Thống đốc Nguyễn Văn Bình lặng lẽ đứng hút thuốc ngoài hành lang Tòa nhà Quốc hội trong giờ giải lao sáng 1/11. Ông trông có vẻ đăm chiêu dù không ít các vị đại biểu đã hết lời ca ngợi thành tích của ngành ngân hàng trong suốt các ngày trước đó, khi Quốc hội bàn về kinh tế xã hội, và đề án tái cơ cấu nền kinh tế.
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền, Lâm Đồng khẳng định: "Điểm sáng chính (của nền kinh tế) là các chỉ số kinh tế vĩ mô ngày càng ổn định như lạm phát được kiềm chế ở mức thấp, tỷ giá ổn định suốt một thời gian dài, dự trữ ngoại hối tăng kỷ lục, mặt bằng lãi suất giảm mạnh và liên tục, sự ổn định và an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng".
Đại biểu Bùi Văn Phương, Ninh Bình bổ sung thêm: "Có lẽ bây giờ mới chỉ có mình ngân hàng đứng ra bươn trải, xử lý với món nợ xấu, kết quả đạt được cũng đáng hoan nghênh. Bây giờ có thể nói hơn 50% số nợ báo cáo năm 2012 đã được xử lý thông qua các biện pháp nội bộ của ngành ngân hàng".
Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, đến cuối tháng 7/2014, tổng nợ xấu nội bảng là 162,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 4,11% tổng dư nợ.
Những lời ca ngợi như trên của không ít các vị đại biểu Quốc hội không phải là ít. Thống đốc Bình, trong phiên điều trần ở Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trước kỳ họp thứ Tám diễn ra, đã đề cập đến vấn đề nợ xấu khi tiết lộ tổng số nợ xấu ước tính lên đến 500.000 tỉ đồng. Dù không đề cập đến thời điểm của số nợ xấu kỷ lục như vậy, ông cho biết trong số đó đã có 240.000 tỉ đồng đã được xử lý.
Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho biết thêm, theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, đến cuối tháng 7/2014, tổng nợ xấu nội bảng là 162,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 4,11% tổng dư nợ. Cũng tính đến cuối tháng 7/2014, theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, tổng số dư các khoản nợ được giữ nguyên nhóm nợ khi thực hiện theo Quyết định 780 và Thông tư 09 của Ngân hàng Nhà nước là 313,83 nghìn tỷ đồng.
Như vậy, nếu căn cứ vào báo cáo trên gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào giữa tháng 9, số nợ xấu thực chất là còn rất lớn, dù sau đó, vào tháng 10, Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến cuối tháng 9, có tới 53,6% số nợ xấu đã được xử lý.
Sau khi phiên bỏ phiếu diễn ra, trả lời câu hỏi của báo chí rằng liệu số phiếu tín nhiệm cho Thống đốc trong năm nay đã vượt lên ngoạn mục so với của năm ngoái có phản ánh đúng thực trạng của ngành ngân hàng, Đại biểu Dương Trung Quốc nói: "Đây là một ẩn số, nhưng chúng tôi không thể nào làm khác được. Chúng tôi căn cứ vào các số liệu được công bố, hiệu ứng của đời sống xã hội, nó có chuyển biến căn bản thì đánh giá như vậy. Nhưng còn cụ thể thế nào thì phải để các nhà chuyên môn phân tích".
Nhưng một số nhà kinh tế lại nghĩ khác.
Ghi nhận của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, đến tháng 10, VAMC đã mua được 6.300 khoản nợ với tổng du nợ gốc hơn 95.000 tỉ đồng, giá mua 78.000 tỉ đồng; và đã bán, thu hồi, phát mại tài sản được vỏn vẹn 3.500 tỉ đồng. Viện này cho rằng, như vậy, xử lý nợ xấu là rất chậm do thiếu nguồn lực và cơ chế để vận hành đầy đủ thị trường mua bán nợ xấu.
Ông Trương Đình Tuyển nói: Về nợ xấu, số liệu đang từ 400.000 tỷ đồng giờ giảm xuống còn 3-4%. Ta giải quyết nợ xấu sao nhanh thế? Nợ xấu muốn giải quyết được thì phải bán, nhưng mới bán được 4.000 tỷ trong số mấy trăm nghìn, vậy nó đi đâu? Đây là điều mà tôi không an tâm.
Ông Tuyển nhận xét, trong bối cảnh ngành ngân hàng không có cơ chế cho thị trường mua bán nợ, thị trường trái phiếu kém phát triển, và ngân sách không chi tiền, thì nợ xấu "không ai giải quyết, không ai đụng đến, và cứ để kệ đấy".
Bà Phạm Chi Lan nhớ lại một cuộc họp giữa Viện Nghiên cứu Lập pháp của Quốc hội và Công ty VAMC gần đây nhằm giúp tháo gỡ các vướng mắc pháp lý cho công ty này. Lãnh đạo của VAMC đã thừa nhận cơ chế bán đi số nợ mà VAMC mua là rất khó vì tài sản thế chấp là đất đai, bất động sản đã xuống giá thê thảm. "Họ nói họ không được phép bán khi giá xuống quá thấp", bà Lan kể.
Bà nói tiếp, điều đáng lo hơn là lãnh đạo VAMC kêu ca về vướng mắc về sở hữu của tài sản đảm bảo đó. "VAMC không thể biết ai là người có quyền quyết định về khối tài sản đó nên không bán được, dù có nhà đầu tư nước ngoài đến tìm hiểu", bà Lan nói.
Chuyên gia Lê Đăng Doanh nói ông thấy lo lắng khi có ngân hàng thương mại cho vay tới 70% vốn cho một dự án. Hơn nữa, ông trích dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê, rằng khu vực doanh nghiệp nhà nước đang nợ tới 3,1 triệu tỷ đồng. Ông Doanh nói: "Cục nợ ấy giải quyết thế nào? Ai mua? Các DNNN lấy gì mà trả nợ đây?"
Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung đặt hàng loạt câu hỏi: "Nợ xấu theo con số công bố chính thức thì chẳng còn bao nhiêu…Tại sao lại có những thông tin khác nhau về nợ xấu? Nợ xấu đang thực sự là điểm nghẽn của nền kinh tế, nhưng xử lý thế nào? Dồn vào góc rồi đậy vào hay sao/?"
Rõ rằng, những đánh giá của các nhà kinh tế hàng đầu đất nước cho thấy, vấn đề xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng còn rất nhiều phức tạp và vướng mắc. Có vẻ như, Ngân hàng Nhà nước đang xử lý nợ xấu hiện nay theo cách thức của những lần khủng hoảng trước đây, nghĩa là cứ để đó, chờ kinh tế phục hồi tăng trưởng, giá nhà đất tăng lên, và số nợ trở nên nhỏ hơn nhiều.
Thậm chí, có giám đốc ngân hàng còn khẳng định, tài sản thế chấp hiện nay là của để dành cho sau này để chây ì xử lý nợ. Nhưng, câu hỏi đặt ra là, tình trạng nợ xấu hiện nay có giúp kinh tế phục hồi hay ở mức 7-7,5% như trước hay không?
Rõ ràng, những đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế cho thấy, vấn đề xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng còn rất nhiều phức tạp và vướng mắc. Dù đã bắt đầu kiểm soát được giá vàng và bình ổn được thị trường tiền tệ và được phiếu tín nhiệm cao lần này, Thống đốc Bình còn nhiều việc phải làm trong thời gian tới để khắc phục tình trạng đó vì lợi ích của quốc gia.
Lá phiếu tín nhiệm cao kỳ này là một sự ghi nhận và cũng là kỳ vọng lớn đối với Thống đốc Nguyễn Văn Bình.