Tuy nhiên, mặt bằng chung của lãi suất cho vay lại không giảm nhiều, tỷ lệ chênh lệch vẫn cao.
"Sóng" hạ lãi suất huy động liên tục diễn ra trong những ngày gần đây, chủ yếu là các kỳ hạn từ 1 đến 12 tháng. Chẳng hạn, Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank đã điều chỉnh giảm 0,2-0,5%/năm lãi suất huy động ở các kỳ hạn 3-6 tháng. Đây là đợt giảm lãi suất thứ 3 trong năm của những ngân hàng này. Như vậy, so với hồi đầu năm thì hiện mức lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng tại những ngân hàng này đã giảm từ 1,3-1,5%/năm.
Đáng chú ý, đợt giảm lãi suất lần này lại có sự tham gia đồng đều của cả khối ngân hàng cổ phần như như ABBank, MB, Eximbank… chứ không đơn thuần là khối ngân hàng thương mại nhà nước như trước nữa.
Các chuyên gia cho rằng, đợt cắt giảm lãi suất vào những ngày đầu tháng 10 này tiếp tục phản ánh tình trạng ngân hàng thừa tiền. Ngân hàng buộc phải hạ chi phí đầu vào để đảm bảo lợi nhuận trong những tháng cuối năm. Song có một điểm đáng lưu ý, tại phiên họp thường kỳ tháng Chín, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước dựa trên kết quả lạm phát để xem xét điều hành lãi suất, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.
Đồng tình với nhận định trên, ông Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng cũng cho rằng, hiện nay các ngân hàng đang dư thừa vốn nên không thể huy động với lãi suất cao được. Ngoài ra, đầu tư trái phiếu Chính phủ ở thời điểm này thì lãi suất cũng thấp chỉ khoảng 5%. Chính vì vậy, để đảm bảo quan hệ về mặt nguồn vốn giữa đầu ra và đầu vào cũng như hài hòa lợi nhuận thì các ngân hàng đương nhiên phải giảm lãi suất huy động đầu vào.
Ngoài ra, theo ông Lực, giảm lãi suất huy động thời điểm này thì người dân vẫn gửi tiền vì chủ yếu là giảm ở các kỳ hạn ngắn còn kỳ hạn dài giảm không đáng kể.
"Ngân hàng Nhà nước nên cân nhắc giảm trần lãi suất huy động xuống khoảng 0,5%, mức giảm này sẽ không có vấn đề gì vì không tạo áp lực lạm phát và thực tiễn cũng là xu thế của thị trường hiện nay," ông Lực kiến nghị.
Còn tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm, chuyên gia tài chính ngân hàng chia sẻ, so với mặt bằng lãi suất cho vay của khu vực, lãi vay ở Việt Nam còn cao, đây là áp lực bắt buộc ngân hàng phải giảm lãi suất để tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Ảnh minh họa.
Cũng có ý kiến cho rằng, việc cắt giảm lãi suất huy động của các ngân hàng không hướng đến mục tiêu giảm lãi suất cho vay mà nhằm giảm chi phí đầu vào để cải thiện lợi nhuận trong bối cảnh cho vay vẫn chưa khả quan.
"Có vẻ như các ngân hàng đang tìm cách tối đa hóa lợi nhuận trong điều kiện tín dụng khó tăng trưởng mạnh. Độ chênh giữa tài sản có và tài sản nợ càng cao thì ngân hàng càng lãi lớn," một chuyên gia bình luận.
Báo cáo mới đây của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng cho biết, chênh lệch lãi suất giữa huy động và cho vay toàn ngành (NIM) ngày càng giảm, qua đó ảnh hưởng đến năng lực tài chính của tổ chức tín dụng cũng như khả năng trích lập dự phòng xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng. Tỷ lệ NIM 6 tháng đầu năm 2014 của hầu hết các ngân hàng đều giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Thu thập số liệu từ 15 tổ chức tín dụng, tỷ lệ NIM trung bình của 15 tổ chức tín dụng này đã giảm hơn 50% so với cùng kỳ 2013.
Tuy nhiên, ông Trần Du Lịch, chuyên gia tài chính ngân hàng lại cho rằng, mức lãi suất cho vay hiện nay còn cao, nhất là với trung và dài hạn. Khoảng cách giữa lãi suất huy động và cho vay của các ngân hàng vẫn rơi vào khoảng 3,5%-4,2%.
Theo ông Lịch, các ngân hàng thương mại cần cố gắng giảm mức chênh lệch này xuống còn 2,5%-3% là hợp lý.
Còn theo ông Lực, có 4 yếu tố cấu thành nên lãi suất cho vay của các ngân hàng, đó là, tỷ lệ dự trữ bắt buộc (hiện nay là 10%), trả lãi suất cho người vay, mức độ rủi ro của khách hàng và trích lập dự phòng rủi ro.
"Với những yếu tố đó, ngân hàng sẽ cân nhắc lãi suất cụ thể với từng khách hàng, do mức độ rủi ro của mỗi khách hàng là khác nhau," ông Lực nhấn mạnh.
Ngoài ra, với loạt điều chỉnh của các ngân hàng thương mại, một số thông tin trên thị trường đang đề cập đến khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục hạ trần lãi suất. Kỳ thực, mức trần quy định hiện nay chỉ còn tính định hướng khi chỉ áp cho các kỳ hạn dưới 6 tháng, mà lãi suất thực tế của các ngân hàng thương mại đã nằm sâu dưới trần.
Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia và Ngân hàng HSBC mới đây cũng đều dự báo, lạm phát cả năm nay chỉ 3 - 4%. Với mức lạm phát dự báo như vậy, cộng thêm những động thái của thị trường và Chính phủ, trần lãi suất huy động có thể sẽ giảm thêm từ nay đến cuối năm.
Trả lời ý kiến của đại biểu Quốc hội mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho rằng, lạm phát hiện nay tuy thấp, nhưng chưa chắc chắn, nguy cơ lạm phát quay trở lại vẫn còn tiềm ẩn. Do đó, Ngân hàng Nhà nước cam kết sẽ theo dõi sát tình hình, khi điều kiện cho phép sẽ giảm thêm lãi suất./.