cuộc họp thường niên bắt đầu từ ngày 2/5, ADB cho biết sẽ thúc đẩy mức tín dụng và giải ngân hàng năm lên 50%, đạt 20 tỷ USD. Ngân hàng này cũng sẽ dành tài chính đầu tư cho các dự án hợp tác giữa tư nhân và nhà nước, đồng thời cùng làm việc với AIIB để “phát triển Châu Á.”
Chuyên gia kinh tế Wai Ho Leong của Barclays nhận định việc Trung Quốc thành lập AIIB đã là sự thật và Nhật Bản, với vai trò điều hành ADB, sẽ muốn đảm bảo vị thế nhà tài trợ chính cho các dự án cơ sở hạ tầng kém phát triển ở Châu Á. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng thị phần vẫn còn đủ cho cả 2 ngân hàng này do nhu cầu phát triển trên khắp Châu Á.
Trong gần 50 năm, các quốc gia Châu Á từ Ấn Độ đến Việt Nam đều đã được hưởng lợi từ nguồn tài trợ của ADB, vốn được hậu thuẫn chủ yếu bởi Nhật Bản và Mỹ. Tuy nhiên, tình hình hiện nay đang có sự thay đổi với sự trỗi dậy của AIIB. Đây là ngân hàng phát triển đa quốc gia lớn đầu tiên trong khoảng 100 năm qua, với sự hậu thuẫn chủ yếu từ Trung Quốc, nhằm gia tăng vị thế của mình tại khu vực đang tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới.
Sau cuộc gặp với người đứng đầu tạm thời AIIB Jin Liqun, Chủ tịch ADB Takehiko Nakao nói rằng phía Trung Quốc cho biết AIIB sẽ không “cạnh tranh” mà chỉ “giúp đỡ bổ sung” cho ADB. Theo ông Nakao, điều này là tốt cho khu vực Châu Á khi có thêm các nguồn lực hỗ trợ tài chính.
Chủ tịch ADB Takehiko Nakao
Tăng cường sức mạnh
Chủ tịch Nakao đã nhắc lại sự sẵn sàng hợp tác của ADB với AIIB, bao gồm cả việc đồng tài trợ trong các dự án.
Tuy nhiên, Ngân hàng ADB cũng đang gia tăng sức mạnh của mình. Trong một động thái được coi là mang tính “đột phá,” ADB cho biết sẽ kết hợp các khoản vay cho các nước thu nhập trung bình cùng với những khoản tài chính viện trợ thông thường cho các nước nghèo. Được thành lập vào năm 1973, ADB thường cung cấp các khoản vay ưu đãi và viện trợ cho các quốc gia kém phát triển. Tuy nhiên, ADB cũng có các khoản tín dụng cho những nước thu nhập trung bình với mức lãi suất thị trường.
Động thái này của ADB sẽ giúp gia tăng viện trợ cho các nước nghèo lên 70%. Cùng với những dự án đồng tài trợ khác, những khoản đầu tư viện trợ của ADB dự kiến sẽ tăng từ mức 23 tỷ USD năm 2014 lên 40 tỷ USD trong những năm tiếp theo.
Các nước được hưởng lợi
Theo ADB, tính đến cuối năm nay thì ngân hàng này sẽ thành lập một quỹ trị giá 150 triệu USD để đầu tư vào các dự án hợp tác nghiên cứu giữa tư nhân và nhà nước. Ngoài ra, ADB cũng đã ký một hợp đồng thỏa thuận hợp tác với 8 ngân hàng thương mại bao gồm HSB và Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ, nhằm thúc đẩy các dòng vốn tư nhân vào những dự án cơ sở hạ tầng quan trọng.
Ngân hàng ADB dự báo việc phát triển cơ sở hạ tầng tại Châu Á sẽ cần khoảng 8 nghìn tỷ USD trong khoảng 2010-2020.
Chuyên gia phân tích Weiwen Ng của ANZ nhận định những tuyên bố của ADB và AIIB sẽ khiến các quốc gia Châu Á được hưởng lợi cả về tài chính lẫn chính trị trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso cho biết nước này sẽ tăng cường chất lượng đầu tư cơ sở hạ tầng ở Châu Á. Đồng thời, Nhật Bản sẽ gia tăng đóng góp nguồn nhân lực, ý kiến và tài chính cho ADB.
Nhật Bản là nước có quyền biểu quyết lớn nhất trong ADB với 12,84%, tiếp theo là Mỹ với 12,75%.
Ngân hàng AIIB đã giành được sự ủng hộ từ những nước đồng minh của Mỹ khi kết nạp các quốc gia này làm thành viên, qua đó làm tiêu tan những nỗ lực của Tổng thống Mỹ Barack Obama khi vận động chống lại AIIB.
Bộ trưởng Tài chính Indonesia Bambang Brodjonegoro nhận cho rằng Châu Á cần cả ADB và AIIB bởi nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng tại đây là rất lớn, một ngân hàng là không đủ để đáp ứng. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác giữa ADB và AIIB đối với những nước đang phát triển tại Châu Á.