Loay hoay "gỡ" rối sở hữu chéo

Nếu thực hiện đúng Thông tư 36, năm 2015, một số NHTM sẽ phải thoái vốn tại một hoặc các TCTD khác để giảm sở hữu về dưới 5%. Vấn đề sở hữu chéo rất phức tạp trong hệ thống lâu nay sẽ dần được gỡ bỏ, hạn chế những rủi ro, sai phạm cho vay…

Ngày 20/11, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 36/2014/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD). Đáng chú ý, thông tư này đã siết chặt hơn việc ngân hàng mua cổ phần, cổ phiếu của các TCTD khác nhằm hạn chế gia tăng sở hữu chéo, góp vốn "ảo".

Tỷ lệ 5% có "an toàn"?

Theo Điều 20 của Thông tư 36, các ngân hàng thương mại chỉ được phép mua, nắm giữ cổ phiếu tối đa quá 2 TCTD khác (trừ trường hợp là công ty con của ngân hàng). Tỷ lệ nắm giữ tại một TCTD khác dưới 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết của tổ chức đó.

Thực tế, hiện vẫn còn nhiều ngân hàng sở hữu cổ phần của trên 2 TCTD và tỷ lệ cũng vượt trên 5%. Đơn cử, Vietcombank sở hữu cổ phần của 5 TCTD gồm Ngân hàng Quân Đội (9,6%), Ngân hàng Phương Đông (5,1%), Eximbank (9,2%), Saigonbank (4,3%) và Công ty Tài chính Xi măng (CFC, sở hữu 10,9%).

Là cổ đông lớn, Vietcombank được phép cử đại diện tham gia HĐQT ngân hàng nhận vốn góp, tham gia vào những quyết sách quan trọng như phê duyệt cấp tín dụng, đầu tư trái phiếu, cổ phiếu… Nếu Thông tư 36 có hiệu lực (kể từ ngày 1/2/2015), Vietcombank sẽ phải thoái vốn tại ít nhất 3 TCTD và đảm bảo tỷ lệ sở hữu không vượt quá 5%.

Hay như trường hợp Eximbank đang sở hữu 9,6% cổ phần tại Sacombank, Vietinbank sở hữu 4,3% tại Saigon Bank, Maritime Bank sở hữu 10,3% cổ phần của Mekong Bank và 2 ngân hàng này đang lên kế hoạch sáp nhập. Đồng thời, Maritime Bank cũng là cổ đông lớn nắm giữ gần 10% cổ phần Ngân hàng MB.

Vậy tỷ lệ sở hữu dưới 5% cổ phần của một TCTD có ý nghĩa không? Câu trả lời là: có. Vì với tỷ lệ dưới 5%, ngân hàng sẽ không còn là cổ đông lớn của TCTD và không đủ điều kiện để tạo thuận lợi cho việc cử người đại diện vào HĐQT nơi góp vốn.

Quy định này sẽ hạn chế khả năng ngân hàng "thâu tóm" các TCTD, giảm bớt ảnh hưởng chi phối của cổ đông lớn tới hoạt động của tổ chức đó. Tuy vậy, không có gì đảm bảo việc ngân hàng có "liên thủ" với một nhóm cổ đông khác, đảm bảo tỷ lệ sở hữu đủ lớn để có chân trong HĐQT.

Hơn thế, dường như có một điểm đã bị "phớt lờ" trong Thông tư 36, đó là không có điều khoản ràng buộc cổ đông thể nhân sở hữu cổ phần ngân hàng, công ty tài chính. Bởi thực tế, đã có không ít cổ đông vẫn có thể thâu tóm ngân hàng thông qua cổ phần sở hữu của cá nhân, doanh nghiệp "thân hữu".

Bên cạnh đó, Thông tư 36 vẫn cho phép ngân hàng được mua cổ phiếu vượt giới hạn trên 5% vốn nếu thuộc diện được NHNN chỉ định tham gia mua cổ phiếu nhằm tái cơ cấu, hỗ trợ tài chính cho TCTD gặp khó khăn, có nguy cơ mất thanh khoản, ảnh hưởng đến an toàn của hệ thống TCTD.

Gần đây, làn sóng sáp nhập các ngân hàng - công ty tài chính đã bắt đầu sôi động hơn. Trong đó, một số ngân hàng đã được chấp thuận mua lại công ty tài chính do mình sở hữu cổ phần lớn, hoặc hoạt động yếu kém như: SHB mua Công ty Tài chính Vinaconex - Viettel, Maritime Bank mua Công ty Tài chính Dệt may, Techcombank mua Công ty tài chính Hóa Chất… Thậm chí, HDbank đã mua 100% cổ phần Công ty tài chính Việt.

Hiện, vẫn còn một loạt ngân hàng khác như MB, Vietcombank, An Bình… cũng đang sở hữu cổ phần tại công ty tài chính. Nếu các cuộc "dồn toa" được thực hiện thành công, thì sẽ giảm bớt số lượng TCTD, nhất là tổ chức yếu kém, mất thanh khoản.

Siết cho vay "sân sau"

Thông tư 36 đã có nhiều quy định siết chặt việc cấp tín dụng. Trong đó, cấm TCTD cho vay với những đối tượng quy định tại Điều 126 Luật các TCTD, cấp cho vay để đầu tư, kinh doanh trái phiếu DN chưa niêm yết.

Các điều kiện hạn chế cấp tín dụng cũng được quy định cụ thể. Đặc biệt, cấm TCTD không được cấp tín dụng không có bảo đảm, cấp tín dụng ưu đãi cho cổ đông lớn, cổ đông sáng lập; các công ty con, công ty liên kết mà TCTD nắm quyền kiểm soát, DN có sở hữu trên 10% vốn điều lệ…

Về tỷ lệ cấp tín dụng, Thông tư 36 quy định, tổng mức dư nợ cấp tín dụng với các đối tượng này không vượt quá 5% vốn tự có của TCTD. Tỷ lệ cấp tín dụng với công ty con, công ty liên kết không vượt quá 10% vốn tự có và tổng dư nợ với cả 2 đối tượng này không vượt quá 20% vốn tự có.

Các quy định này được cho là sẽ hạn chế tình trạng ngân hàng "bơm" vốn cho DN vay, sau đó DN này lại đem tiền mua trái phiếu, cổ phiếu để thâu tóm ngân hàng như "công thức" mà Bầu Kiên đã làm.

Như vậy, sau thời gian tỏ ra thiếu nhiệt tình với việc ngăn chặn sở hữu chéo và nợ xấu phát sinh, thì Thông tư 36 sẽ hạn chế tối đa các khả năng vận hành dòng vốn để hạn chế gia tăng sở hữu chéo.

Song, chính sách mới chỉ "gỡ" sở hữu chéo, còn xử lý những hệ lụy của sở hữu chéo, mà nợ xấu, cho vay sai phạm, vượt quy định… lại chưa có giải pháp cụ thể.