Mobile Banking và hướng đi mới của các ngân hàng

Mobile Banking và hướng đi mới của các ngân hàng

Theo thống kê của Vụ Thanh toán (NHNN), hiện trong hệ thống có 19 NHTM cung cấp dịch vụ Mobile Banking và con số này sẽ không dừng tại đó.

Hiện nay, các dịch vụ ngân hàng điện tử đang được đánh giá là có nhiều tiềm năng trong bối cảnh kinh tế phát triển và nhu cầu giao dịch nhanh chóng đang được đặt lên hàng đầu. Với điều kiện đó, mobile banking là hướng đi mới được nhiều ngân hàng TMCP chú trọng đầu tư.

Thị trường nhiều triển vọng

Theo nhiều chuyên gia ngân hàng, dịch vụ ngân hàng điện tử nói chung và mobile banking nói riêng đang mang lại lợi ích rất lớn không chỉ cho phía khách hàng, mà cho chính các ngân hàng đang triển khai. Bởi những công nghệ này giúp giảm thiểu việc đầu tư nhân lực dàn trải, tiết kiệm chi phí cơ sở vật chất, hạ tầng, chi phí in ấn, lưu chuyển hồ sơ… so với các phương thức giao dịch truyền thống. Khách hàng trong khi đó tiết kiệm thời gian, công sức khi có thể sử dụng các dịch vụ ngân hàng mọi lúc, mọi nơi, nhanh chóng hơn rất nhiều so với trước đây.

Thực tế, tại các nước phát triển như Mỹ, Canada, Australia… số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ mobile banking nhiều hơn hẳn so với Internet banking và giao dịch trực tiếp tại ngân hàng. Theo nghiên cứu của Juniper Research, trong 5 năm tới, số lượng người dùng mobile banking trên toàn cầu sẽ tăng hơn 2 lần, từ 800 triệu người dùng hiện nay lên 1,75 tỷ người dùng vào năm 2019. Nguyên do chính của sự tăng trưởng này là tỷ lệ người sử dụng điện thoại smartphone ngày càng tăng và phương thức thanh toán qua điện thoại di động bắt đầu phổ biến.

Thị trường Việt Nam cũng đang mở ra nhiều cơ hội tương tự. Một nghiên cứu thị trường của hãng GFK công bố, năm 2013, số điện thoại di động được nhập khẩu vào nước ta khoảng 17 triệu chiếc, trong đó smartphone cao cấp chiếm hơn 41%. Tốc độ tăng trưởng của thị trường smartphone tại Việt Nam đang đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Đi cùng sự tăng trưởng này, là sự phát triển của các dịch vụ mobile banking. Theo thống kê của Vụ Thanh toán (NHNN) hiện có 19 NHTM cung cấp dịch vụ Mobile Banking và con số này sẽ không dừng lại tại đó.

Nhiều lựa chọn hơn cho khách hàng

Nắm bắt xu hướng thị trường và tầm quan trọng của ứng dụng Mobile Banking trong tương lai, các ngân hàng đã không ngừng đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật mạng, xây dựng hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, … để đảm bảo hoạt động dịch vụ luôn nhanh chóng, thông suốt. Với tiêu chí đó, đến nay đã có thêm nhiều ngân hàng đã giới thiệu ứng dụng mobile banking. Có thể kể đến vài cái tên như VIB, Vietcombank, OceanBank, Eximbank, MaritimeBank, SHB, NamABank...

Gần đây nhất là Ngân hàng TMCP Bản Việt với ứng dụng VietCapital Mobile Banking, cung cấp các giao dịch tài chính cơ bản như kiểm tra số dư, nạp tiền điện thoại, thanh toán hóa đơn điện, nước, internet, mở tài khoản tiền gửi online, chuyển khoản trong hệ thống, chuyển khoản ngoài hệ thống … Trong đó, khách hàng được miễn phí hoàn toàn khi chuyển khoản trong cùng hệ thống và mức phí cho các giao dịch chuyển khoản khác đang khá ưu đãi, tối thiểu chỉ 5000 đồng/lần.

Bên cạnh việc tiết kiệm chi phí, mobile Banking được đánh giá là còn giúp người tiêu dùng còn tiết kiệm được một quỹ thời gian đáng kể khi mọi giao dịch thông qua các ứng dụng mới đều được hoàn thành chỉ trong khoảng 1 phút.

Theo đánh giá của các chuyên gia, các tính năng của ứng dụng Mobile Banking được ngân hàng phát triển dựa trên nhu cầu của người Việt, từ nhu cầu cơ bản như chuyển tiền, nạp tiền điện thoại trả trước, tra cứu lãi suất, tỷ giá ngoại tệ, … đến các nhu cầu đặc biệt hơn như gửi tiết kiệm trực tuyến, thanh toán hóa đơn.

Với những lợi ích nổi trội, mobile banking đang dần trở thành sức mạnh cạnh tranh của một số ngân hàng tại Việt Nam. Đây là sự đầu tư công nghệ khôn ngoan, góp phần tạo dựng hệ thống dịch vụ ngân hàng nhanh chóng, tiện lợi, an toàn và hướng đến lợi ích tối đa cho khách hàng.


Phương Thảo