Yêu cầu này đặt Chính phủ và Bộ Tài chính trước một thách thức rất lớn bởi nếu làm đúng theo nghị quyết thì từ năm 2015 trở đi sẽ dừng việc phát hành TPCP kỳ hạn một năm, hai năm và ba năm.
Dừng phát hành TPCP ngắn hạn được không?
Vì sao Quốc hội lại đưa vào Nghị quyết về dự toán NSNN năm 2015 chuyện kỳ hạn trái phiếu, đặt ra quy định Chính phủ không được phép huy động các kỳ hạn trái phiếu dưới năm năm nữa?
Bởi quy mô nợ công tuy vẫn nằm trong giới hạn đề ra song thực tế đã chạm hoặc vượt trần 65% nếu tính các khoản nợ khác của NSNN như nợ Quỹ hoàn thuế, nợ Quỹ bảo hiểm xã hội, nợ cấp bù chênh lệch lãi suất cho hai ngân hàng chính sách, nợ khối lượng xây dựng cơ bản...
Đó là còn chưa lường hết những rủi ro khi một số khoản nợ của khu vực doanh nghiệp nhà nước, các ngân hàng thương mại, tuy nói là tự vay, tự trả nhưng có thể chuyển thành nợ công trong trường hợp các đối tượng này không có khả năng trả nợ. Nó có thể dẫn đến việc Chính phủ phải đứng ra trả thay để tránh đổ vỡ hệ thống. Thực tế Chính phủ đã phải làm việc này trong vài năm gần đây.
Nghĩa vụ trả nợ hàng năm ngày một tăng nhanh, khả năng cân đối nguồn để trả khó khăn. Nợ công thực tế không chỉ vượt trần quy định mà cơ cấu vay nợ trong nước hiện đang chứa nhiều rủi ro. Tỷ lệ vốn vay trong nước thông qua phát hành TPCP kỳ hạn từ 1-3 năm luôn cao hơn các kỳ hạn dài.
Theo thống kê năm 2013, kỳ hạn 1-3 năm đã lên đến 80,3%, hầu hết với lãi suất cao. Con số này của năm 2014 có giảm đi. Theo tin từ Bộ Tài chính, trong tổng khối lượng TPCP phát hành năm 2014 là 232.000 tỉ đồng, ước tính có khoảng 52% có kỳ hạn ngắn và 48% khối lượng còn lại có kỳ hạn từ 5-10 năm.
Vấn đề là khi Chính phủ đang vay nợ với một cơ cấu mất cân đối như vậy thì việc đột ngột dừng ngay việc phát hành trái phiếu ngắn hạn sẽ tác động đến ngân sách, đến thị trường vốn và các quyết định đầu tư của các ngân hành thương mại, bởi có đến 86% các nhà đầu tư vào TPCP là ngân hàng thương mại. Tăng trưởng tín dụng hàng năm, lợi nhuận của các ngân hàng cũng trông chờ một phần vào việc mua trái phiếu ngắn hạn. Nay kênh này coi như nhận quyết định chuẩn bị đóng cửa.
Có sửa nghị quyết?
Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết sẽ gửi kiến nghị sang Quốc hội đề nghị xem xét lại việc dừng phát hành TPCP kỳ hạn từ 1-3 năm vì việc này là không khả thi.
Tin riêng của TBKTSG cho biết, Bộ Tài chính "đứng ngồi không yên" khi Quốc hội thông qua nội dung này. Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết sẽ gửi kiến nghị sang Quốc hội đề nghị xem xét lại việc dừng phát hành TPCP kỳ hạn từ 1-3 năm vì việc này là không khả thi, nhất là trong điều kiện cân đối ngân sách hiện nay rất khó khăn. Nguồn TPCP không chỉ để chi cho đầu tư các dự án mà còn để bù đắp bội chi và đảo nợ.
Ví dụ, trong số 150.000 tỉ đồng nợ công phải trả (khoảng 7 tỉ đô la Mỹ ) trong năm 2015, có cả phần trả nợ trong nước và nợ nước ngoài. Nợ trong nước là nợ TPCP đến hạn và nợ các quỹ tài chính mà Bộ Tài chính đã vay nay đến hạn phải trả. Trong điều kiện thu ngân sách năm 2015 dự kiến chỉ tương đương năm 2014, có thể còn bị hụt thu ít nhất từ 10.000-14.000 tỉ đồng do giá dầu thô trên thế giới suy giảm, thì việc giảm một nửa hoặc hơn một nửa lượng TPCP ngắn hạn dự kiến phát hành (hơn 116.000 tỉ) sẽ lấy gì để bù lại?
Bộ Tài chính thanh minh rằng, trên thực tế bộ này đang có những điều chỉnh về kỳ hạn phát hành TPCP hợp lý hơn. Ví dụ, tỷ lệ trái phiếu ngắn hạn giảm dần. Hơn nữa, kỳ hạn bình quân của TPCP năm 2014 là 4,87 năm, nghĩa là cũng tiệm cận dần đến các kỳ hạn dài, cỡ năm năm trở lên như Quốc hội mong muốn.
Mặt khác, cũng theo phân tích của một lãnh đạo bộ này với TBKTSG thì nếu Quốc hội ra nghị quyết, nêu rằng: "Từ năm 2015 trở đi, chủ yếu phát hành TPCP kỳ hạn năm năm trở lên" sẽ hợp lý hơn và Chính phủ sẽ có lộ trình chuẩn bị. Nhưng nghị quyết này không có từ "chủ yếu", nên đặt Chính phủ và Bộ Tài chính trước những áp lực rất khó hóa giải.
Vị này cũng phân tích rằng, khó có thể dừng phát hành TPCP kỳ hạn ngắn. Bởi kỳ hạn ngắn và dài đều mang tính định hướng cho thị trường vốn.
Song, vấn đề cốt lõi quyết định sự phát triển của thị trường trái phiếu kỳ hạn ngắn hay dài chính là phụ thuộc vào việc ai là người mua. Ở đây là các ngân hàng thương mại. Khẩu vị của các ngân hàng là kỳ hạn ngắn để quay vòng đồng vốn, kiểm soát được dòng tiền, chủ động tái cơ cấu danh mục đầu tư... Liệu chuyển hoàn toàn sang các kỳ hạn năm năm trở lên, các lô trái phiếu đấu thầu có bị ế? Mặt khác họ cũng khó đầu tư dài bởi thanh khoản trên thị trường thứ cấp hiện cũng không dễ dàng gì. Việc chỉ nắm giữ các danh mục trái phiếu có kỳ hạn 5-10 năm mà "đìu hiu" về thanh khoản thì khác gì bế tắc.
Liệu Bộ Tài chính và Chính phủ có đề nghị Quốc hội sửa nội dung trên được không? Câu trả lời là chưa có tiền lệ một nghị quyết nào của Quốc hội vừa được ban hành đã phải chỉnh sửa ngay bằng một nghị quyết khác. Trong khi đó, chỉ Quốc hội mới có thẩm quyền sửa hay không sửa nghị quyết này.
Trên thực tế, Quốc hội từng ban hành nghị quyết có nội dung không thực hiện được là nghị quyết yêu cầu phát hành trái phiếu công trình mở rộng quốc lộ 1A và quốc lộ 14 (Nghị quyết về kinh tế - xã hội năm 2013). Sau khi ban hành nghị quyết này, các doanh nghiệp không đủ điều kiện phát hành trái phiếu công trình để huy động 84.000 tỉ đồng tổng vốn đầu tư nên một năm sau, Quốc hội phải chuyển nội dung trên thành cho phép phát hành TPCP để thực hiện dự án.