Các NH đẩy mạnh bán nợ cho VAMC, song khó trút được gánh nặng.
Chóng mặt với nợ xấu
Đại diện Agribank Chi nhánh TP.HCM cho biết, trước tình hình kinh doanh của doanh nghiệp (DN) suy yếu hiện nay, các khoản nợ từ nhóm 2 - 3 chuyển thành 4 - 5 rất nhanh nên NH không kịp trở tay. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng 10 tháng đầu năm của Agribank Chi nhánh TP.HCM không đáng kể và chủ yếu là cho vay bằng ngoại tệ.
Tín dụng Eximbank vẫn âm gần 4% trong 9 tháng đầu năm nay, nhưng nợ xấu tăng đáng kể, với tổng cộng có 2.689 tỷ đồng nợ xấu tính đến cuối tháng 9, tăng 62,8% so với cuối năm 2013. Trong đó, cả nợ nhóm 3 và nợ nhóm 4 đều tăng gấp hơn 2 lần.
Tính trên tổng dư nợ thì tỷ lệ nợ xấu Eximbank là 3,35% trong khi đầu năm chỉ ở mức 1,98%. Theo ông Phạm Hữu Phú, Tổng giám đốc Eximbank, khó khăn nhất hiện nay là tìm được khách hàng tốt để cho vay. Trong khi đó, nợ xấu vẫn không ngừng phát sinh từ khoản vay cũ.
Mặc dù DongA Bank thay đổi cách phân loại nợ, thay vì phân theo 5 nhóm nợ như đầu năm thì nay phân thành nợ trong hạn và nợ quá hạn.
Thế nhưng, do xu hướng nợ xấu tăng cao, nợ quá hạn của DongA Bank đến thời điểm cuối tháng 9/2014, theo báo cáo NH này mới công bố, cũng đã lên đến 13,17% tổng dư nợ so với 10,77% cuối năm rồi (tỷ lệ nợ xấu là 4%). DongA Bank đặt kế hoạch đưa nợ xấu về mức không quá 3% trong năm nay, nhưng xem ra khó khăn khi nợ xấu vẫn tăng mạnh.
Ngay cả NH lớn, nợ xấu cũng tăng nhanh. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2014 của Vietcombank (VCB), NH đạt tăng trưởng tín dụng 10,2% trong 9 tháng đầu năm nay với dư nợ cho vay khách hàng 302.181 tỷ đồng.
Mặc dù tỷ lệ nợ xấu của VCB ở mức 2,54% trên tổng dư nợ, giảm nhẹ so với mức 2,72% hồi đầu năm, nhưng tính đến cuối tháng 9/2014, NH này có tổng cộng 7.686 tỷ đồng nợ xấu, trong đó nợ nhóm 5 (có khả năng mất vốn) chiếm hơn một nửa và tăng xấp xỉ 70% so với cuối 2013. Vì thế, đòi hỏi VCB phải chi một khoản dự phòng lớn.
Đó cũng là lý do khiến tổng lợi nhuận thuần sau dự phòng của VCB giảm gần một nửa trong quý III. Cụ thể, lợi nhuận trước dự phòng rủi ro quý III là 2.438 tỷ đồng và 9 tháng đạt 7.692 tỷ đồng, tăng 9,3% so với cùng kỳ.
Nhưng sau dự phòng, VCB chỉ đạt 1.333 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế quý III. Lũy kế 9 tháng đạt lợi nhuận trước thuế 4.180 tỷ đồng và sau thuế 3.272 tỷ, tăng lần lượt 4,7% và 8% so với 9 tháng đầu năm 2013.
TS. Trần Du Lịch đánh giá, khả năng nợ xấu của ngành NH sẽ còn tăng trong thời gian tới khi các NH đã phải gọi đúng tên nợ xấu do phải thực hiện các quy định theo đúng chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, ông Lịch cho rằng, nếu nợ xấu vẫn trong tầm kiểm soát thì cũng không đáng lo ngại. Nhưng cái khó nhất chính là nợ xấu tăng khiến dòng chảy tín dụng khó có thể sớm được khơi thông.
"Làm sạch" bản cân đối tạm thời
Tính đến gần cuối tháng 9/2014, nợ xấu toàn ngành NH vẫn còn trên 160.000 tỷ đồng. Vì thế, dù nguy cơ đỗ vỡ của NH không còn, nhưng nợ xấu tăng cũng chính là mối lo đối với cả nền kinh tế hiện nay. Nợ xấu tăng, các NH đã đẩy mạnh việc bán nợ xấu cho VAMC nên dự phòng rủi ro của một số NH giảm.
Vì nếu bán được nợ xấu nhóm 5 thì chỉ trích dự phòng 20% cho trái phiếu đặc biệt nhận lại, thay vì phải trích lập 100% cho nhóm nợ có khả năng mất vốn. Đơn cử tại Eximbank, 10 tháng đầu năm bán trên 2.000 tỷ đồng nợ xấu và đưa ra kế hoạch bán tiếp khoảng 1.000 - 1.500 tỷ đồng 2 tháng cuối năm.
Vì thế, dù nợ xấu tăng cao, nhưng dự phòng Eximbank không đột biến thời gian qua. Thế nhưng, lợi nhuận trước thuế quý III của Eximbank cũng chỉ đạt mức 283 tỷ đồng và sau thuế là 219 tỷ, giảm lần lượt 29,2% và 26,5% so với cùng kỳ 2013. Lũy kế 9 tháng, Eximbank đạt lợi nhuận trước thuế 945 tỷ đồng, giảm 18,2% so cùng kỳ, sau thuế đạt 734 tỷ, giảm 16,5%.
Không chỉ với Eximbank để "làm sạch" bản cân đối kế toán trong quý III và cả quý IV, các NHTM đang từng bước đẩy mạnh bán nợ xấu cho VACM. Cụ thể, DongA Bank bán gần 2.000 tỷ đồng, Sacombank bán hơn 1.000 tỷ đồng, ACB, OCB bán khoảng 300-500 tỷ đồng.
Thậm chí, có NH đã bán hơn 10.000 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC. Thế nhưng, theo nhận định của TS. Nguyễn Trí Hiếu, việc các NH đẩy mạnh bán nợ xấu chỉ có thể "làm sạch" được bản cân đối tạm thời, nhưng không thể giải quyết được tận gốc nợ xấu.
Thực tế, sau khi bán nợ xấu cho VACM, khâu xử lý vẫn thuộc về các NH. Vì thế, khả năng các NH phải nhận lại khoản nợ xấu là rất lớn vì sau 5 năm, nếu không giải quyết được nợ xấu, VAMC sẽ trả lại khoản nợ đó.
Bà Nguyễn Thị Kim Xuyến, Phó tổng giám đốc NH DongA Bank, cho biết, mặc dù đã tập trung đẩy mạnh xử lý và bán cho VAMC, song nợ xấu vẫn tăng đáng kể, khoảng 6,8% tổng dư nợ tính đến cuối tháng 10 nên không dễ đẩy mạnh tín dụng.
Sự nỗ lực trong việc xử lý nợ xấu chủ yếu bằng trích lập dự phòng rủi ro hiện nay được đánh giá cao, song theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, điều đó sẽ rất khó cho các NHTM về lâu về dài nếu nợ xấu tiếp tục tăng.
Vì thế, nếu chỉ dùng khả năng và nguồn lực của NHTM để xử lý nợ xấu là điều khó kỳ vọng hiệu quả mà cần có vốn ngân sách nhà nước. VAMC hiện nay cũng không kỳ vọng giải quyết được nợ xấu vì không có đầu ra.