"Không ở đâu xài tiền ngân sách tùy tiện như nước mình!"

"Tuy chưa có điều kiện để nghiên cứu nhiều nước nhưng không thấy ở đâu xài tiền tùy tiện như nước mình. Tôi đi thăm một nước vào cuối tháng 12, người ta không mời được cơm vì ngân sách chưa có…", đại biểu mổ xẻ về tình hình "đói" vốn ngân sách hiện nay.

Chi tiền không đúng làm nản lòng dân

Chiều 29/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Luật Ngân sách (sửa đổi). Theo đề xuất của nhiều đại biểu, cần có sự thay đổi trong việc sửa Luật ngân sách Nhà nước, nếu không sẽ không thay đổi tình trạng lỏng lẻo trong kỷ cương, kỷ luật ngân sách hiện nay.

Đề cập tới bất cập trong việc chi tiêu ngân sách hiện nay, đại biểu Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn TPHCM lấy ví dụ đi thăm một nước vào cuối tháng 12, bạn không mời được cơm vì ngân sách chưa có nhưng ở Việt Nam thì ăn nhậu vô tội vạ rồi vẫn quyết toán được.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TPHCM) cho hay: Quyết định ngân sách là rất quan trọng nhằm đảm bảo cân đối ngân sách quốc gia. Tuy nhiên, Quốc hội hiện nay "không có quyền" vì tiền đã chi khoản nào vào khoản đó hết rồi, Chính phủ trình ra Quốc hội chỉ mang tính chất thông báo.

"Lãnh đạo đi địa phương, nghe nơi nào kêu khó khăn thì quyết chứ không phải chờ Quốc hội. Như vậy là không căn cơ, làm phân tán nguồn lực, đề nghị phải tính để luật có hiệu quả đảm bảo thẩm quyền của Quốc hội. Sắp tới hội đồng nhân dân cũng phải quyết trên phân cấp đó, cuối năm quyết toán lại chứ khong chỉ quyết những vấn đề đã rồi", đại biểu Quyết Tâm nhấn mạnh.

Đưa ra dẫn chứng về sự lãng phí trong chi ngân sách, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cho hay: Ở một số huyện, xã, người dân vẫn còn đi chân đất nhưng lại dành tiền ngân sách xây trụ sở quá đẹp, dân không dám bước vào, tự nhiên tạo ra rào cản. Đầu tư như vậy không mang tính phát triển mà còn làm nản lòng người dân, phải xem lại khoản chi nào gọi là khoản chi mang tính chất đầu tư phát triển.

Ngân sách không còn nguồn để tăng lương.
Ngân sách không còn nguồn để tăng lương.

Theo đó, đại biểu Trần Du Lịch kiến nghị, chúng ta không làm luật hàng năm nhưng tối thiểu thông qua ngân sách bằng 2 kỳ họp. Kỳ giữa năm là ngồi bàn, mổ xẻ từng địa phương, từng ngành năm tới "cần hỗ trợ gì một cách minh bạch và Quốc hội quyết. Kỳ họp cuối năm thì xem xét và bàn rồi quyết định xem có đúng hay không. Còn như bây giờ, mọi thứ an bài hết rồi, không biết cắt của ai, không biết thêm của ai. Đây là nguồn gốc đẩy chạy chi tiêu ngân sách. Nếu không làm được cái này thì không thay đổi gì hết", đại biểu Lịch nhấn mạnh.

Cũng theo đại biểu Trần Du lịch, quy trình ngân sách địa phương hiện được hiểu là chạy nguồn chi trước, lấy chi xong tính ngược lại. Chính vì vậy, ông nào muốn ngân sách nhiều thì phải chạy phần chi nhiều, rồi ngược lại mới có chỗ này, chỗ kia điều tiết bao nhiêu phần trăm. Do đó, "phải định nghĩa lại ngân sách địa phương gồm 2 phần, chi phần mà anh được thu và phần 2 là phần hỗ trợ địa phương và khẳng định trong phần chi đó chính quyền địa phương được chủ động. Phần hỗ trợ địa phương là Quốc hội phân bổ, cơ quan nào phân bổ ngân sách phải giám sát, không thể nào đưa địa phương xong muốn làm ra sao thì ra".

Cần siết chặt kỷ cương ngân sách

Theo đề xuất của nhiều đại biểu Quốc hội, Luật ngân sách Nhà nước cần thiết và nên mạnh dạn có sự thay đổi để tăng kỷ cương, kỷ luật ngân sách, bởi nếu cứ làm như hiện nay thì không biết bao giờ mới thay đổi.

Đánh giá về dự thảo luật, đại biểu Phạm Huy Hùng (Hà Nội) cho rằng, dự thảo chưa bao quát, giải quyết tối đa bất cập của luật hiện hành, quản lý thu - chi vẫn theo tư duy cũ. Cứ lập kế hoạch xong rồi lại duyệt, rồi cứ thế chi. Thậm chí, thu không tới nhưng chi thì cứ chi như trong báo cáo ngân sách. Do đó, ông Hùng kiến nghị, luật phải làm sao hạn chế tối đa việc chi chuyển nguồn, chi ngoài ngân sách. Đặc biệt, vấn đề nợ đọng thuế, thất thu, gian lận thuế, hạch toán, thực hiện đúng cơ chế quản lý tài chính của các doanh nghiệp các cấp.

Đại biểu Nguyễn Phước Lộc nhấn mạnh: Tạm ứng trước ngân sách quá nguy hiểm. Dứt khoát phải có chế tài trong tạm ứng trước ngân sách Nhà nước, tránh tạo kẽ hở tạo kẽ hở cho cơ chế xin cho kèm theo là tiêu cực.

Còn theo đại biểu - Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải, tiền ngân sách là tiền góp của dân, sử dụng phải tiết kiệm, hiệu quả, nhưng thực tế chưa được như vậy. Thậm chí có nhiều mặt lo ngại, sử dụng đồng vốn ngân sách hiệu quả không cao.

Do đó, ông Hải kiến nghị, "một là quá trình vận hành luật ngân sách mới phải có cơ chế ràng buộc tiết kiệm cao nhất; sử dụng đồng vốn có hiệu quả cao. Tiếp đến là phải bồi dưỡng nguồn thu để chi".

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chỉ ra thực trạng: Hiện nay có sự trùng lắp về hình thức trong phê duyệt dự toán ngân sách, chi ngân sách trung ương phải gắn với nhiệm vụ quốc gia chứ khôno chi những nhiệm vụ tầm địa phương.

"Luật cũng phải thiết lập lại kỷ cương, kỷ luật trong thu, chi ngân sách, những nguyên tắc cần thiết. Các khoản thu, chi ngân sách phải dự toán, luật định, khoản ứng trước có phải dự toán đâu. Chính phủ hay ứng trước kế hoạch năm sau, không có kế hoạch năm sau, khiến năm sau, Quốc hội buộc phải cho làm… Nên luật phải có nguyên tắc, để quản lý cho chắc hơn", Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.