Một trong những vấn đề thu hút được nhiều sự quan tâm của đại biểu Quốc hội khi thảo luận về Bộ Luật Dân sự (sửa đổi) là bàn về lãi suất cơ bản. Hiện có hai luồng ý kiến: Thứ nhất, lấy lãi suất cơ bản do NHNN công bố nhân với 150% hoặc nâng 200%, để ra lãi suất cho vay của các TCTD; Thứ hai, bên vay và cho vay thỏa thuận lãi suất không vượt quá 20%/năm trên mỗi khoản vay.
Lãi suất thị trường sẽ không còn linh hoạt khi đóng cứng một mức trần trong Bộ Luật Dân sự |
Theo đó, trường hợp lấy lãi suất cơ bản 9% nhân với 150% thì lãi suất cho vay của toàn hệ thống các TCTD tối đa 13,5%/năm, nếu nhân với 200% lãi suất cho vay tối đa là 18%/năm. Nếu so với lạm phát năm 2015 được dự báo khoảng 2% thì lãi suất tiền gửi đang ở mức cao. Hoặc nếu cộng toàn bộ chi phí đầu vào của lãi suất huy động trong các NHTM hiện nay bình quân khoảng 8,03%/năm thì lãi suất cho vay tham chiếu theo lãi suất cơ bản có thể phù hợp.
Thế nhưng nếu lấy lãi suất bình quân này mà cho vay qua phát hành thẻ, cho vay không có tài sản đảm bảo hiện nay thì lại rất cao so với cách tính trần 150% trên lãi suất cơ bản đang được công bố.
Thực tế lãi suất huy động của NHTM chính là giá vốn đầu vào, tương tự như nguyên phụ liệu đầu vào trong sản xuất kinh doanh hàng hóa của DN. Theo đó, các NHTM sẽ bình quân tổng nguồn vốn huy động được từ các nguồn khác nhau để ra một lượng vốn rẻ nhất định.
Đồng thời mỗi phương án sản xuất kinh doanh khi tiếp cận vốn ngân hàng sẽ được đánh giá theo mức độ rủi ro để có các mức lãi suất cho vay khác nhau. Lãi suất cho vay từ đó cũng không thể như một đường kẻ thẳng hay nói cách khác không thể có một mức lãi suất cho mọi nhu cầu đầu tư trên thị trường.
Lãi suất bản chất là giá vốn cũng còn tùy thuộc vào thương hiệu từng NHTM, hiện nay những ngân hàng có uy tín, lãi suất tiết kiệm luôn thấp hơn các NHTM chưa tạo lập được thương hiệu.
Theo đó, lãi suất cho vay ở các NHTM có uy tín thường thấp hơn trong suốt thời gian vay do lãi suất đầu vào của họ thấp và ít chi phí khuyến mãi trong quá trình huy động vốn. Chưa kể, mỗi TCTD lại một hình thức tạo lập giá vốn khác nhau, NHTM được huy động vốn trực tiếp từ dân cư, công ty tài chính (CTTC) chỉ được phát hành các loại giấy tờ có giá cho các tổ chức kinh tế để có vốn cho vay cá nhân…
Hơn nữa, lãi suất huy động của mỗi TCTD có giá vốn khác nhau, nên không thể có một mức lãi suất cho vay chung như một chốt chặn cho vay nặng lãi. Nhất là hiện nay thị trường vốn chưa phát triển, nền kinh tế gần như dựa hoàn toàn vào vốn tín dụng ngân hàng để sản xuất kinh doanh, tiêu dùng. Theo thống kê của Công ty Tài chính Home Credit, năm 2015 trung bình mỗi ngày công ty này nhận được khoảng 5.400 yêu cầu vay vốn tăng hơn 9% so với bình quân năm 2014.
Trong một tọa đàm về lãi suất cho vay tiêu dùng của Thời báo Ngân hàng mới đây, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng tín dụng tiêu dùng của CTTC hiện đang như một “cứu cánh” cho người dân khỏi nạn “tín dụng đen”.
Lãi suất còn có tác dụng thúc đẩy những mặt hàng chủ lực xuất khẩu của nền kinh tế |
Trong khi đó, theo ông Friedrich Weiss, Tổng giám đốc Home Credit Việt Nam, cơ quan chức năng cần tạo điều kiện cho các CTTC hoạt động hiệu quả để cung cấp các khoản vay có lợi cho người tiêu dùng. Mặt khác, khi mở rộng thị trường và có nhiều đối thủ cạnh tranh sẽ đem lại được lợi ích tốt hơn cho người tiêu dùng.
Kinh nghiệm ở Anh quốc cũng cho thấy, có thời gian Chính phủ nước này đưa ra mức lãi suất “trần” để khống chế lãi suất trong cho vay tiêu dùng. Nhưng chính quy định này khiến CTTC chỉ tìm những khách hàng tốt để cho vay với mức lãi suất trần, trong khi đối tượng rủi ro cao hơn thì không thể vay được từ cả NH lẫn CTTC.
Như vậy, nhu cầu vay của một bộ phận lớn người dân không được đáp ứng dẫn đến tín dụng đen gia tăng để đáp ứng nhu cầu này. Nước Anh sau đó đã thay đổi, mở cửa thị trường cho vay tiêu dùng để thu hút các CTTC trở lại, đồng thời bỏ việc áp trần lãi suất.
Lãi suất chính là một trong những công cụ hữu hiệu của nhà điều hành trong điều chỉnh chính sách tiền tệ và việc bơm hút tiền từ lưu thông chống lạm phát, thiểu phát nền kinh tế và các kế hoạch cung tiền hàng năm.
Luật hóa trần lãi suất để chống hành vi cho vay nặng lãi là một quan điểm rất tích cực của các đại biểu Quốc hội. Thế nhưng nếu mọi quan hệ vay trả đều bị ràng buộc vào một trần lãi suất trong Bộ Luật Dân sự (nếu được thông qua trong kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII) thì vô hình trung sẽ làm cho thị trường tài chính trở nên đóng băng.
Giả sử lấy cái trần 150% điều chỉnh trong ngân hàng thì mọi hoạt động điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất tái cấp vốn phải chạy theo trần lãi suất chống cho vay nặng lãi? Nếu lạm phát tăng vọt? Nếu lãi suất đồng USD trên thị trường quốc tế có biến động, lãi suất VND vẫn phải chịu ràng buộc bởi trần lãi suất cơ bản trong Bộ Luật Dân sự?...
Đối với lãi suất cho vay của các NHTM, CTTC, các định chế tài chính phi ngân hàng phải theo tín hiệu thị trường trên cơ sở các chỉ số vĩ mô, không nên ràng buộc vào Bộ Luật Dân sự. Điều này không chỉ nhằm đảm bảo lợi ích của các TCTD mà còn là lợi ích của toàn bộ nền kinh tế trong xu hướng tự do hóa lãi suất ở các nền tài chính tiên tiến trên thế giới.
Các ý kiến có thể xây dựng trần lãi suất chống cho vay nặng lãi theo tham chiếu lãi suất cơ bản NHNN công bố, nhưng quy định này không điều chỉnh vào hệ thống các TCTD.
Theo TS. Lê Hồng Giang, trần lãi suất chống cho vay nặng lãi trong Bộ Luật Dân sự có thể dựa vào lãi suất cho vay bình quân trên thị trường liên ngân hàng hay lãi suất tiền gửi trung bình của một số NHTM lớn sẽ phản ánh kịp thời và chính xác hơn mặt bằng lãi suất trên thị trường mà không lệ thuộc vào lãi suất NHNN công bố có thể có thay đổi theo từng thời kỳ.