Sổ tiết kiệm đến hạn tất toán đúng đợt trần lãi suất giảm, chị Nguyễn Ngọc Lan (Mỹ Đình, Hà Nội) bối rối vì không biết chọn kỳ hạn nào để gửi tiếp. Chị Lan chia sẻ, trước kia thường gửi khoảng 3 tháng một để nhận mức lãi suất cao hơn hơn 6,3%/năm. Tuy nhiên, khi lãi giảm về chỉ 5,5% và áp dụng với gần như tất cả các kỳ hạn 6 tháng trở về, chị phân vân không biết có nên gửi tiếp hay không.
Không ít người có tiền nhàn rỗi như chị Lan cũng nảy sinh tâm lý băn khoăn khi lãi suất tiết kiệm giảm so với trước. Một số chọn phương án gửi kỳ hạn dài hẳn, hoặc đem tiền đầu tư vào kênh khác.
Về phía các ngân hàng, múc lãi suất áp dụng đối với khoản gửi kỳ hạn 6 tháng trở về 1 tháng đồng loạt giảm về 5,5%/năm. Riêng các khoản tiền gửi từ 6 tháng trở lên không áp dụng mức trần, vì thế vẫn có sự khác biệt lớn giữa chính sách của các ngân hàng. Ở kỳ hạn 6 tháng, lãi suất của phần lớn ngân hàng phổ biến từ 5,8% đến gần 7%. Một số ít đơn vị áp dụng mức 7%/năm như SouthernBank, ngân hàng Xây dựng Việt Nam, VietBank hay ngân hàng Quốc Dân. Điểm chung của những nhà băng áp dụng lãi suất hấp dẫn là phần lớn đều là các đơn vị có quy mô vừa trên thị trường tài chính.
Mức lãi suất ưu đãi nhất thường được áp dụng ở những nhà băng có quy mô nhỏ. Ảnh minh họa: Anh Tuấn. |
Ở chiều ngược lại, những ngân hàng lớn như Vietcombank, VietinBank hay Agribank không sử dụng mức 5,5%/năm mà dao động trên dưới 4 - 5%/năm. Cụ thể, ở kỳ hạn 3 tháng, lãi suất ở 3 ngân hàng này đưa ra lần lượt là 5% ,5% và 4,5%/năm. Với các khoản tiền gửi trên 6 và dưới 12 tháng, các ngân hàng thương mại lớn cũng đều giữ mức lãi suất thấp và ổn định hơn. Lý do là bởi các ngân hàng này không có nhu cầu quá lớn trong việc huy động vốn đầu tư ngắn hạn.
Với kỳ hạn dài hẳn từ 12 tháng trở lên, lãi suất áp dụng tại các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước dao động 6,2% (Vietcombank), 6,3% (Agribank), 5,2% (VietinBank)... Ở một số ngân hàng thương mại cổ phần, mức này cao hơn. Chẳng hạn, kỳ hạn 12 tháng ở ACB đang áp dụng cao nhất là 6,6%, Eximbank 6,5%... Các đơn vị có quy mô nhỏ hơn, lãi chênh lệch khoảng 1 - 1,5%, tùy đơn vị, chẳng hạn mức 8%/năm áp dụng tại các ngân hàng Bắc Á, NCB, 7 - 7,5% (OCB, TPBank, VPBank...).
Theo ý kiến của một chuyên gia trong ngành tài chính, mức lãi suất cho kỳ hạn 6 tháng trở về không có nhiều chênh lệch giữa các "ông lớn" nhưng lại vênh nhau đáng kể tại các nhà băng có quy mô nhỏ. Điều đó cho thấy các ngân hàng nhỏ vẫn luôn có nhu cầu cao về việc huy động vốn và sẫn sàng áp dụng mức lãi suất cao nhất có thể đối với khách hàng. Vị này cho rằng, người gửi tiền cần cân đối nhu cầu, không nên quá tham lãi suất mà phải "chạy đua vũ trang" để gửi ở những nơi có mức áp dụng cao. "Nếu là tôi, tôi sẽ chọn các ngân hàng gần, tiện lợi cho mỗi lần giao dịch", ông nói.
Việc hạ lãi suất là một tín hiệu đáng mừng đối với các doanh nghiệp đang có nhu cầu tiếp cận nguồn vốn. Với mức lạm phát được dự đoán khoảng 4,5%, việc điều chỉnh lãi suất hạ xuống là phù hợp với tình hình hiện tại. Mặc dù vậy, các ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng lớn bởi nhiều khả năng họ sẽ phải điều chỉnh lại các chi phí hoạt động để có thể ít nhất là tiếp tục duy trì mức lợi nhuận.
Đối với người dân, việc hạ trần lãi suất có thể sẽ ảnh hưởng tới tâm lý. Bên cạnh xu thế chuyển hướng đầu tư, không ít người sẽ có xu hướng nắm giữ nhiều ngoại tệ hơn. Khi tiếp xúc với anh Tùng, một người có nhu cầu gửi tiết kiệm ngắn hạn, chúng tôi ghi nhận rằng chính sách mới này khiến anh cũng như nhiều người có sự thay đổi trong kế hoạch cân đối giữa nội tệ và ngoại tệ của mình.