Mới có 30% doanh nghiệp vừa và nhỏ vay được vốn ngân hàng

(NDH) Đến nửa đầu năm 2014, tỷ trọng dư nợ của DNNVV chiếm 25%, tương đương với 896,8 ngàn tỷ đồng.Tốc độ tăng trưởng tín dụng của nhóm doanh nghiệp này chỉ khoảng 2%. Trong khi, tốc độ tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế sau 9 tháng đầu năm đạt 7-8%

Mặc dù chiếm tới 97,5% số các doanh nghiệp của nền kinh tế, sử dụng 51% lao động xã hội, đóng góp hơn 40% GDP, 30% ngân sách nhà nước và 33% sản lượng công nghiệp, nhưng các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNNVV) đang phải đối mặt với trở ngại về nhu cầu tiêu dùng sụt giảm trong một thời gian dài và đặc biệt là khó khăn về tiếp cận nguồn vốn và dòng tiền.

Hội thảo “Nâng cao khả năng tiếp cận vốn cho các Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trong bối cảnh Việt Nam hội nhập cộng đồng kinh tế ASEAN 2015” được tổ chức tại Hà Nội đã trao đổi, thảo luận về vấn đề này.

Chia sẻ tại buổi hội thảo, ông K.Balasingam – Tổng giám đốc Viện nhân lực ngân hàng tài chính BTCI cho biết “Hiện chỉ có 30% các DNNVV tiếp cận được với nguồn vốn từ ngân hàng, 70% còn lại phải tiếp tục sử dụng nguồn vốn tự có hoặc vay từ nguồn vốn khác với chi phí rất cao”.

Theo khảo sát của Viện Quản trị doanh nghiệp nhỏ và vừa (SISME), 32,28% doanh nghiệp được khảo sát cho biết có khả năng tiếp cận vốn và được vay vốn thường xuyên; 35,24% doanh nghiệp khó tiếp cận; còn lại doanh nghiệp cho biết không thể tiếp cận được vốn vay ngân hàng. Các kênh khác như phát hành cổ phiếu, trái phiếu thì phần lớn các DNNVV không đủ điều kiện vay hoặc không có đủ uy tín.

Ông Phạm Ngọc Long, Viện trưởng Viện Quản trị DNNVV cho biết, theo số liệu tính đến nửa đầu năm 2014, tỷ trọng dư nợ của DNNVV chiếm 25%, tương đương với 896,8 ngàn tỷ so với 3,6 triệu tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng tín dụng của nhóm doanh nghiệp này chỉ khoảng 2%. Trong khi, tốc độ tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế sau 9 tháng đầu năm đạt 7-8%. Đáng chú ý, tỷ lệ giữa tổng tài sản đảm bảo trên tổng dư nợ tăng đáng kể , phản ánh mức độ tín nhiệm chung của các ngân hàng đối với các DNNVV thấp.

Cũng phải nói thêm rằng, tài sản đảm bảo đối với các doanh nghiệp đang cạn kiệt do tới 60% tài sản đảm bảo là bất động sản, trong khi loại tài sản này vẫn đang được định giá không cao. Các loại hình vay vốn thông qua bão lãnh, tín chấp, không yêu cầu tài sản đảm bảo vẫn còn rất hạn chế.

Phó Giám đốc Khối KHDN Techcombank, ông Trần Trung Kiên, cho biết tại Techcombank hình thức cho vay tín chấp đối với nhóm DNNVV còn khá hạn chế. Một số hình thức cho vay tín chấp được ngân hàng này áp dụng là thấu chi, cho vay liên kết như việc ngân hàng này tài trợ vốn cho các đại lý của Masan khi mua hàng mà chỉ cần đơn đặt hàng, tài sản đảm bảo chính là hàng tồn kho được đặt mua.

Việc Bộ Tài chính đưa ra thông tư hướng dẫn cụ thể Quy chế bảo lãnh của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) cho DNNVV vay vốn tại NHTM ngày 6/6/2014 mới đây đã mở ra một cơ hội vay vốn ưu đãi đối với các DNNVV. Tuy nhiên, chiếu theo các quy định, điều kiện để nhận được nguồn vốn này lại khá chặt chẽ và gần như chỉ bảo lãnh cho doanh nghiệp “khỏe”.

Trao đổi tại buổi Hội thảo này, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV VN cho biết Quỹ phát triển DNNVV của Hiệp Hội cho vay tất cả các DNNVV và chú trọng tới phương án vay của doanh nghiệp.

Quỹ có nguồn vốn 3.000 tỷ đồng và đến nay chưa được giải ngân nhưng kỳ vọng quỹ sẽ được Chính phủ giải ngân vào cuối năm nay. Ông Nam cho biết lãi suất từ gói vay này sẽ thấp, chỉ tương đương khoảng 90% lãi suất thông thường, thời hạn vay từ 7-10 năm, kích thước gói vay 30 tỷ đồng.