Mới đây, bà Christine Lagarde nhận định đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc không còn bị “định giá thấp.” Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew không đồng tình với quan điểm trên. Hiện vẫn có nhiều tranh cãi xung quanh khả năng dự trữ tiền tệ toàn cầu của đồng Nhân dân tệ, hầu hết liên quan đến việc chính quyền Bắc Kinh vẫn còn kiểm soát giá trị của đồng tiền này.
Theo cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke, việc cố gắng tác động đến sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc mà bỏ qua các yếu tố chính trị là không hề “khôn ngoan.” Ông Bernake cho rằng nếu chính quyền Washington nghe theo lời yêu cầu của IMF và cho phép Trung Quốc có vai trò to lớn hơn trong các tổ chức kinh tế thế giới, có thể nước này đã không xây dựng Ngân hàng Phát triển Cơ sở Hạ tầng Châu Á (AIIB). Việc thành lập AIIB với số vốn 100 tỷ USD đang đe dọa làm suy yếu hệ thống tài chính toàn cầu hiện nay.
Quan điểm của ông Bernake có thể được xem xét đối với tình huống của đồng Nhân dân tệ. Trong khi đồng Yên của Nhật Bản giảm 30% kể từ cuối năm 2012 xuống mức thấp nhất trong hơn 12 năm qua vào phiên 28/5, đồng Nhân dân tệ lại tăng giá trong cùng thời kỳ. Do đó, IMF có lý do để đi ngược lại mong muốn của Mỹ và có thể thúc đẩy để đưa đồng Nhân dân tệ vào rổ các đồng tiền dự trữ chủ chốt. Có 2 nguyên nhân chính IMF nên làm như vậy, bất chấp các quan chức hay những nhà hoạch định chính sách Mỹ đã nói gì với họ.
Tỷ giá Nhân dân tệ /USD
Đầu tiên, Trung Quốc có thể tự “hành động” mà không cần sự đồng ý của các quốc gia khác. Theo những gì mà ông Bernake đã phát biểu, Phương Tây đang thực hiện chính sách “cứng rắn” với chính quyền Bắc Kinh và để nước này tự giải quyết những rủi ro của mình. Ngân hàng AIIB do Trung Quốc khởi xướng đang giảm bớt sự cộng tác với Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB). Với khoản dự trữ ngoại tệ 3,7 nghìn tỷ USD, Trung Quốc có thể tài trợ cho các chính phủ gặp khó khăn với thâm hụt cán cân thanh toán và hầu như không nước nào có thể ngăn cản chính quyền Bắc Kinh làm điều này.
Cường quốc Châu Á này đã từng đề xuất một ý tưởng tương tự trong cuộc khủng hoảng năm 1997 nhưng không thể thực hiện do lo ngại làm mất ảnh hưởng từ IMF và Bộ Tài chính Mỹ. Tuy nhiên, đề xuất AIIB hiện nay có vẻ hấp dẫn hơn, đặc biệt là khi Trung Quốc hứa hẹn sẽ ít đòi hỏi những yêu cầu “thắt lưng buộc bụng” trong chính sách tài chính đối với các quốc gia đang gặp khó khăn như Hy Lạp.
Chuyên gia Eswar Prasad của Đại học Cornell-NewYork cho rằng nếu IMF không quan tâm đến những mục đích thật sự của chính quyền Bắc Kinh sau các đề nghị kinh tế, những xung đột liên quan đến thị trường tiền tệ sẽ ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Hiện đã có nhiều quốc gia mới nổi cho rằng IMF là một tổ chức hoạt động dựa trên lợi ích của những nước phát triển. Vì vậy, sự bất cẩn của IMF có thể khích lệ các nước đến với tổ chức tài chính của Bắc Kinh, qua đó ảnh hưởng mạnh mẽ đến cấu trúc tài chính toàn cầu.
Nguyên nhân thứ 2 là Trung Quốc đang tăng cường cải cách nền kinh tế. Ông Bernake đã đúng khi cho rằng đồng Nhân dân tệ còn “chặng đường dài” phải đi trước khi có thể trở thành một đồng tiền dự trữ chủ chốt. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây cho thấy đồng Nhân dân tệ được giao dịch nhiều nhất tại Trung Quốc, Hồng Kông và nhiều thứ 5 trên thế giới. Vì vậy, rất khó để có thể loại bỏ tầm quan trọng của đồng tiền này. Với tình hình đó, việc IMF đưa Nhân dân tệ vào rổ các đồng tiền dự trữ chủ chốt chỉ còn là vấn đề thời gian.
Bên cạnh đó, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ Trung Quốc cam kết sẽ cải cách nền kinh tế, và điều này đã tạo áp lực thay đổi lên các cơ quan khác của chính phủ. Theo hãng tin Bloomberg, Thống đốc Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên có mối liên hệ chặt chẽ với cựu Thủ tướng Chu Dung Cơ (1998-2003), người từng có ảnh hưởng sâu rộng trong chính trường nước này. Ông Chu Tiểu Xuyên đã có các cuộc vận động hành lang để đưa đồng Nhân dân tệ vào rổ dự trữ tiền tệ của IMF, qua đó tạo áp lực cải cách phần nào đối với chính quyền Bắc Kinh.
Những chiến lược kinh tế của Thống đốc Chu đã đem lại hiệu quả như việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001, qua đó thúc đẩy dòng vốn đầu tư và cạnh tranh nước ngoài. Ông Chu cũng có kế hoạch thả nổi đồng Nhân dân tệ nhằm hạn chế ảnh hưởng của chính phủ tới nền kinh tế, gia tăng tính minh bạch trong hệ thống tài chính và doanh nghiệp nhà nước.
Mặc dù vậy, một số quan chức hiện nay, như bà Lagarde và ông Lew, vẫn cho rằng giá trị thực của đồng Nhân dân tệ không được định giá chính xác và sẽ là rủi ro khi đưa đồng tiền này vào rổ dự trữ tiền tệ. Trong tình hình bầu cử Tổng thống Mỹ đang tới gần, chắc chắn những thảo luận về kinh tế Trung Quốc sẽ là chủ đề lớn trong năm tới.
Cho dù thế nào đi chăng nữa, các nhà hoạch định chính sách không nên đánh giá thấp vai trò của Trung Quốc trong hệ thống tài chính toàn cầu. Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang được điều hành bởi một chính phủ có nhiều dự trữ tài chính, tham vọng lớn và có nhiều cơ hội để lựa chọn. Với bài học từ AIIB, chính phủ Mỹ nên để Trung Quốc tham gia nhiều hơn vào các định chế tài chính thay vì để nước này tự “hoạt động,” làm gia tăng những rủi ro cho nền kinh tế toàn cầu.