Minh bạch thông tin ngân hàng: Cuộc chơi không công bằng

Minh bạch thông tin ngân hàng: Cuộc chơi không công bằng

Đã sang tháng 9 nhưng nhiều ngân hàng vẫn ỉm thông tin tình hình tài chính nửa đầu năm 2014. Cuộc chơi trở nên không công bằng, nhưng chưa rõ khi nào mới công bằng.

6 tháng đầu năm 2014, hoạt động của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) gặp nhiều khó khăn. Nhiều chỉ tiêu kinh doanh chính đều giảm, thậm chí giảm mạnh như ở quy mô tổng tài sản. Một số thông tin trên thị trường có những bình luận, phân tích không mấy thuận lợi…

6 tháng đầu năm 2014, thực hiện quy định, Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) bắt đầu thực hiện trích lập dự phòng cho trái phiếu đặc biệt của VAMC sau khi bán lại nợ xấu. Khoản mục liên quan theo kỹ thuật hạch toán bị xem là “lỗ thê thảm”.

Trước khi có báo cáo tài chính đã được soát xét, một số ngân hàng thương mại công bố báo cáo cơ bản và rồi “mang tiếng” là nhập nhèm và mập mờ thông tin, dù một phần thực hiện theo văn bản hướng dẫn mới…

Và hầu hết các ngân hàng thương mại đã công bố báo cáo tài chính bán niên đều phải thể hiện rõ con số nợ xấu tăng lên, chi phí trích lập dự phòng tăng cao. Nói chung là không được tích cực, xét về thành tích.

Họ, những ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính theo quy định như trên ít nhiều đều chịu những “va đập” của thông tin. Nhưng điểm chung là họ đang bước trên con đường minh bạch. Trong khi đó, có những thành viên đến thời điểm này vẫn ỉm đi thông tin tài chính trong kỳ báo cáo nói trên, dù đã sang tháng 9.

Theo quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, báo cáo tài chính bán niên của các công ty đại chúng quy mô lớn có hạn chót công bố là 45 ngày kể từ ngày kết thúc 6 tháng đầu năm tài chính. Hầu hết các công ty đại chúng niêm yết đều đã công bố, phần lớn các ngân hàng thương mại cổ phần đã công bố, thì vẫn còn khoảng trống nói trên.

Cuộc chơi trở nên không công bằng khi những người đang đi trên con đường minh bạch thông tin có thể phải chịu “va đập” như vậy, trong khi những trường hợp bên lề vẫn (tạm thời) vô sự. Bởi vì, khi chưa có thông tin cụ thể, các bình luận, phân tích trên thị trường, sự xét đoán của nhà đầu tư, khách hàng… chưa có cơ sở để định hình.

Nhưng có lẽ có một điểm chung là tình hình hoạt động của họ trong kỳ đó chẳng mấy tốt đẹp; nếu tốt đẹp hẳn họ có động lực để công bố.

Cũng theo quy định, các công ty đại chúng và các ngân hàng thương mại cổ phần phải có website riêng, có mục “Nhà đầu tư” để công bố thông tin định kỳ về tình hình tài chính và những thay đổi mà cổ đông cần được biết trong quá trình hoạt động. Theo kênh này, một loạt ngân hàng thương mại như Southern Bank, VietBank, SCB, GP.Bank đều mất hút.

Trong số đó, có thành viên đã mấy năm qua không rõ tình hình tài chính như thế nào, hay có kiểu minh bạch nửa vời khi công bố báo cáo tài chính ngẫu hứng quý có quý không…

Tất nhiên, cũng có những lý do chấp nhận được nếu việc công bố thông tin bị trì hoãn, như bị thiên tai, hỏa hoạn, chiến tranh…, hay gọi chung là bất khả kháng. Hoặc có những lý do nào đó mà cơ quan quản lý xem xét được. Nhưng nếu trì hoãn mãi, cũng không nêu lý do chưa công bố, thì hẳn là chủ động ỉm đi.

Trong một thị trường ngày càng hoàn thiện, thông tin trở thành một vũ khí cạnh tranh hoặc là môi trường để cạnh tranh, thì sự không công bằng nói trên dẫn tới thiệt – hơn là rõ ràng.

Vấn đề là, trong hoạt động ngân hàng, tình trạng công bố thông tin không đồng đều đã kéo dài nhiều năm qua, nhưng cũng chưa rõ phải làm sao, đến khi nào thì mới có sự đối xứng.

Trên thị trường, sự bất đối xứng thông tin là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự hoài nghi, tin đồn và không loại trừ cả góc nhìn tiêu cực về những chủ thể kém minh bạch đó.

Với đối tác và khách hàng, hẳn là khó để có những cái bắt tay mới khi mà tôi chưa biết rõ về anh.


>>> Cú rơi mới trong top 5 ngân hàng cổ phần

Theo Kim Anh