Xử lý nợ xấu hơn tăng trưởng tín dụng
Dẫu tín hiệu tích cực đã xuất hiện, nhưng các TCTD vẫn trông chờ vào thế chủ động của Ngân hàng Nhà nước. Phát biểu tại hội nghị triển khai công tác ngân hàng cuối năm 2014, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã chỉ rõ những khó khăn toàn ngành phải đối mặt, trong đó trọng tâm là xử lý nợ xấu. Theo nhìn nhận của đại diện các TCTD, xử lý nợ xấu đã có những bước tiến rõ rệt, kéo cả đoàn tàu từ tình trạng dậm chân tại chỗ sang chuyển động, loại bỏ nguy cơ đổ vỡ. Trong lễ kỷ niệm 5 năm thành lập cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng, lãnh đạo đơn vị này tiếp tục khẳng định, nợ xấu cơ bản được khống chế nhưng chưa có nhiều dấu hiệu giảm nhiệt. Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng cường thanh tra, giám sát các TCTD để từ đó nắm bắt thông tin chính xác hơn.
Bên hành lang Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Kinh tế, TS Trần Du Lịch từng ví nợ xấu như cục máu đông, làm nghẽn mạch cả nền kinh tế. Nếu được chữa trị sớm thì cơ hội xử lý cao, còn càng để muộn thì càng khó cứu chữa. TS Trần Du Lịch nhấn mạnh, hiện các ngân hàng vẫn ở trong tình trạng tự chẩn đoán, tiên lượng bệnh chưa chuẩn và vẫn luôn hy vọng tự mình có thể giải quyết được với kỳ vọng khi thị trường nhanh chóng hồi phục… mọi chuyện sẽ qua đi. Do đó các ngân hàng vẫn chưa quyết liệt trong xử lý nợ xấu. Ðiều này thể hiện ở chỗ vẫn còn rất ít ngân hàng chấp nhận bán khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm với giá thấp. Một lý do nữa khiến họ e ngại bán nợ xấu là cơ chế trách nhiệm về mặt pháp lý. Có thể nói cơ chế pháp lý, đặc biệt là tình trạng hình sự hóa, quy trách nhiệm nặng cho cán bộ ngân hàng trong thất thoát đang ám ảnh các lãnh đạo và người có trách nhiệm ở các ngân hàng. Nếu không giải quyết cơ chế này thì xử lý nợ xấu sẽ vẫn còn bế tắc. Và vượt lên tất cả, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần phải mạnh tay với những TCTD che dấu hoặc thậm chí chậm chạp trong xử lý nợ xấu.
Quyết tâm của cơ quan quản lý được đẩy lên đỉnh điểm khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án xử lý nợ xấu của các TCTD. Theo đó, nếu các TCTD cố tình che giấu nợ xấu, không chịu bán nợ xấu sẽ bị Ngân hàng Nhà nước thanh tra toàn diện. Trong đó, các TCTD cố tình che giấu nợ xấu, không thực hiện nghiêm túc các giải pháp xử lý nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước được thực hiện một số giải pháp như: Tiến hành thanh tra toàn diện, yêu cầu kiểm toán bắt buộc theo các nội dung do Ngân hàng Nhà nước yêu cầu. Hạn chế việc mở rộng phạm vi, quy mô, địa bàn hoạt động; hạn chế, đình chỉ một hoặc một số hoạt động ngân hàng; hạn chế chia cổ tức, chuyển nhượng cổ phần, chuyển nhượng tài sản. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước được áp dụng một hoặc một số tỷ lệ an toàn cao hơn quy định; yêu cầu tăng vốn điều lệ để đáp ứng các yêu cầu đảm bảo an toàn; quyết định giới hạn tăng trưởng tín dụng đối với TCTD nhằm đảm bảo an toàn cho hệ thống.
Mục tiêu mua 70.000 tỉ
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng nhận thấy, để đề án xử lý nợ xấu của Chính phủ đạt kết quả, các TCTD sẽ phải chủ động thực hiện khá nhiều biện pháp tổng hợp. Có thể kể ra như đánh giá lại chất lượng và khả năng thu hồi của các khoản nợ để có giải pháp thích hợp; tăng cường trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu; tiếp tục cơ cấu lại nợ, xem xét miễn, giảm lãi suất một cách hợp lý cho khách hàng có triển vọng tốt sau cơ cấu lại nợ; hoán đổi nợ thành vốn…
"Thành công của đề án không chỉ là mong muốn của toàn ngành mà còn của từng TCTD. Nếu coi đề án là cây gậy, thì cũng phải có củ cà rốt làm động lực. Biện pháp tháo gỡ nằm ở các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc tạo hành lang pháp lý cho các bên tham gia tìm thấy lợi ích trong đó. Cá nhân tôi cho rằng, Ngân hàng Nhà nước ngoài việc sớm chỉ đạo các TCTD triển khai xây dựng phương án về xử lý nợ xấu và trình lên cơ quan này kế hoạch bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cho năm 2014, còn phải áp dụng biện pháp gắn với lợi ích kinh tế nếu không tích cực xử lý nợ xấu", TS Hiếu đặt vấn đề. Chuyên gia này cũng khẳng định, đến thời điểm hiện tại, tăng trưởng không nên là mục tiêu cao nhất của năm điều hành 2014, mà vấn đề tăng cường xử lý nợ xấu cần được đặt lên vị trí số 1.
Theo Chánh thanh tra Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng Nguyễn Hữu Nghĩa, trong 7 tháng đầu năm, các TCTD bán được khoảng 8.000 tỉ đồng nợ xấu cho VAMC và ở hướng ngược lại, VAMC đã mua được hơn 10.000 tỉ đồng nợ xấu từ 20 TCTD. So với năm 2013, tốc độ mua nợ xấu của những tháng đầu năm nay có xu hướng chậm lại. Sau khi Thông tư 02 có hiệu lực từ ngày 1-6 và việc áp dụng thêm Thông tư 09 khiến nợ xấu tăng lên nhưng vẫn trong tầm kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước và khả năng xử lý nợ xấu của các TCTD. "Thời điểm đầu năm 2014, lý do khiến tốc độ "chậm" là nhiều khoản nợ xấu được các TCTD đề nghị bán cho VAMC có giá trị rất nhỏ, nên doanh số mua nợ không cao. Thêm nữa, một số TCTD chưa tích cực trong việc bán nợ xấu. Hiện tốc độ bán nợ xấu cho VAMC có xu hướng tăng nhanh", ông Nghĩa trả lời báo chí bên lễ kỷ niệm.
Ðược biết, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các TCTD triển khai xây dựng phương án về xử lý nợ xấu và trình kế hoạch bán nợ xấu cho VAMC cho năm 2014. Ðến thời điểm này, các TCTD đã đăng ký kế hoạch bán nợ xấu cho VAMC lên tới 70.000 tỉ đồng. Vì thế, đại diện Ngân hàng Nhà nước tin rằng, mục tiêu mua 70.000-100.000 tỉ đồng nợ xấu hoàn toàn có thể đạt được.
Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Hữu Nghĩa cũng chỉ ra những vướng mắc về mặt chủ quan của các TCTD. Ðó là VAMC không phải bế tắc mà là gặp nhiều khó khăn trong quá trình xử lý nợ xấu. Có nhiều nguyên nhân như sự bất hợp lý về quy định và cơ chế xử lý tài sản bảo đảm; bán nợ cho nhà đầu tư nước ngoài cũng như vướng mắc trong quy định luật đất đai, nhà ở; cơ chế ủy quyền cho tổ chức bán nợ thực hiện khởi kiện đối với khách hàng vay. Nợ xấu cũng phụ thuộc nhiều vào điều kiện thị trường, đặc biệt là thị trường bất động sản. Thị trường này dù có khởi sắc nhưng tốc độ phục hồi vẫn còn chậm. Trong khi đó, điều kiện tài chính, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp khó khăn. Hiện tại, các vướng mắc về cơ chế chính sách được Ngân hàng Nhà nước báo cáo lên và Thủ tướng đã chỉ đạo bộ, ngành, các cơ quan chức năng liên quan có biện pháp tháo gỡ, tạo điều kiện cho VAMC xử lý khoản nợ xấu mà mình đã mua.