Lãi suất huy động kỳ hạn dài về quanh 7,5%/năm

Lãi suất huy động kỳ hạn dài về quanh 7,5%/năm

Các ngân hàng huy động vốn kỳ hạn dài phổ biến từ 7,2 - 7,8%/năm, chỉ còn rất hiếm ngân hàng huy động lãi suất trên 8%/năm.

Theo Ngân hàng Nhà nước, sau khi NHNN điều chỉnh giảm 0,5%/năm lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng từ mức 6%/năm xuống 5,5%/năm có hiệu lực thi hành kể từ ngày 29/10/2014, mặt bằng lãi suất huy động VND giảm khoảng 0,1-0,5%/năm so với thời điểm trước khi điều chỉnh.

Hiện nay, lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 5-5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng và có kỳ hạn dưới 6 tháng; 5,8-7,0%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng, kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,8-7,5%/năm.

Khảo sát thực tế của người viết, lãi suất huy động trên thị trường hiện nay đã xuống rất thấp, đặc biệt là ở các ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng cổ phần quy mô lớn. Hiện lãi suất kỳ hạn ngắn tại Vietinbank, Vietcombank, Agibank, BIDV chỉ còn từ 4% - 5%/năm, trong khi lãi suất cao nhất ở các nhà băng này khoảng 7%/năm.

Ở nhóm ngân hàng cổ phần, sự chênh lệch lãi suất thể hiện chủ yếu ở kỳ hạn dài. Chỉ còn số ít ngân hàng huy động lãi suất ngắn hạn kịch trần, đa số đều thấp hơn mức trần khoảng 0,2 – 0,5%.

Hiện lãi suất cao nhất trên thị trường phổ biến về dưới 8%, chẳng hạn lãi suất cao nhất ở PGBank là 7,6%/năm; Techcombank cao nhất 7,2%/năm; ở Sacombank là 7,7%/năm, NamABank 7,8%/năm, cá biệt vài trường hợp lãi suất vẫn trên 8% như BacABank 8,2%/năm.

Trong khi tiền vẫn chảy đều đặn vào hệ thống nhưng tín dụng lại tăng chậm dù lãi suất thấp, nên sự cạnh tranh giữa các ngân hàng để hút khách như bằng các chương trình khuyến mại hay thưởng lãi suất cho các khoản tiền lớn là khá mờ nhạt, không như các năm trước.

Theo các chuyên gia, dù lãi suất đã xuống thấp và ít khuyến mại hơn nhưng nhu cầu gửi tiền vào ngân hàng vẫn lớn do đây là kênh đầu tư vừa an toàn lại vừa hiệu quả, trong bối cảnh thị trường vàng ảm đạm và giá liên tục giảm, thị trường chứng khoán chứa đựng nhiều rủi ro trong khi bất động sản vẫn chưa thực sự phục hồi.

Báo cáo tài chính của các ngân hàng cho thấy, trong 9 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng tiền gửi của khách hàng đều ở mức hai chữ số và cao hơn rất nhiều so với tốc độ tăng trưởng tín dụng. Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy, đến ngày 24/10/2014, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 11,88% so với cuối năm 2013, trong đó huy động vốn VNĐ tăng 13,17%. Tăng trưởng tín dụng cùng thời kỳ chỉ đạt 7,85%.

Tùng Lâm