Hãy tưởng tượng ngân hàng có mức lãi suất âm, nghĩa là người gửi tiền phải trả tiền đề có thể gửi tiết kiệm tại ngân hàng. Điều này nghe có vẻ không tưởng, nhưng một số ngân hàng trung ương tại Châu Âu đã cắt giảm lãi suất chủ chốt xuống dưới 0%.
Đối với một số quốc gia, đây là nỗ lực nhằm phục hồi nền kinh tế khi những công cụ khác không khả thi. Một số nước thì lại muốn người nước ngoài chuyển tiền khỏi quốc gia của họ. Dù cho nguyên nhân là gì đi nữa, quyết định này đã tạo ra sự”méo mó” trên thị trường tài chính.
Tuy nhiên, chiến lược này có thể phản tác dụng. Một số ngân hàng thương mại Châu Âu thậm chí đã bỏ qua quy định lãi suất âm nhằm giữ chân khách hàng.
Lãi suất âm
Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đã thử áp dụng lãi suất âm trước khi tung ra chương trình mua lại trái phiếu giống như của Mỹ và Nhật Bản. ECB là ngân hàng trung ương lớn đầu tiên trên thế giới áp dụng lãi suất âm. Lãi suất tiền gửi tại đây đã xuống mức âm 0,2% vào tháng 9/2014.
Đây là một biện pháp nhằm tác động đến những ngân hàng thương mại tích trữ tài chính ở ngân hàng trung ương thay vì mở rộng những khoản vay cho các doanh nghiệp hoặc tổ chức tín dụng yếu kém khác. Thụy Điển cũng đã kết hợp tương tự giữa lãi suất âm và việc mua lại trái phiếu. Đan Mạch cắt giảm lãi suất xuống mức sâu hơn nhằm bảo vệ tỷ giá đồng nội tệ. Thụy Sỹ đã hạ mức lãi suất huy động tiền gửi xuống dưới 0% lần đầu tiên kể từ thập niên 70. Ngay sau đó, lãi suất âm đã ảnh hưởng đến những tài sản trong khu vực này.
Tính đến cuối tháng 3/2015, hơn 1/4 trái phiếu phát hành bằng đồng Euro có lợi suất ở mức âm. Điều này có nghĩa là nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu đáo hạn sẽ không nhận lại được toàn bộ số tiền mà họ bỏ ra. Trong khi đó, nhiều ngân hàng thương mại không muốn áp dụng lãi suất âm vì sợ mất khách hàng. Ngân hàng UBS phàn nàn rằng lợi nhuận của họ đang bị giảm sút.
Bối cảnh
Lãi suất âm là dấu hiệu của sự bi quan trên thị trường, qua đó cho thấy những công cụ điều chỉnh kinh tế truyền thống đã không còn hiệu quả và các quan chức buộc phải dùng đến những biện pháp mới. Lãi suất dưới 0% chưa bao giờ được sử dụng với mức độ và phạm vi lớn trong nền kinh tế như khu vực Eurozone đang làm.
Hiện vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy tỷ lệ lãi suất âm có tác dụng rõ ràng đối với nền kinh tế khu vực này. Tuy nhiên, Chủ tịch ECB Mario Draghi cho biết sẽ “làm tất cả những gì có thể” để cứu nền kinh tế đồng tiền chung Châu Âu. Đây là dấu hiệu cho thấy ECB sẽ có những biện pháp “sáng tạo” nhằm thúc đẩy nền kinh tế khu vực Eurozone.
Các nhà hoạch định chính sách Châu Âu đang cố gắng để ngăn chặn nguy cơ giảm phát, hoặc một nguy cơ giảm giá làm tổn thương đến cơ hội phục hồi của nền kinh tế. Khu vực đồng tiền chung đang phải vật lộn với mức tín dụng thấp, còn tỷ lệ thất nghiệp gần mức cao kỷ lục.
Những tranh cãi
Theo lý thuyết, lãi suất dưới 0% sẽ làm giảm chi phí vay đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp, qua đó thúc đẩy nhu cầu tín dụng. Tuy nhiên trong thực tế, chính sách này có thể đem lại nhiều rủi ro hơn lợi ích. Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Janet Yellen đã từng cho rằng một tỷ lệ lãi suất thấp gần mức 0% có thể ảnh hưởng đến việc thu hút vốn của các tổ chức tài chính. Nếu người dân phải trả nhiều khoản phí hơn để gửi tiết kiệm thì họ có thể sẽ rút tiền mặt và tích trữ tại nhà.
Khi các ngân hàng thực sự áp dụng lãi suất âm, chính sách này thậm chí có thể làm giảm lợi nhuận chênh lệch giữa cho vay và nhận tiền gửi tiết kiệm. Qua đó khiến các ngân hàng càng không muốn gia tăng tín dụng cho các doanh nghiệp và hộ gia đình.
Ngoài ra, việc thực hiện lãi suất thấp, thậm chí dưới 0%, sẽ làm gia tăng lo ngại về một cuộc chiến tranh tiền tệ giữa các nước. Các quốc gia “đua nhau” giảm lãi suất khiến nhà đầu tư chuyển đổi đồng tiền sang nước khác nhằm tìm kiếm lợi nhuận cao hơn.