Kiểm soát rủi ro của công ty tài chính

Kiểm soát rủi ro của công ty tài chính

Thừa nhận việc “đẩy” cho vay tiêu dùng sang CTTC sẽ giúp NH chuyên biệt hóa mảng tín dụng này, nhưng lãnh đạo một NHTMCP nhỏ cho rằng, không phải NH nào muốn là làm được ngay.

NHNN Việt Nam đang lấy ý kiến về Dự thảo Thông tư quy định hoạt động tín dụng tiêu dùng của công ty tài chính (CTTC). Theo quy định Dự thảo này, CTTC chỉ còn được thực hiện hoạt động tín dụng tiêu dùng dưới 3 hình thức: cho vay trả góp; cho vay thấu chi qua thẻ tín dụng và phát hành thẻ mua hàng. Như vậy, các CTTC sẽ không được phép cho vay BĐS cho vay mua, xây dựng nhà ở.

Theo giải trình của Cơ quan soạn thảo, cho vay BĐS có tính đặc thù và mức độ rủi ro cao, đòi hỏi phải có nguồn lực tài chính tốt, năng lực quản trị rủi ro chuyên nghiệp. Một điểm đáng lưu ý là Dự thảo chỉ khuyến khích các NH cho vay tiêu dùng hướng tới khách hàng có thu nhập thường niên từ khá trở lên, có điểm tín dụng cao, có lịch sử tín dụng tốt (khách hàng đạt chuẩn). Nếu NHTM muốn cho vay tiêu dùng một cách mạnh mẽ, cụ thể là những đối tượng khách hàng phi chuẩn, thì phải thành lập CTTC.

Theo đơn vị soạn thảo, quy định này nhằm tách biệt và hạn chế rủi ro đối với NHTM khi cho vay tiêu dùng đối tượng khách hàng phi chuẩn. Đồng thời, tạo sân chơi bình đẳng, tuân thủ luật cạnh tranh trong hoạt động tín dụng tiêu dùng, góp phần thực hiện tái cơ cấu và bảo đảm các TCTD nói chung, CTTC nói riêng phát triển bền vững. Biện pháp trên có thể tách biệt và hạn chế rủi ro đối với các NHTM. Nhưng theo một chuyên gia NH làm việc lâu năm ở nước ngoài, Cơ quan quản lý không nhất thiết phải can thiệp mạnh bằng biện pháp hành chính mà để tự các NHTM quyết định.

“Họ cho vay thế nào, cách thức ra sao miễn là phù hợp với khẩu vị rủi ro và vẫn tuân thủ pháp luật là được. Nếu thấy cần thiết phải thành lập hoặc mua lại CTTC thì tự họ mới là người đưa ra quyết định”, vị này nhấn mạnh.

Thực tế, không phải NH nào cũng hào hứng với quy định mới tại Dự thảo Thông tư này. Thừa nhận việc “đẩy” cho vay tiêu dùng sang CTTC sẽ giúp NH chuyên biệt hóa mảng tín dụng này, nhưng lãnh đạo một NHTMCP nhỏ cho rằng, không phải NH nào muốn là làm được ngay. Nhất là đối với những NH nhỏ, không có nhiều lợi thế về quy mô vốn nên khách hàng chủ yếu là cá nhân vay tiêu dùng hoặc kinh doanh nhỏ với số vốn vay khiêm tốn chỉ từ chục triệu đến vài trăm triệu trong thời gian ngắn.

Thường các NHTMCP cỡ vừa và nhỏ đầu tư khá mạnh cho việc cho vay tiêu dùng. Nếu mất đi khối khách hàng này thì hoạt động kinh doanh của NH gặp khó khăn hơn, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt như hiện nay. “Đến việc tăng vốn điều lệ còn chưa dám nghĩ tới, nếu lại phải thành lập thêm một CTTC thì khó chồng khó cho NH”, vị này than thở.

Một trong những quy định tại Dự thảo được đánh giá cao đó là những quy định khá khắt khe về lãi suất được áp dụng. Cụ thể: Dự thảo Thông tư đưa ra quy định trước khi ký kết hợp đồng tín dụng tiêu dùng, CTTC có trách nhiệm phải cung cấp và giải thích đầy đủ các thông tin để đảm bảo khách hàng có thể so sánh và đánh giá tín dụng tiêu dùng phù hợp với nhu cầu và khả năng tài chính của mình trước khi ký hợp đồng vay vốn. Quy định này sẽ giúp hạn chế tình trạng khách hàng kêu “mắc bẫy” và xóa đi những ấn tượng xấu của khách hàng về tín dụng tiêu dùng. Lãi suất cho vay tiêu dùng do CTTC và khách hàng thỏa thuận trên cơ sở khả năng trả nợ của khách hàng, phù hợp với chính sách, quy định về lãi suất của NHNN...

Một số lãnh đạo NH cũng kiến nghị không nên áp trần lãi suất đối với cho vay tiêu dùng. Bởi quy mô khoản vay tiêu dùng thường nhỏ chỉ vài chục thậm chí vài triệu đồng, trong khi chi phí hoạt động lại khá lớn như chi phí nhân lực, hệ thống công nghệ, giấy tờ thủ tục mất nhiều thời gian. Nếu lãi suất cho vay cũng như các khoản vay đối với khách hàng DN thì NH không đủ bù đắp chi phí, trong khi rủi ro cho vay tiêu dùng thường cao. Ngoài ra, nếu quy định tại Dự thảo được áp dụng thì cần phải khống chế chức năng kinh doanh của CTTC để không có cơ hội đầu tư tràn lan, lĩnh vực nhiều rủi ro.

>>> Maritimebank sẽ mua lại công ty tài chính của Vinatex

Theo Nguyễn Vũ