Một năm sau tái cơ cấu, PVcomBank bây giờ ra sao?

Một năm sau tái cơ cấu, PVcomBank bây giờ ra sao?

Đến thời điểm 30/9 ngân hàng đạt tổng tài sản xấp xỉ 100 nghìn tỷ đồng, nhân sự 2.750 người, lợi nhuận vượt 5% so với kế hoạch.

Hôm nay 1/10 vừa tròn 1 năm ngày ra mắt Ngân hàng TMCP Đại chúng VN (PVcomBank), trên cơ sở hợp nhất giữa Tổng Công ty Tài chính Cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Tây (Western Bank).

Gian nan

Cách đây 1 năm, các chuyên gia trong ngành nhận xét, PVcomBank chắc chắn sẽ gặp không ít khó khăn bởi chưa có định hướng chiến lược phát triển dài hạn, chất lượng tài sản bị ảnh hưởng bởi những tồn dư trước đó, hệ thống công nghệ thông tin lỗi thời và chưa tích hợp giữa ngân hàng và công ty tài chính, chính sách, cơ chế chưa nhất quán, hệ thống mạng lưới nhỏ và rải rác, sản phẩm dịch vụ sơ khai…

Nhưng khó khăn nhất là PVcomBank, mang nhiều hình ảnh của PVFC – một công ty tài chính – lại hoạt động trong mảng ngân hàng chứ không phải là công ty tài chính như trước đó. Thương vụ sáp nhập giữa công ty tài chính và ngân hàng xuất hiện lần đầu tiên ở Việt Nam khiến dư luận đặc biệt quan tâm, nhất là khi WesternBank lại thuộc diện yếu kém buộc phải tái cơ cấu theo yêu cầu của NHNN.

Một vấn đề nữa cũng đặt ra khi ấy là vấn đề nhân sự. Trong bối cảnh nhân sự ngành ngân hàng nói chung đang trải qua khủng hoảng thì ở PVcomBank còn thiếu nhân sự cấp cao, cấp trung và cả nhân viên chuyên môn. Đề án tái cơ cấu cho thấy cả 2 đơn vị sau sáp nhập sẽ giữ các nhân sự cũ bên cạnh việc tuyển người mới, đòi hỏi lãnh đạo ngân hàng phải có chính sách đào tạo cho các nhân lực đáp ứng được yêu cầu công việc mới, đặc biệt là những nhân sự làm việc tại PVFC trước đó, bên cạnh việc hội nhập văn hóa của hai bên.

Sau sáp nhập, PVcomBank đã chọn nhà tư vấn BCG cho chiến lược phát triển trở thành một trong các ngân hàng hàng đầu Việt Nam trong 5 năm tới. Một kế hoạch được cho là quá tham vọng, khi mà ngân hàng phải bắt đầu với những bước đi nặng nề.

Đã có tín hiệu lạc quan

Sau 1 năm thực hiện tái cơ cấu, đến nay những nỗ lực của ngân hàng đã mang lại những kết quả khá bất ngờ. Đầu tiên, và có lẽ là thành công nhất, phải kể đến thương hiệu PVcomBank đã tìm được chỗ đứng vững chắc trong cộng đồng doanh nghiệp và dân cư. Hệ thống công nghệ thông tin đã được tích hợp, nhân sự ổn định và đáp ứng được tất cả các yêu cầu của một ngân hàng hiện đại.

Cùng với 106 điểm giao dịch và các ATM phân bổ đều trên các vùng trọng điểm kinh tế trên cả nước, năm nay ngân hàng được phép mở thêm 8 chi nhánh ở Quảng Ninh, Thái Bình, Khánh Hòa, Cà Mau, Nghệ An và 3 chi nhánh tại TP Hồ Chí Minh.

Về hoạt động kinh doanh, dù chưa công bố báo cáo tài chính quý 3 nhưng lãnh đạo PVcomBank cho biết, trong 9 tháng đầu năm ngân hàng đạt doanh số 600 triệu USD từ mua bán ngoại tệ, trong đó của riêng khách hàng ngành dầu khí 497 triệu USD. Mảng tín dụng được đẩy mạnh như thu xếp vốn cho 3 dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2; Long Phú 1, Vũng Áng với tổng giá trị cam kết thu xếp là 2,7 tỷ USD; Dự án Vũng Áng 1 là 908 triệu USD; Dự án NMNĐ Thái Bình 2 đã hoàn thành thủ tục thu xếp vốn với tổng giá trị thu xếp 937 triệu USD, chuẩn bị giải ngân lần đầu vào cuối tháng 9/2014. Dự án Long Phú 1 cũng đang thu xếp vốn với khoảng 1 tỷ USD…

Đến thời điểm 30/9 ngân hàng đạt tổng tài sản xấp xỉ 100 nghìn tỷ đồng, nhân sự 2.750 người, lợi nhuận vượt 5% so với kế hoạch cổ đông đề ra, các tỷ lệ an toàn đều đạt theo quy định và nợ xấu kiểm soát theo đúng lộ trình tái cơ cấu.



Tùng Lâm