​Lãi suất giảm vẫn chưa yên tâm

Điều lo ngại của các doanh nghiệp là lãi suất cho vay trung và dài hạn vẫn đứng ở mức cao, trong khi lãi suất cho vay ngắn hạn lại biến động thất thường.

Cùng với việc hạ lãi suất huy động, các ngân hàng cũng điều chỉnh giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn băn khoăn về chuyện lãi suất cho vay biến động - Ảnh: Hoàng Thạch Vân


Ngày 29-10, lãi suất huy động VND kỳ hạn từ 1-6 tháng đồng loạt giảm 0,5-1%, trong đó một số ngân hàng lớn áp mức huy động ngắn hạn chỉ còn 4-5%/năm. Đồng thời giảm lãi suất cho vay thêm 1%/năm đối với các kỳ hạn ngắn.

Với động thái giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng, nhiều doanh nghiệp cho biết rất kỳ vọng sẽ vay được vốn rẻ để làm ăn trong những tháng cao điểm cuối năm.

Tuy nhiên, điều lo ngại của các doanh nghiệp là lãi suất cho vay trung và dài hạn vẫn đứng ở mức cao, trong khi lãi suất cho vay ngắn hạn lại biến động thất thường.

Hi vọng được vay vốn rẻ

Ông Tạ Quang Tùng, giám đốc công ty xuất nhập khẩu thực phẩm đông lạnh (trụ sở tại Q.Thủ Đức, TP.HCM), cho biết đang có nhu cầu vay vốn để chuẩn bị nguồn hàng cuối năm.

“Nhu cầu vay cuối năm của tôi bao giờ cũng tăng gấp đôi so với bình thường vì đơn hàng nhiều nhưng muốn vay thêm cũng không phải dễ” - ông Tùng cho biết.

Theo ông Tùng, doanh nghiệp này đang được ngân hàng cấp cho khoản tín dụng 800 triệu đồng, thời hạn ba tháng với lãi suất 9%/năm, sau khi ông Tùng phải thế chấp căn nhà đang ở được định giá khoảng 1,2 tỉ đồng.

Theo ông Tùng, trong điều kiện sức mua thấp như hiện nay, nếu lãi suất cho vay giảm thêm sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm ăn tốt hơn, bởi với chi phí hiện nay để doanh nghiệp có lợi nhuận, lãi suất khoảng 7-7,5%/năm là hợp lý.

“Chúng tôi cắt bớt chi phí tối đa, tôi làm giám đốc giờ kiêm thêm nhiều vị trí khác, cái gì mình làm được thì xắn tay vào làm, không dám thuê thêm người” - ông Tùng nói.

Theo ông Đặng Quốc Hùng - phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM, động thái giảm lãi suất hiện nay là rất đáng mừng cho các doanh nghiệp.

Trong ngành thủ công mỹ nghệ, lợi nhuận ngày càng ít đi do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, chi phí nhân công đắt đỏ trong khi giá trị món hàng lại khá nhỏ.

“Nhiều doanh nghiệp muốn vay nhưng họ vẫn ngại bị lãi vay ăn hết. Lãi suất giảm trong thời điểm cuối năm, lúc nhu cầu vay vốn lớn sẽ giúp doanh nghiệp mạnh dạn hơn” - ông Hùng nói.

Tuy nhiên ông Phạm Ngọc Hưng, tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, cho biết thực tế lãi suất cho vay mức thấp 6-7% chỉ dành cho doanh nghiệp tốt.

Phần lớn các doanh nghiệp hiện nay vẫn vay với lãi suất ít nhất 10-12%/năm. Với động thái giảm lãi suất của các ngân hàng, doanh nghiệp sẽ có điều kiện tiếp cận vốn rẻ hơn.

Nhưng lo lãi suấtbiến động

Dù hi vọng sẽ được vay vốn với lãi suất rẻ hơn, nhưng nhiều doanh nghiệp cho rằng cơ quan quản lý phải điều hành lãi suất cho vay ở mức hợp lý, bám sát diễn biến của lãi suất huy động.

Một số doanh nghiệp bức xúc cho biết lãi suất cho vay thường được ngân hàng tự điều chỉnh tăng khi lãi suất huy động tăng với lý do đầu vào tăng.

Ngược lại, khi lãi suất huy động giảm, ngân hàng không bao giờ giảm lãi suất cho vay. Muốn được vay lãi suất thấp hơn trước đó, doanh nghiệp phải đợi tất toán hợp đồng vay cũ, hoặc vay món mới.

Ông Đặng Xuân Phương - phó giám đốc Công ty CP thương mại kết cấu thép Minh Phương (Hà Nội) - cho biết vừa giải ngân một khoản vay kỳ hạn một năm với lãi suất 9%/năm, giảm gần một nửa so với lãi suất vào đầu năm.

Tuy nhiên theo ông Phương, doanh nghiệp mong muốn lãi suất cho vay ổn định ít nhất trong 1-2 năm chứ không thể tháng này xuống tháng sau lên.

Ông Nguyễn Sĩ Phúc, giám đốc Công ty TNHH Hạnh Phúc (Hà Nội), cũng bức xúc cho biết hiện nay doanh nghiệp có muốn vay dài hạn cũng không được là vì ngân hàng chỉ ký hợp đồng cho vay với thời hạn sáu tháng và lãi suất cho vay linh hoạt.

“Nhiều khi ngại vì cứ sáu tháng lại phải đi làm thủ tục vay một lần, chưa kể lãi suất bấp bênh khiến các doanh nghiệp chẳng dám an tâm vay vốn làm ăn” - ông Phúc nói.

Giao dịch tại Ngân hàng Hàng hải VN, Q.1, TP.HCM (Nguồn: Tổng cục Thống kê, Ngân hàng Nhà nước) - Dữ liệu: Lê Thanh, Ảnh: Hoàng Thạch vân - Đồ họa: V.Cường

Phụ thuộc vào lạm phát

Trao đổi với chúng tôi, giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết hiện nay các ngân hàng mới chỉ dám mạnh dạn điều chỉnh lãi suất cho vay ngắn hạn, với các khoản vay trung và dài hạn vẫn còn xem xét.

Doanh nghiệp đang chịu lãi suất cho vay trung hạn cao (12-14%) vì hầu hết ngân hàng đang trong tình trạng huy động vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn, do người dân có thói quen gửi tiền ngắn hạn, chỉ vài tháng.

Đại diện của Ngân hàng ACB cho biết hiện huy động ngắn hạn chiếm 85% tổng huy động của ngân hàng và 15% là trung và dài hạn.

Trong khi đó, hầu hết khách hàng cá nhân của ACB đang vay trung hạn (1-5 năm) và dài hạn trên 5 năm. Còn với Ngân hàng Đông Á, vốn huy động dưới ba tháng đang chiếm 70% tổng vốn huy động.

Ông Trần Xuân Hoàng, phó tổng giám đốc Ngân hàng BIDV, cho biết ngân hàng này đã có văn bản chỉ đạo toàn hệ thống giảm lãi suất huy động và cho vay theo đúng chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.

Theo ông Hoàng, lãi suất huy động giảm là cơ sở để ngân hàng hạ lãi suất cho vay. Tuy nhiên theo ông Hoàng, rất khó để ổn định lãi suất trong một thời gian dài, bởi cơ cấu nguồn vốn huy động của hệ thống ngân hàng có tới 70-80% là kỳ hạn ngắn.

“Rất khó để dự báo diễn biến lãi suất cho vay trong thời gian tới, do lãi suất phụ thuộc vào diễn biến của lạm phát. Nếu lạm phát giảm thì lãi suất cả huy động và cho vay sẽ giảm theo và ngược lại” - ông Hoàng nói.

Cũng theo các ngân hàng, việc giảm lãi suất huy động lần này không tác động đến lượng tiền gửi tại ngân hàng, bởi từ đầu năm đến nay lượng tiền gửi trong dân cư vẫn có xu hướng tăng dù lãi suất huy động liên tục giảm.

Trong khi đó, lượng tiền gửi từ khối doanh nghiệp có giảm nhẹ.

“Điều này cho thấy trong bối cảnh các kênh đầu tư khác còn chưa rõ ràng thì gửi tiền tiết kiệm vẫn là lựa chọn ưu tiên của một bộ phận dân cư. Trong khi khối doanh nghiệp lại có xu hướng rút bớt tiền ra để tập trung đầu tư, sản xuất chứ không còn chọn phương án gửi tiền lấy lãi như trước đây” - một lãnh đạo ngân hàng phân tích.

* Ông NGUYỄN ĐỨC ĐỘ (phó viện trưởng Viện Kinh tế - tài chính, Học viện Tài chính):Dư địa giảm lãi suất huy động vẫn còn

Trong 10 tháng đầu năm nay, lạm phát chỉ 2,36% và dự báo cả năm nay chỉ số này chỉ trên dưới 3% mà thôi. Nếu so sánh lạm phát là 2,36% và lãi suất huy động như mức trần 5,5%/ năm, dư địa giảm lãi suất huy động hiện nay vẫn còn. Do vậy, việc vay vốn với kỳ hạn dài và ổn định lãi suất cho vay có khi lại không có lợi cho doanh nghiệp, bởi nếu lãi suất huy động tới đây giảm tiếp thì lãi suất cho vay cũng giảm theo.

Trong khi đó, việc cho vay dài hạn và ổn định lãi suất cho vay dài hạn là điều không dễ đối với các ngân hàng, do thanh khoản của nhiều ngân hàng đang ổn định nhưng toàn hệ thống ngân hàng thì chưa thật sự ổn định.

Hơn nữa, nợ xấu xử lý rất chậm. Đây cũng là lý do chính mà Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa thể bỏ trần lãi suất huy động ngắn hạn và lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên.

L.THANH ghi

Lãi suất huy động giảm, tiền gửi vẫn tăng

Ngày 29-10, các ngân hàng đều điều chỉnh lãi suất huy động VND và USD trên biểu giá niêm yết theo xu hướng giảm.

Chẳng hạn, đối với các khoản tiết kiệm kỳ hạn một tháng, Vietcombank tính lãi suất tiền gửi là 4,3%/năm, VietinBank 4,5%/năm...

Lãi suất huy động tiền gửi ngắn hạn từ 1-6 tháng ở các ngân hàng này cũng được đưa về dưới 6%/năm, lãi suất huy động từ dưới 9-12 tháng chỉ là 5,8%/năm.

Ở khối ngân hàng thương mại cổ phần, bảng lãi suất tiết kiệm “lãi suất cao nhất” của Maritime Bank cho thấy những khoản tiền gửi dưới 50 triệu đồng kỳ hạn sáu tháng chỉ còn 5,5%/năm.

Tại Techcombank, lãi suất các kỳ hạn dưới sáu tháng cũng được giảm xuống 0,2%/năm như kỳ hạn 1 tháng giảm còn 5,1%/năm. Cùng với việc giảm lãi suất đầu vào, các ngân hàng cũng hạ lãi suất cho vay từ 0,5-1% tùy theo ngân hàng.

Theo đó, lãi suất cho vay VND ngắn hạn dành cho một số lĩnh vực ưu tiên tại hàng loạt ngân hàng chỉ còn 7%/năm, các lĩnh vực khác dao động từ 8-10%/năm tùy ngân hàng và đối tượng mà các ngân hàng đang nhắm tới.

Riêng với khoản cho vay trung và dài hạn, mức lãi suất từ 8,5-10%/năm đối với lĩnh vực ưu tiên và 10-12%/năm cho các lĩnh vực khác.

Khảo sát vài chi nhánh ngân hàng tại TP.HCM cho thấy không có tình trạng người dân đi đáo hạn sổ tiết kiệm vì hạ lãi suất tiền gửi.

Bà Phạm Thị Hường (ngụ Q.7, TP.HCM) cho biết trong ngày 29-10 bà có tới Techcombank đáo hạn khoản tiền gửi 100 triệu đồng nhưng nhân viên ngân hàng tư vấn không nên đáo hạn trước thời hạn vì lãi suất cũ đang cao hơn.

Theo bà Hường, sổ tiết kiệm của bà kỳ hạn 3 tháng sẽ tất toán vào tháng 11-2014 đang có lãi suất là 5,7%/năm, trong khi biểu lãi suất mới của ngân hàng này kỳ hạn sáu tháng chỉ còn 5,65%/năm.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, tính đến cuối tháng 8-2014, các khoản vay có lãi suất tối đa 8% chiếm 30% tổng dư nợ, lãi suất trên 8-12% chiếm 50% tổng dư nợ, trên 12% chiếm 20% tổng dư nợ (chủ yếu cho vay mua chứng khoán, tiêu dùng).

Trong cuộc họp gần đây, các ngân hàng cho biết mức chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay phổ biến 3,5-4%. Nếu giảm được xuống còn 2,5-3% sẽ tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay.

L.T. - N.B.