Ngày 15/10, Bộ Tài chính Mỹ thừa nhận Trung Quốc không thao túng tiền tệ. Tuy nhiên, Washington vẫn cho rằng đồng nhân dân tệ (NDT) hiện ở mức thấp hơn so với giá trị thực và kêu gọi Bắc Kinh cải cách theo hướng để tỷ giá hối đoái vận hành theo diễn biến thị trường.
Trong báo cáo định kỳ nửa năm về các chính sách hối đoái và kinh tế quốc tế trình Quốc hội, Bộ Tài chính Mỹ cho biết đồng NDT đã phục hồi một phần, tăng 1,9% so với đồng USD kể từ cuối tháng tư sau khi giảm mạnh hồi đầu tháng giêng vừa qua.
Theo báo cáo, việc NDT tăng giá và đầu tư nội địa tăng đã kéo thặng dư tài khoản vãng lai của Trung Quốc xuống còn 2% GDP, giảm mạnh so với mức mức kỷ lục 10% của năm 2007. Washington đánh giá diễn biến trên chứng tỏ thái độ tích cực của Trung Quốc trong việc thực thi các cam kết được đưa ra trong Đối thoại Chiến lược - Kinh tế Mỹ - Trung liên quan đến vấn đề định giá NDT và giảm sự can thiệp của nhà nước vào tỷ giá hối đoái.
Tuy nhiên, Washington vẫn đánh giá đồng NDT rẻ hơn 40% so với giá trị thực tế và kêu gọi Bắc Kinh kích cầu nội địa, thay vì tập trung vào xuất khẩu, để thúc đẩy tăng trưởng.
Trong báo cáo, Bộ Tài chính Mỹ cũng chỉ trích Hàn Quốc can thiệp sâu vào tỷ giá hối đoái nhằm tăng thặng dư thương mại với Mỹ. Theo Washington, tăng trưởng xuất khẩu chiếm vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc đầu năm 2014, điều này chứng tỏ kinh tế Hàn Quốc tiếp tục phụ thuộc vào nhu cầu từ thị trường nước ngoài. Washington kêu gọi Seoul thực thi các chính sách thúc đẩy tăng trưởng nội địa và chấm dứt lệ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu.
Đối với châu Âu, Bộ Tài chính Mỹ cho biết các chính sách của 18 nước thành viên Khu vực đồng euro là nguyên nhân làm giảm tăng trưởng kinh tế và chưa kéo lùi được tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế năm 2008.
Washington kêu gọi các nền kinh tế thặng dư thương mại ở châu Âu tăng cường hành động để kích cầu nội địa nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong khu vực. Lời kêu gọi được cho là nhằm vào Đức, quốc gia có nền kinh tế mạnh nhất tại châu Âu hiện nay.
Trong khi đó, các nhà sản xuất của Mỹ tỏ ra khá thất vọng trước việc Bộ Tài chính Mỹ không cáo buộc Trung Quốc hay Nhật Bản là các quốc gia thao túng tiền tệ. Chủ tịch Liên minh các nhà sản xuất Mỹ Scott Paul cáo buộc hai nước Nhật Bản và Trung Quốc rõ ràng đã định giá đồng nội tệ thấp hơn so với giá trị thực và điều này là nguyên nhân chính khiến cho thị trường việc làm của ngành sản xuất Mỹ không thể khởi sắc.
Đạo luật cạnh tranh và thương mại 1988 của Mỹ yêu cầu Bộ Tài chính xác định xem những đối tác có thặng dư thương mại lớn với Mỹ có thao túng nội tệ nhằm tạo lợi thế xuất khẩu hay không. Nếu câu trả lời là có, Quốc hội sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt.
Lần cuối cùng Bộ Tài chính Mỹ đưa ra cáo buộc Trung Quốc thao túng NDT là vào năm 1994, dưới thời Tổng thống Bill Clinton. Tuy nhiên, kể từ đó, thay vì cáo buộc Trung Quốc, Bộ Tài chính Mỹ đã kêu gọi nước này thay đổi chính sách tiền tệ, một động thái được cho là mang tính ngoại giao hơn nhằm tránh gây ra các cuộc đối đầu thương mại với chủ nợ lớn nhất của Mỹ.
Cuối tháng 6/2014, tổng dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc đạt gần 4.000 tỷ USD, tương đương 40% GDP của nước này.