3 năm trở lại đây, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng là một trong những trọng tâm của tái cơ cấu nền kinh tế theo Nghị quyết của Quốc hội. Trong đó, việc xử lý nợ xấu được các ngân hàng tập trung thực hiện theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.
Trong 3 năm qua, hệ thống Ngân hàng đã xử lý được 249.000 tỷ đồng nợ xấu. Các tổ chức tín dụng đã trích lập dự phòng rủi ro khá lớn, trung bình mỗi năm trích được 70.000 tỷ đồng để xử lý nợ xấu. Năm 2012, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng là 17%, hai năm sau tỷ lệ nợ xấu đã và đang giảm dần. Tính đến tháng 9 vừa qua còn 3,8%. Với tốc độ xử lý nợ xấu như hiện nay, với quyết tâm của các tổ chức tín dụng, dự tính nợ xấu đến cuối năm nay sẽ ở mức trên 3%.
Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cho rằng, nợ xấu không phải là vấn đề của một ngân hàng riêng lẻ mà là của cả nền kinh tế. Ngân hàng là một trong các tổ chức có tham gia vào việc hình thành nên nợ xấu do sự yếu kém trong quản lý, nhưng ngân hàng không phải gốc rễ của nợ xấu. Gốc rễ nằm ở nền kinh tế, cơ cấu kinh tế, ở hệ thống phát triển tiêu dùng và phát triển nhu cầu.
Theo ông Vinh, nợ xấu không phải là vấn đề đáng lo ngại nếu nó nằm trong vòng kiểm soát. Kinh nghiệm xử lý tận gốc nợ xấu là thúc đẩy sản xuất để bán được hàng, thúc đẩy tiêu dùng để người dân mua hàng. Với kinh nghiệm xử lý nợ xấu tại đơn vị mình, ông Nguyễn Đức Vinh dẫn chứng: “Ngân hàng đã xây dựng các đội quân đặc biệt tinh nhuệ để chuyên sâu theo dõi, đánh giá, phân tích, một mình ngân hàng không làm nổi. Chúng tôi cũng xây dựng một kế hoạch từ 3 đến 4 năm để giải quyết nợ xấu dần. Nói chung là không nên nói nhiều quá đến nợ xấu mà hãy đến nợ tốt, hãy nói đến nhu cầu, hãy nói đến phát triển, tự khắc cái đó nó sẽ kéo nợ xấu giảm dần”.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, hiện, các ngân hàng không phản ánh hết những rủi ro cho vay khách hàng. Ngân hàng Nhà nước đã xác định nợ bằng các tiêu chuẩn quốc tế, khả năng trả nợ thực sự của khách hàng. Nợ xấu hiện đang được xử lý bằng nhiều giải pháp như các ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro; bán, thanh lý tài sản qua Công ty quản lý tài sản… Cùng với đó là xử lý bằng nguồn trích lập dự phòng rủi ro của tổ chức tín dụng. Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng phải tích cực thu hồi nợ, kiềm chế sự gia tăng nợ xấu khi cho vay những món mới.
Bà Nguyễn Thị Hồng cho biết: “Ta xử lý nợ xấu phải có một nguồn lực tài chính thực sự, kinh nghiệm nước ngoài cho thấy xử lý nợ xấu phải mất rất nhiều chi phí, có những nước mất từ 10-15% GDP, thậm chí có nước mất vài chục % GDP để đánh đổi cho xử lý nợ xấu. Việc xử lý nợ xấu vừa qua thông qua VAMC chính là sử dụng bằng nguồn tiền cung ứng, tức các tổ chức tín dụng khi bán nợ xấu cho VAMC thì nhận được trái phiếu đặc biệt và có thể đến Ngân hàng Nhà nước để vay tái cấp vốn với lãi suất thấp hơn lãi suất thông thường là 2%”.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, con số nợ xấu tăng lên so với trước vì có khoản nợ đến hạn bây giờ chưa trả được thành nợ xấu. Công ty Quản lý tài sản khẳng định đã thể hiện được vai trò của mình nhưng trên thực tế việc mua nợ xấu và giải tỏa nợ xấu đó như thế nào thì chưa thật sự thuyết phục. Các vấn đề khác của hệ thống ngân hàng như sở hữu chéo, cải thiện hệ thống quản trị ngân hàng đặc biệt về quản trị rủi ro, quản trị đạo đức ngân hàng thì cho đến nay chưa có bằng chứng để tạo được niềm tin cho xã hội là đã giải quyết tốt.
Để xử lý nợ xấu và đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu ngân hàng, bà Phạm Chi Lan cho rằng: “Với hệ thống ngân hàng, đặc biệt với các ngân hàng thương mại tôi nghĩ cần phải làm mạnh hơn. Phảnh phui cho hết nợ xấu thực chất là bao nhiêu. Nhiều người nghi ngờ cho tới nay chưa biết hết được nợ xấu của từng ngân hàng thương mại là bao nhiêu, sở hữu chéo thực chất là như thế nào. Nếu không có một sức ép thật mạnh để làm minh bạch hóa, đánh giá được tình hình thì rất khó có biện pháp để xử lí được chúng. Việc này là công việc của cả nước, ảnh hưởng tới toàn bộ nền kinh tế nên Chính Phủ, Quốc Hội hoàn toàn có quyền đưa ra sức ép chứ không thể trông chờ ở sự tự giác của các đơn vị từ cơ sở lên được”.
Để xử lý nhanh và dứt điểm nợ xấu, kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới đã phải tiêu tốn một khoản tiền rất lớn từ ngân sách Nhà nước, còn ở Việt Nam cho đến nay chưa tiêu tốn một đồng ngân sách nào cho việc này. Tỷ lệ nợ xấu của chúng ta đã giảm từ mức 17% tháng 9/2012 về dưới 4% của tháng 9/2014. Điều này cho thấy, chúng ta rất nỗ lực trong việc xử lý nợ xấu. Tiến trình tái cơ cấu ngân hàng đang đòi hỏi sự đồng bộ và song hành của doanh nghiệp và nhiều chính sách khác. Nếu không song hành thì không tạo ra hiệu quả, không thể tạo ra dòng tiền và cũng không thể xử lý được nợ xấu.