“Mùa cau” trái phiếu và chuyện “lấy mỡ gà rán thịt gà”

Trong khi Kho bạc Nhà nước liên tục phát hành trái phiếu thành công với lãi suất giảm sâu, thì nhiều doanh nghiệp vẫn khó vay vốn hoặc phải vay với chi phí không mấy dễ chịu

“Được mùa lúa, úa mùa cau; được mùa cau, đau mùa lúa”. Dân gian lý giải, với đặc tính cây trồng, những năm khô hạn cau (cây chịu hạn) thường sai quả còn lúa (cây cần nước) thì lép bông hoặc khô cháy.

Từ đầu năm đến nay, trong khi Chính phủ dồn dập thu hoạch “mùa cau” trái phiếu, thì vẫn nhiều doanh nghiệp phản ánh ruộng lúa nhà mình khô căn vì thiếu vốn.

Hiện tượng chèn lấn

Cổng thông tin Chính phủ mới đưa tin, tính đến ngày 25/9/2014, Kho bạc Nhà nước huy động được 210.198,3 tỷ đồng từ trái phiếu Chính phủ, đạt 90,6% kế hoạch Bộ Tài chính giao năm 2014, bằng 145,0% so với cùng kỳ năm 2013.

Đó là những con số ấn tượng, mà cứ với tiến độ như từ đầu năm đến nay, thành tích của Kho bạc Nhà nước chắc chắn là vượt kế hoạch. Nhưng, một vụ mùa bội thu trái phiếu như vậy cũng chẳng nên hân hoan gì.

Với dự tính khoảng 300.000 tỷ đồng, 2014 dự kiến sẽ là năm kỷ lục vay nợ của Chính phủ qua kênh trái phiếu. Yếu tố thuận lợi cho “mùa cau” này là các ngân hàng thương mại dư thừa vốn, nhồi vào trái phiếu như một lựa chọn tối ưu khi mà tín dụng khó đẩy mạnh.

Với ngân hàng, trái phiếu Chính phủ có độ an toàn cao, thanh khoản chỉ đứng sau tiền mặt. Khi họ nhồi vốn vào mua, nhu cầu tăng lên, trái phiếu được giá, lãi suất giảm sâu và chi phí ngân sách đỡ đi phần nào. Nhưng ngược lại, nguồn để tưới cho các “ruộng lúa” doanh nghiệp, vốn đang khát, bị chia sẻ đáng kể.

Đó là hiện tượng chèn lấn, mà đầu năm nay một số chuyên gia đã cảnh báo.

Trong lần trao đổi với VnEconomy trước đây, TS. Trịnh Quang Anh, nhà nghiên cứu độc lập, từng quan ngại: với kế hoạch huy động lượng lớn trái phiếu Chính phủ năm nay, hiện tượng chèn lấn sẽ rõ nét hơn và càng cản trở khả năng giảm lãi suất cho vay cho các doanh nghiệp.

Tức là, nếu Chính phủ vay ít đi, bớt bao tiêu cho các ngân hàng thương mại, vốn sẽ dồn nhiều hơn (ít nhất là về áp lực giải ngân) vào tín dụng truyền thống. Cung nhiều hơn, cơ hội tiếp cận vốn vay và lãi suất mềm đi sẽ thêm thực tế để mở rộng.

Nhưng thực tế thực, tín dụng tăng trưởng ì ạch kéo dài hơn nửa năm và chỉ bắt đầu chuyển biến vào quý 4. Và cũng đã thêm gần một năm nữa trôi qua, lãi suất cho vay mới chỉ giảm thêm được 0,5-1,5%/năm, nhiều khoản vay lãi suất cao từ 13%/năm đến trên 15%/năm vẫn còn đó.

Làm khó chính sách tiền tệ?

Đi cùng với hoạt động vay nợ của Chính phủ, trao đổi với nhà đầu tư nước ngoài tại một diễn đàn đầu tuần này, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: “Chúng tôi quy định nợ công không vượt quá 65% GDP. Với tính toán mà Chính phủ báo cáo Quốc hội lần này, mức đó đạt suýt soát 64%”.

Đó là cảnh báo bằng con số cụ thể. Còn những tác động khác, xoay quanh “mùa cau” trái phiếu đang bội thu, là khó lượng hóa. Hiện tượng chèn lấn nói trên là một tác động, một dẫn chứng cho tình huống chính sách tài khóa làm khó chính sách tiền tệ.

Chưa hết, nguồn vốn Chính phủ dồn dập vay bằng trái phiếu, đan xen với cơ chế gửi tiền ngân sách tại các ngân hàng thương mại, có thể càng gây khó cho Ngân hàng Nhà nước trong điều hành, cân đối và điều tiết các nguồn tiền để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định tỷ giá…

Tác động trên không mới, từng được một số chuyên gia lưu ý từ nhiều năm trước. Nay nó càng nổi bật với quy mô phát hành trái phiếu Chính phủ rất lớn và dồn dập như vậy, cùng lượng tiền gửi ngân sách đáng chú ý tại một số ngân hàng thương mại nhà nước.

Theo phân tích của TS. Phan Văn Tính trong một bài viết vài năm trước được chia sẻ trên “Cộng đồng Ngân hàng” trực tuyến, tác động và các mối quan hệ trên có thể gọi là kiểu “lấy mỡ gà rán thịt gà”.

Một mặt, vốn ngân sách gửi tại ngân hàng thương mại làm tăng tổng phương tiện thanh toán trong nền kinh tế. Trong khi đó, nguồn vốn của ngân hàng đầu tư vào trái phiếu Chính phủ lại có thể chính là nguồn vốn của ngân sách gửi tại họ sau khi đã thu được từ bán trái phiếu.

Sau khi mua và sở hữu, các ngân hàng lại có thể dùng trái phiếu Chính phủ để cầm cố vay vốn hoặc chiết khấu tại Ngân hàng Nhà nước.

“Hiện tượng này có thể gọi “lấy mỡ gà rán thịt gà”. Cơ chế tạo tiền đó nằm ngoài ý chí điều hành của Ngân hàng Nhà nước. Hậu quả là công cụ của chính sách tiền tệ bị “vô hiệu” đối với một bộ phận vốn trong nền kinh tế”, TS. Phan Văn Tính nêu tình huống trong bài viết nói trên.

Được biết, khoảng hai năm trước, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đã cùng ký một văn bản, theo hướng tăng cường phối hợp chặt chẽ và nhịp nhàng hơn giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ.

Thế nhưng, với hiện tượng chèn lấn và tình huống của vòng quay tạo tiền từ trái phiếu Chính phủ nói trên, thật khó để cả “cau” và “lúa” cùng được mùa. Trong khi Kho bạc Nhà nước liên tục phát hành thành công với lãi suất giảm sâu, thì nhiều doanh nghiệp vẫn khó vay vốn hoặc phải vay với chi phí không mấy dễ chịu.