Lãi suất ngân hàng đồng loạt giảm mạnh

Mức lãi suất thấp nhất trên thị trường được áp dụng từ ngày 25/8 hiện chỉ còn 4,5%/năm thuộc về một ngân hàng quốc doanh lớn tại Hà Nội.

Biểu lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam tại các ngân hàng đang đồng loạt giảm “sốc”. Đi tiên phong trong đợt giảm lãi suất lần này vẫn là Vietcombank, khi sáng 25/8 ngân hàng ngân hàng này phát đi thông báo chính thức điều chỉnh giảm 0,2% lãi suất ở tất cả các kỳ hạn đối với tiền gửi VNĐ.

Lãi suất ngân hàng đồng loạt giảm mạnh - 1

Nhà băng lại bắt đầu "sóng" giảm lãi suất mới

Theo đó, mức lãi suất kỳ hạn 1 tháng gửi bằng VNĐ tại ngân hàng này giảm về còn 4,8%/năm. Kỳ hạn gửi 2 tháng tại Vietcombank cũng giảm về còn 5%/năm; kỳ hạn gửi 3 đến 9 tháng là 5,7%/năm. 

Ở kỳ hạn tiền gửi 12 tháng, nhà băng này áp dụng mức lãi suất chỉ còn 6,5%/năm. Mức tiền gửi cao nhất mà Vietcombank áp dụng cho các kỳ hạn gửi dài từ 24 đến 36 tháng cũng chỉ 6,8%/năm. Như vậy, mức lãi 7%/năm đã không còn xuất hiện trên biểu lãi suất của Vietcombank từ ngày 25/8.

Tuy nhiên, đây chưa phải là mức lãi suất thấp nhất thị trường dành cho kỳ hạn gửi 1 tháng trong hệ thống ngân hàng. Theo ghi nhận thị trường, thì mức lãi tiền gửi VNĐ thấp nhất hiện nay thuộc về Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), khi kỳ hạn gửi 1 tháng của ngân hàng này giảm về còn 4,5%/năm. So với hồi đầu năm thì hiện mức lãi tiền gửi kỳ hạn 1 tháng của BIDV đã “bốc hơi” 1,3%/năm.

Ở mức kỳ hạn gửi 2 tháng, BIDV cũng giảm lãi suất về còn 5%/năm; kỳ hạn từ 3 đến 9 tháng được BIDV áp dụng mức lãi 5,75 -6,5%/năm. Kỳ hạn gửi 12 tháng tại BIDV hiện “nhỉnh” hơn Vietcombank 0,3%/năm, ở mức 6,8%/năm.

Mức lãi cao nhất mà “ông lớn” BIDV đang áp dụng trên toàn hệ thống chỉ còn 7%/năm được “căng” ở các kỳ hạn gửi tiền dài từ 12 tháng đến 36 tháng, giảm 1% so với thời điểm đầu năm 2014.

Trong khi các nhà băng lớn đã rục rịch giảm lãi suất thì ở những ngân hàng nhỏ, biểu lãi suất vẫn được giữ nguyên như cách đây 1 tháng. Đơn cử, tại Ngân hàng Tiên Phong (TPB), bảng niêm yết lãi suất đối với tiền gửi VNĐ vẫn được ngân hàng này giữ nguyên từ ngày 8/7, mức lãi thấp nhất là 5,95%/năm đối với kỳ hạn gửi 1 tháng. Nhà băng này áp dụng mức lãi cao nhất trên toàn hệ thống ở mức 7,95%/năm ở kỳ hạn 12 tháng đối với các khoản tiền gửi từ 180 tỷ đồng trở lên và không rút lãi trước hạn. Ở các kỳ hạn dài khác, từ 18 đến 36 tháng mức lãi chỉ 7,5%/năm.

Hiện mức lãi cao nhất ghi nhận trên thị trường thuộc về Ngân hàng Xăng dầu Petrolimex (PGBank), 6%/năm đối với kỳ hạn gửi 1 tháng và 8,5%/năm đối với kỳ hạn tiền gửi 36 tháng.

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước tuần giao dịch từ 11-15/8 cho thấy, lãi suất huy động bằng VNĐ phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi  không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 5-6%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng và có kỳ hạn dưới 6 tháng; 6-7,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng, kỳ hạn trên 12 tháng 7,5-8,1%/năm. 

Động thái giảm lãi suất của các nhà băng lớn kể từ ngày 25/8, khiến mức lãi suất tiền gửi giảm xuống thấp nhất từ trước tới nay, chỉ 4,5%/năm kỳ hạn gửi 1 tháng, được cho là không mấy bất ngờ đối với thị trường ngân hàng, nhưng lại khiến người gửi tiền thấy buồn bã, khi chỉ trong vòng một thời gian ngắn tiền gửi trong ngân hàng liên tục “mất giá”.

Trong một diễn biến khác, ngày hôm qua (24/8) Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) với mức tăng rất thấp, chỉ 0,22% trong tháng 8/2014. Theo đó, CPI cả nước tháng 8 tăng 0,22% và so với cùng kỳ năm 2013, chỉ số CPI tăng 4,31%.

Lạm phát tăng quá thấp, theo các chuyên gia của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, là cơ sở để các ngân hàng tính toán lại chi phí và giảm lãi suất. Theo số liệu từ cơ quan này, tính tới hết tháng 7/2014, lãi suất tiền gửi VNĐ bình quân là 5,53%/năm, giảm 0,6% so với đầu năm. Trong khi đó, lãi suất cho vay bình quân vẫn ở mức khoảng 10,08% năm, chỉ giảm 0,25%.