Miếng ngon bảo hiểm

(NDH) Hàng loạt thương vụ M&A của các tập đoàn nước ngoài vào lĩnh vực bảo hiểm của Việt Nam đủ chứng minh thị trường này vô cùng béo bở.

Thị trường bảo hiểm Việt Nam đang chứng kiến những thay đổi đáng kể khi nhiều thương vụ M&A có quy mô lớn liên tục xuất hiện gần đây. Điển hình nhất là tập đoàn tài chính nổi tiếng Canada Fairfax Financial Holdings thông qua công ty con của mình là Fairfax Asia Limited đã thâu tóm 35% cổ phần của bảo hiểm BIDV (BIC) thông qua đợt chào bán riêng lẻ. Giá thị của thương vụ lên tới xấp xỉ 50 triệu USD.

Đây là lần đầu tiên Fairfax tấn công vào thị trường Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành quốc gia 5 trong khối ASEAN nhận được sự đầu tư của tập đoàn. Trong 2014, chỉ tính riêng thị trường Châu Á đã mang lại doanh thu phí bảo hiểm cho Fairfax lên tới hơn 3 tỉ USD phí bảo hiểm.

Có được một nhà đầu tư chiến lược tầm cỡ như Fairfax, BIC kì vọng sẽ nhận được sự hỗ trợ cần thiết để khuếnh trương mạng lưới kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ, không chỉ ở Việt Nam mà còn các quốc gia lân cận khác như Campuchia và Lào. Nửa đầu năm nay, BIC ghi nhận tốc độ cải thiện lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ lên đến 76% để đạt 83 tỉ đồng.

Doanh thu phí bảo hiểm năm 2014 của BIC xấp xỉ 60 triệu USD, vẫn còn khoảng cách khá xa so với các doanh nghiệp đứng đầu trong cùng phân khúc bảo hiểm phi nhân thọ là Bảo Việt, PVI, Bảo Minh, PJICO hay PTI. Tuy vậy, trong các năm gần đây BIC là một trong những doanh nghiệp tăng nhanh nhất trong phân khúc. Lợi thế của BIC là có mối liên hệ sâu rộng với các dự án tài trợ vốn của cổ đông lớn là ngân hàng BIDV cũng như tận dụng được hệ thống giao dịch rộng khắp cả nước của ngân hàng này.

Trong giai đoạn 2009 – 2014, phân khúc bảo hiểm phi nhân thọ chứng kiến tốc độ tăng trưởng nhanh gần hơn gấp đôi nếu so với mặt bằng chung của thị toàn thị trường (24,3% so với 11%). Theo tính toán của công ty chứng khoán BIDV, ROE của phân khúc bảo hiểm phi nhân thọ lên đến 12,4%, cao hơn khá nhiều so với trung bình ngành là 8,9%. Sức hấp dẫn trên phân khúc phi nhân thọ thật sự là rất giá trị để các doanh nghiệp ngoại dấn thân.

Bên cạnh cuộc hôn nhân giữa BIC và Fairfax, trong năm nay thị trường cũng đón nhận thương vụ M&A giữa bảo hiểm bưu điện (PTI) và doanh nghiệp Hàn Quốc Dongbu. Tổng số tiền mà Dongu bỏ ra để thâu tóm 30 triệu cổ phiếu (chiếm 37% cơ cấu vốn) có giá trị xấp xỉ gần 49 triệu USD.

Năm 2013, tập đoàn bảo hiểm của Australia là IAG cũng đã thâu tóm bảo hiểm AAA – một đơn vị chuyên kinh doanh bảo hiểm xe máy trong nước. Trước đó, tập đoàn bảo hiểm của Pháp AXA thâu tóm 16,65% cổ phần của Bảo Minh

Các doanh nghiệp nội đang chiếm phần lớn thị phần bảo hiểm phi nhân thọ. Nhưng phân khúc này cũng rất phân mảnh khi có tới hơn 20 mới doanh nghiệp trong và ngoài nước đang hoạt động mà khá nhiều công ty có doanh thu phí bảo hiểm hằng nằm chỉ khoảng 10 triệu USD/ năm. Sự xuất hiện của nhiều tay chơi mới có tiềm lực như Fairfax hay Dongbu sẽ khiến mức độ cạnh tranh trong các năm tới sẽ rất khắc nghiệt.

Trên thực tế, chiếc bánh phi nhân thọ Việt Nam vẫn còn khá nhỏ. Theo thống kê của McKinsey, mức độ thâm nhập bảo hiểm phi nhân thọ của Việt Nam vẫn chỉ ở mức 0,7%. Trong khi mức độ thâm nhập bảo hiểm phi nhân thọ của các thị trường mới nổi là hơn 1% và 2,3% tại các thị trường phát triển. Dư địa thị trường vẫn còn lớn để cho các doanh nghiệp khai phá và cạnh tranh.

Một tác động khác kích thích các nhà đầu tư ngoại chính là hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ mở ra nhiều cơ hội kinh doanh rộng lớn hơn cho các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài, thậm chí người dân trong nước còn có cơ hội mua bảo hiểm từ các doanh nghiệp nước ngoài đặt trụ sở ở nước ngoài. Theo đánh giá của các chuyên gia, các tập đoàn bảo hiểm của Canada được xem là một trong những người có khả năng cạnh tranh mạnh mẽ nhất trong TPP nhờ sức khỏe tài chính khỏe mạnh, quy mô hệ thống và kinh nghiệm quản trị rộng lớn trên toàn cầu.

Trong khi đó, phân khúc nhân thọ trầm lắng hơn nhưng cũng chứng kiến số ít các thương vụ M&A đáng chú ý. Mới đây, tập đoàn bảo hiểm khác của Canada là Sun Life Financial đã mua lại 26% vốn của PVI trong liên doanh PVI Sun Life để đạt đến tỉ lệ chi phối 75%. Liên doanh PVI Sun Life được thành lập vào 2013 với vốn điều lệ 1.000 tỉ đồng trong đó PVI sở hữu 51% vốn và phần còn lại là thuộc sở hữu của Sun Life Financial. Giá trị của thương vụ hiện chưa được tiết lộ.

Ở phân khúc này, các doanh nghiệp ngoại đang là người làm mưa làm gió. Trong top 4 người dẫn đầu, chỉ xuất hiện một doanh nghiệp Việt là Bảo Việt, bên cạnh Prudential, Manulife và Dai-ichi Life. 4 doanh nghiệp kể trên đang chiếm gần thị phần (theo Business Monitor International 2013). Đó sẽ rào cản lớn cho các đối thủ khác xâm nhập vào phân khúc này nếu thiếu những chiến lược về sản phẩm và marketing rõ ràng.

Mặc dù vậy, tiềm năng của phân khúc nhân thọ vẫn còn lớn nhờ quy mô có thể mở rộng. Dù tốc độ trung bình năm của phân khúc này lên tới 22,5% (2007 – 2012) nhưng giá trị phí toàn thị trường chỉ đạt 900 triệu USD – cách biệt khác xa so với các quốc gia khác trong khu vực.

Nhìn chung, theo đánh giá của công ty chứng khoán BIDV (BSC), ngành bảo hiểm của Việt Nam khá triển vọng nhờ phục hồi cùng nền kinh tế. Khi kinh tế khởi sắc, đầu tư xây dựng và sản xuất tăng trực tiếp kéo theo nhu cầu về bảo hiểm tài sản và thiệt hại. Kết quả kinh doanh thuận lợi của các doanh nghiệp dẫn đến sức tăng thu nhập bình quân đầu người của người dân, làm tăng nhu cầu về bảo hiểm xe cộ và bảo hiểm sức khỏe và thiệt hại. Những yếu tố tích cực của nền kinh tế Việt Nam tạo một tiền đề thuận lợi cho sự đi lên về doanh thu của ngành bảo hiểm trong vòng 1-2 năm tiếp theo.