Nhiều điều kiện
Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia trong đánh giá kinh tế 8 tháng đầu năm tiếp tục củng cố kỳ vọng giảm lãi suất trên thị trường khi cho rằng, căn cứ vào diễn biến của lạm phát, có thể điều chỉnh mặt bằng lãi suất sao cho vừa tạo điều kiện để DN cắt giảm chi phí vốn, vừa không làm suy giảm năng lực tài chính của các TCTD. Cũng như cơ quan giám sát, đề xuất điều chỉnh mặt bằng lãi suất cùng lúc được nhiều tổ chức đầu tư đưa ra dựa trên xu hướng tăng thấp của lạm phát với thực tế chỉ số CPI đến cuối tháng 8 mới chỉ tăng 1,84% so với cuối tháng 12 năm ngoái và tăng 4,31% so với cùng kỳ năm 2013. Các phân tích chỉ ra rằng, xu hướng tăng thấp của lạm phát trong năm nay đang tạo điều kiện để các NHTM xem xét giảm lãi suất huy động nhằm cắt giảm chi phí, trong khi người gửi tiền vẫn được hưởng lãi suất "thực dương" cho dù mức độ sinh lời của kênh tiết kiệm đã không còn được nhiều như trước.
Bên cạnh đó, các NHTM trong thời gian gần đây cũng liên tục tiến hành các đợt điều chỉnh lãi suất và đưa mặt bằng lãi suất huy động về mức rất thấp. Cùng với Vietcombank với các điều chỉnh mạnh vào cuối tháng 8, BIDV mới đây cũng tiến hành giảm lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng xuống còn 4,5%, tương đương mức giảm tới 1,3% ở kỳ hạn này so với thời điểm đầu năm. Giới đầu tư tin rằng, với một loạt các yếu tố hỗ trợ trên, thị trường hoàn toàn hy vọng vào một làn sóng cắt giảm lãi suất trên thị trường và NHNN có thể sẽ xem xét điều chỉnh các mức lãi suất điều hành chủ chốt như lãi suất tái chiết khấu, lãi suất tái cấp vốn và trần lãi suất huy động...
Kỳ vọng này được cho có cơ sở lớn khi Vietcombank vào đầu tháng 3 cũng tiên phong giảm lãi suất, kéo theo các ngân hàng khác vào cuộc và góp phần dẫn đến quyết định đưa trần lãi suất huy động cho tiền gửi dưới 6 tháng về mức 6% của NHNN.
Song không cần thiết
Tuy nhiên "thời thế" dường như đang thay đổi. Các phân tích thị trường của giới đầu tư đến cuối tháng 8 cho thấy, thanh khoản hệ thống NH trong một tháng trở lại đây đôi lúc cho thấy tình trạng không thật sự chắc chắn. Điểm dễ nhận thấy là lãi suất liên NH liên tục tăng lên mức cao, có thời điểm đạt mức gần 4% và thường có sự biến động rất mạnh giữa các phiên. Dù NHNN kịp thời hỗ trợ qua kênh thị trường mở và một lượng tiền lớn cũng quay trở lại hệ thống NH qua kênh tín phiếu, tình hình vẫn chưa hoàn toàn bình ổn trở lại. "Nhiều khả năng khó khăn thanh khoản cục bộ tại một số NH có quy mô vừa và nhỏ vẫn hiện hữu" - một tổ chức đầu tư nhận định.
Ở yếu tố thứ hai, do yếu tố mùa vụ, tín dụng sẽ có nhiều cơ hội bật tăng mạnh trong các tháng cuối năm này, bên cạnh động thái NHNN mới đây bật đèn xanh cho các NHTM đẩy mạnh các khoản vay không cần tài sản đảm bảo. Chính vì thế, các NH có thể sẽ cần chuẩn bị nhiều vốn hơn cho kịch bản này. Một yếu tố quan trọng khác là lãi suất huy động trên thị trường đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 6 năm trở lại đây và điều này khiến kênh tiết kiệm dần mất sức hấp dẫn với người gửi tiền. Một chuyên gia cho rằng, nếu cứ tiếp tục cắt giảm trần lãi suất huy động, khả năng căng thẳng thanh khoản sẽ tiếp diễn với một vài NH yếu kém, khiến quá trình tái cơ cấu hệ thống NH trở nên phức tạp hơn.
Do vậy, theo một đánh giá đáng chú ý, rất có thể NHNN sẽ không có quyết định điều chỉnh trần lãi suất huy động. Xu hướng giảm lãi suất huy động nhiều khả năng sẽ vẫn diễn ra tại các NH lớn, có thanh khoản vững chắc trong khi các NH có quy mô nhỏ, bấp bênh về thanh khoản vẫn có thể giữ nguyên biểu lãi suất hiện nay để thu hút người gửi tiền. Diễn biến này sẽ giúp tăng tính cạnh tranh giữa các NH, đồng thời buộc người dân phải cân nhắc đến các yếu tố rủi ro khi quyết định nơi gửi tiền.
"Các mức lãi suất tái chiết khấu, tái cấp vốn có thể được NHNN xem xét cắt giảm nếu lạm phát tháng 9 tiếp tục ở mức thấp. Tuy vậy, đối với trần lãi suất huy động cho kỳ hạn dưới 6 tháng, chúng tôi cho rằng nhiều khả năng NHNN sẽ không điều chỉnh nhằm tránh sự can thiệp mang tính chất hành chính, đồng thời nâng cao tính cạnh tranh giữa các NH trong việc thu hút người gửi tiền" - một tổ chức đầu tư phân tích.