Khủng hoảng Hy Lạp có khiến Fed hoãn tăng lãi suất?

(NDH) Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được dự đoán sẽ tăng lãi suất vào tháng 9 tới, nhưng cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Hy Lạp có thể tác động đến thị trường Mỹ hoặc đến đồng USD đủ để Fed phải lùi thời điểm tăng lãi suất của mình.

Chủ tịch Fed Janet Yellen đã từng cảnh báo về tác động từ Hy Lạp đối với Mỹ, cho rằng khủng hoảng tại Hy Lạp sẽ tác động đến nền kinh tế khu vực đồng Euro và đến thị trường tài chính toàn cầu, và chắc chắn sẽ lan tỏa sang Mỹ và sẽ ảnh hưởng đến quan điểm của Fed.

Nhưng liệu Hy Lạp có phải là một yếu tố đủ lớn khiến FED phải cân nhắc?

Một số nhà hoạch định chính sách của Fed và chuyên gia kinh tế tin rằng khủng hoảng Hy Lạp có thể buộc Fed phải lùi thời điểm tăng lãi suất đến tháng 12 hoặc sang năm sau.

Những chuyên gia khác lại đánh giá Hy Lạp ít có khả năng ảnh hưởng đến Fed do kinh tế Mỹ liên đới trực tiếp với Hy Lạp rất ít. Ngay cả các ngân hàng lớn của Châu Âu giờ đây cũng có liên đới với Hy Lạp ít hơn so với một vài năm trước.

Một cuộc khảo sát của CNNMoney cho thấy hầu hết các nhà kinh tế đều cho rằng Hy Lạp không phải là một yếu tố đủ lớn để khiến Fed phải hoãn tăng lãi suất.

Tuy nhiên, một số ít các chuyên gia kinh tế khác lại chỉ ra 2 điểm đáng chú ý có thể thay đổi kịch bản đó.

Thứ nhất, đồng USD đang trở nên ngày càng mạnh hơn.

Thứ hai, chứng khoán bắt đầu giảm.

Các nền kinh tế Châu Âu vẫn có sự liên hệ với Hy Lạp và Mỹ lại có sự liên hệ với Châu Âu.

Quyết định nói “không” lịch sử của cử tri Hy Lạp với các điều khoản cứu trợ mà các chủ nợ đưa ra trong cuộc trưng cầu dân ý hôm 5/7 đã khiến tương lai của Hy Lạp trở nên mờ mịt hơn, khiến các thị trường chứng khoán khắp Châu Âu biến động.

Do Fed đã đề cập đến “các mối lo ngại quốc tế” là một rủi ro cho chính sách, nên tình hình tại Hy Lạp chắc chắn sẽ tác động đến quan điểm của tổ chức này.

Về phương diện khác, nếu kinh tế Châu Âu tăng chậm lại do vấn đề Hy Lạp, nó sẽ khiến đồng Euro giảm giá và đẩy đồng USD lên, theo đó làm giảm lợi nhuận của các doanh nghiệp Mỹ và khiến lạm phát đứng ở mức thấp.

Fed rất chú ý đến lạm phát vì đây là chỉ báo chính cho tốc độ tăng trưởng tiền lương, điều mà nhiều người dân Mỹ chưa từng biết đến trong 6 năm kinh tế phục hồi vừa qua.

Lạm phát gần như không thay đổi trong tháng 5 và tháng 6 vừa qua. Lạm phát không thay đổi đồng nghĩa với tiền lương không tăng trưởng hoặc tăng rất thấp.

Nếu viễn cảnh tiền lương và lạm phát không sớm cải thiện, bất kỳ tác động nào từ Hy Lạp cũng có thể khiến khả năng tăng lãi suất vào tháng 9 bị bỏ qua.

Tuy Hy Lạp là một yếu tố tác động, nhưng những gì đang diễn ra tại Mỹ lại quan trọng hơn đối với Fed. Nếu số liệu kinh tế của My tiếp tục khả quan trong mùa hè này, Fed có khả năng vẫn tăng lãi suất.