Kiều hối chảy trực tiếp vào sản xuất: Tạo đà kinh tế phát triển

Dự kiến năm 2014 lượng kiều hối về Việt Nam sẽ tăng 10% so cùng kỳ (khoảng 12-13 tỷ USD).

Dòng kiều hối về nước luôn năm sau cao hơn năm trước

Kiều hối chuyển về nước năm sau luôn tăng cao hơn năm trước không chỉ góp phần dựng xây đất nước mà điều đáng nói là thời gian gần đây dòng vốn này đã chuyển từ các kênh đầu tư thông thường khác như chứng khoán, bất động sản, gửi tiết kiệm để chảy thẳng vào khu vực sản xuất kinh doanh, giải quyết được nhiều nút thắt cho nền kinh tế.

Nhiều năm trở lại đây, lượng kiều hối về Việt Nam liên tục ở mức trên 10 tỷ USD, tương đương 10% GDP của cả nước. Dự báo, trong năm 2014 cùng với đà phục hồi của kinh tế thế giới, kinh tế các nước sẽ có sự tăng trưởng khá nên nhiều kiều hối về Việt Nam sẽ tăng ít nhất trên 10% so với năm 2013, tức khoảng 12 - 13 tỷ USD. Chỉ riêng tại TP.HCM, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM vừa cho biết, lượng kiều hối chuyển về nước qua hệ thống ngân hàng trên địa bàn thành phố ước đến cuối tháng 8/2014 đạt 2,75 tỷ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo năm 2014, kiều hối về TP.HCM có thể chạm ngưỡng 5 tỷ USD.
Kiều hối liên tục tăng nhưng vấn đề là làm sao để thu hút dòng kiều hối vàng vào lĩnh vực được cho là giúp cải thiện nền kinh tế một cách nhanh chóng. Trước đây, kiều hối chủ yếu được đẩy vào kênh đầu tư bất động sản, chứng khoán và gửi tiết kiệm thì nay, theo thống kê của Ngân hàng nhà nước chi nhánh TP.HCM, trong 6 tháng đầu năm 2014, có tới khoảng 70% lượng kiều hối chảy vào sản xuất, kinh doanh.
Nói về lý do mình đầu tư trực tiếp vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh chứ không phải là các kênh đầu tư thông thường như mọi năm, ông Trần Bá Phúc kiều bào Úc cho biết, xét về phần giá trị kiều hối tham gia đầu tư, hai kênh bất động sản và chứng khoán vẫn là lựa chọn đầu tiên của những người nắm giữ kiều hối muốn đầu tư sinh lời, bởi hai kênh này đang dần lấy lại đà tăng trưởng và có ưu thế hơn. Tuy nhiên, với bất động sản thì cần có lượng kiều hối lớn, thời gian dài nên chỉ thích hợp với người đầu tư dài hạn. Còn với thị trường chứng khoán, theo tình hình hiện nay và các năm kế tiếp có thể hấp dẫn hơn gửi tiết kiệm, nhưng đầu tư vào kênh này sẽ phải chấp nhận rủi ro, cũng như đòi hỏi bỏ công sức tìm hiểu theo dõi. Vì thế gần đây nhiều doanh nhân kiều bào lựa chọn phương án đầu tư trực tiếp vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lợi nhuận ít nhưng bù lại có ý nghĩa xã hội rất lớn.
Chị Đặng Thị Tuyết, kiều bào ở Thụy Điển chia sẻ, mỗi người có quyền tự chọn các kênh đầu tư khác nhau nhưng xu hướng đầu tư trực tiếp vào sản xuất đang được rất nhiều kiều bào hưởng ứng trong dịp này. Bởi, ai cũng mong muốn thông qua các doanh nghiệp không chỉ tạo thêm nhiều việc làm cho đất nước trong giai đoạn khó khăn mà còn vực dậy thị trường sản xuất trong nước, tạo đà cho phục hồi sản xuất, phát triển nhanh trong tương lai.
Bình luận về dòng kiều hối vàng đang chảy trực tiếp vào khu vực sản xuất, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho biết, tùy vào giai đoạn phát triển kinh tế mà Chính phủ đã tạo ra những cơ chế thích hợp để đưa lượng kiều hối vào các kênh mong muốn để đẩy nhanh và có hiệu quả hơn trong việc thúc đẩy tăng trưởng. Đẩy vốn vào khu vực sản xuất có nghĩa khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, qua đó giúp phục hồi kinh tế cũng như tháo gỡ nút thắt thất nghiệp do ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế thời gian vừa qua.
Theo nhận định của đại diện Công ty Kiều hối Đông Á, lượng kiều hối trong mùa Tết có thể tăng đến 35% so với trung bình các tháng trong năm, do nền kinh tế ở các nước phát triển đang phục hồi nên thu nhập của người Việt tại các nước Mỹ, Úc, Canada… đang dần ổn định. Bên cạnh đó, theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, lực lượng lao động xuất khẩu đang được duy trì và tăng trưởng ổn định cũng sẽ góp phần lớn vào lượng kiều hối về Việt Nam.
Nhận định về tầm quan trọng của kiều hối đối với nền kinh tế của đất nước, TS. Đinh Thế Hiển cho rằng, đây là tài sản ròng nên có ý nghĩa rất lớn trong việc kích thích đầu tư và tiêu dùng nội địa, qua đó góp phần rất lớn vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. "Kiều hối vừa là nguồn vốn tham gia đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, vừa là nguồn tiền tiêu dùng cá nhân. Nói chung, nó vừa có giá trị lớn về mặt phát triển kinh tế, vừa có giá trị giúp cải thiện mức sống người dân". Việc nắn dòng kiều hối chảy trực tiếp vào khu vực sản xuất kinh doanh đã tạo ra những mục tiêu kép, động lực mới cho kinh tế đất nước nhanh chóng phục hồi lấy lại đà tăng trường.