[Live Gateway] Gỡ nút thắt nợ xấu: Ai sẽ là người chịu lỗ?

[Live Gateway] Gỡ nút thắt nợ xấu: Ai sẽ là người chịu lỗ?

(NDH) Theo TS Trần Du Lịch, tính đến tháng 8 tổng nợ xấu đã xử lý khoảng 210.000 tỷ đồng, còn lại khoảng 161.000 tỷ (bao gồm cả các nợ xấu mới phát sinh). Vấn đề đặt ra hiện nay là càng để lâu thì nợ xấu càng khó giải quyết.

Nằm trong sự kiện “Gateway to Vietnam” do CTCP Chứng khoán Sài Gòn SSI tổ chức đang diễn ra sáng nay tại khách sạn Sheraton, TP.HCM, các diễn giả đã có trao đổi rất thẳng thắn về chủ đề nợ xấu tại Việt Nam.

Bà Hoàng Việt Phương, giám đốc phân tích SSI làm chủ tọa cuộc thảo luận đã đặt câu hỏi cho các diễn giả về thực trạng nợ xấu của Việt Nam hiện nay ra sao và chúng ta phải mất thời gian bao lâu để xử lý nợ xấu này, quá trình này sẽ phát sinh các cơ hội nào cho nhà đầu tư.


Trả lời câu hỏi này, ông Trần Du Lịch, cho biết, vấn đề nợ xấu hiện nay đã trở thành một vấn đề vĩ mô được Chính phủ đẩy mạnh xử lý. Theo số liệu của NHNN, nợ xấu của Việt Nam hiện nay chiếm 4,17% tổng dư nợ, các ngân hàng cũng có nhiều biện pháp xử lý, trong đó cơ cấu lại nợ, đòi nợ, trích lập dự phòng, bán tài sản, và số liệu ông Lịch có được đến tháng 8 tổng nợ xấu đã xử lý 210.000 tỷ đồng, còn lại khoảng 161.000 tỷ (bao gồm cả các nợ xấu mới phát sinh). Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là càng để lâu thì nợ xấu càng khó giải quyết.

Ông Lịch cũng chỉ ra rằng, nếu không xử lý nợ xấu sẽ là điểm nghẽn hấp thụ vốn của nền kinh tế, và nếu nợ xấu còn tồn tại thì sẽ dẫn đến nguy cơ bất ổn với các NHTM.

Theo ông Lịch, trên thị trường hiện có 3 loại doanh nghiệp, một là các doanh nghiệp hoạt động tốt và đã vượt qua khủng hoảng, các DN này được coi là các khách hàng “chảnh của các NHTM”, loại doạnh nghiệp thứ 2 là các doanh nghiệp có nợ xấu và lan tỏa nợ xấu sang các DN khác, và loại doanh nghiệp thứ ba là các doanh nghiệp “chờ chết”, “chết lâm sàng”. Chính phủ đang tập trung gỡ tín dụng cho nhóm thứ 2 và nếu gỡ được nhóm này sẽ tạo giải pháp đồng bộ.

Theo mục tiêu NHNN đến hết 2015 sẽ nợ xấu toàn hệ thống xuống dưới 3%. Con số này có thực hiện được đúng lộ trình hay không, theo ông Trần Du Lịch, nếu tập hợp đồng bộ các giải pháp thì thực hiện được.

Một là Kích hoạt tổng cầu bằng hạ lãi suất trung hạn để doanh nghiệp vay vốn đầu tư, kích thích tổng cầu nền kinh tế lên. Hai là NHTM tiếp tục trích lập dự phòng, đòi nợ, phát mại tài sản, ba là Chính phủ giải quyết các vấn đề liên quan đến thủ tục xử lý tài sản đảm bảo, nghẽn ở mặt thủ tục, có căn nhà 4 năm không bán được thu hồi. Thứ tư là liên quan đến phát triển thị trường mua bán nợ, trong đó có có tăng vốn, tăng quyền lợi cho VAMC.


Ông Darryl James Dong, đại diện IFC cho rằng VAMC khởi đầu tốt nhưng chưa đủ, cần bước cụ thể chi tiết, bao gồm sửa đổi luật pháp không chỉ tìm kiếm hỗ trợ từ đối tác nước ngoài mà quan trọng là phải minh bạch rõ ràng về quy trình xử lý nợ xấu. Nhà đầu tư nước ngoài rất muốn mua nợ xấu nhưng họ chưa có hành lang pháp lý. Đây là thời điểm vàng cho Việt Nam để mời gọi nhà đầu tư nước ngoài vào xử lý nợ xấu, quan trọng là cần có biện pháp minh bạch, rõ ràng.

Đại diện IFC cũng đặt ra vấn đề rằng, Việt Nam không giống như những các nước khác. Tại các nước, các DN bán nợ xấu theo giá thị trường và Chính phủ chịu lỗ, hoặc ngân hàng chịu lỗ là xong nhưng Việt Nam hiện chưa thống nhất giải pháp và đại diện IFC ủng hộ việc bán nợ xấu theo giá thị trường. Theo đại diện IFC, câu hỏi đặt ra ở đây là Chính phủ cần phải xác định ai là bên gánh chịu lỗ nếu DN muốn bán nợ xấu.


Ông Nguyễn Khắc Hải, Phó TGĐ SSIAMcho rằng, cần phải phối hợp giữa các Bộ ngành và Chính phủ để tạo hành lang pháp lý cho công ty quản lý quỹ được tham gia mua bán nợ xấu, hiện tại công ty quản lý quỹ chỉ được phép mua bán chứng khoán.

Ông Cấn Văn Lực, cố vấn cấp cao của NHTMCP BIDV cho rằng có 4 ý quan trọng gỡ nợ xấu, một là liên quan đến việc trao đặc quyền hơn nữa cho VAMC, thế giới trao cho VAMC 2 đặc quyền một là bán tài sản bảo đảm và hai là được phép bổ nhiệm hoặc liên kết với cơ quan công an để cưỡng chế, hai là định giá thị trường thì Chính phủ đã bật đền xanh cho phép tiến tới định giá nợ xấu theo giá thị trường. Thứ ba liên quan đến việc ai là người chấp nhận lỗ, ông Lực cho rằng NHTM đã chấp nhận phần lỗ rồi, 30% phần bán nợ xấu trừ đi giá trị sổ sách (VAMC đã mua 70%), làm sao phải bán tiếp với giá nào nếu có chênh lệch thì sự chia sẻ như thế nào.

Tuy nhiên ông Lực không đồng tình với ý kiến của các diễn giả là cần phải có 100% tiền để xử lý nợ xấu. Ông Lực cho rằng có 3 nguồn tiền xử lý nợ xấu: vốn điều lệ theo quy định Chính phủ cân nhắc tăng thêm 2000 tỷ, nguồn lấy mỡ nó nuôi nó mới quan trọng 96% tiền quay vòng bằng mua nợ xấu đổi sang trái phiếu như chúng ta đang làm, nguồn thứ 3 bán nợ xấu đi để có tiền mua nợ xấu mới, đó mới là cách làm chứ không phải tiền ngân sách. Như mô hình Indonesia, Chính phủ chịu lỗ 100% nhưng thất bại do ngân hàng không có động lực xử lý nợ xấu. Ông Lực cho rằng, sẽ phải có thời gian để xử lý nợ xấu.