Không được đổ nợ xấu lên đầu dân

Không được đổ nợ xấu lên đầu dân

Bong bóng bất động sản nổ. Nợ xấu của hệ thống ngân hàng vùn vụt tăng. Vấn đề ngày càng nóng trên các diễn đàn.

Để giải quyết nợ xấu, trong giới chuyên gia đã hình thành nhiều luồng ý kiến khác nhau. Một trong những luồng ý kiến đó là: Hoặc cần có một nguồn tiền thực sự để mạnh tay tái cấp vốn cho các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng quốc doanh. Để họ có thể xóa những món nợ biết chắc là không thể thu hồi được, ví dụ như nợ của DN nhà nước… hoặc tăng quyền lực cho VAMC (Cty TNHH Một thành viên quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam).

Cụ thể là VAMC cần được chủ động trong các thủ tục pháp lý, thủ tục mua các khoản nợ xấu có vướng mắc về pháp lý. Sau khi mua rồi thì tìm nhà đầu tư để bán, và bán xong rồi thì hoàn tất được thủ tục về quyền sở hữu và quyền sử dụng cho nhà đầu tư. Có thể những quyền này của VAMC sẽ xung đột với những quy định của pháp luật hiện tại…

Hàng trăm DN nhà nước đang chuẩn bị múa tay chào mừng, nếu đề xuất trên được chấp nhận. Đầu tư ngoài ngành, quản lý kém, làm ăn thua lỗ, tham ô, làm thất thoát, mua thiết bị rởm, thiết bị đồng nát của nước ngoài về đắp chiếu…

DN nhà nước nào chẳng ôm một cục nợ ngân hàng to đùng? Trong tổng số nợ khổng lồ của khối DN nhà nước đó, số nợ “biết chắc không thể thu hồi được” đã lên đến con số hàng trăm ngàn tỷ. Xóa nợ. Nhưng vấn đề là Ngân hàng Nhà nước lấy đâu ra “một nguồn tiền thực sự” để có thể mạnh tay tái cấp vốn cho các ngân hàng quốc doanh?

Lấy từ ngân sách thì chắc chắn không được rồi. Mỗi năm ngân sách thu được mấy trăm ngàn tỷ, thì thiếu trước hụt sau, năm nào cũng bội chi. Lại còn phải trả nợ nước ngoài, đến nỗi mới rồi, như báo chí đưa tin, là Chính phủ phải vay nước ngoài 1 tỷ USD nợ mới để trả nợ cũ.

Không thể lấy từ ngân sách thì chỉ còn cách là Ngân hàng Nhà nước sẽ in thêm tiền. Lúc đó cơn bão lạm phát lập tức bùng nổ. Và hậu quả là toàn dân lãnh đủ.

Hàng triệu công nhân vừa mới khấp khởi mừng vì đến tận… năm 2015, lương mới được tăng 15%, nếu gặp cú “vô lê” này, thì lương hình thức tuy tăng, nhưng lương thực tế lại giảm do lạm phát. Làm như vậy chẳng khác gì đổ khối nợ xấu khổng lồ đó của hệ thống ngân hàng lên đầu người dân?

Bơm tiền cho khối ngân hàng quốc doanh để ngân hàng xóa nợ xấu cho DN nhà nước. Nợ xấu sẽ được giải quyết. Những báo cáo của các ngân hàng lại sạch sẽ.

Còn nhữngDN nhà nước thì lại tiếp tục mạnh tay vay tiền ngân hàng để “Gánh vàng đi đổ sông Ngô”, vì đã có niềm tin rằng nếu không trả được, thì lại sẽ được xóa. Nợ xấu sẽ lại phát sinh, và cái thòng lọng nợ xấu lại tiếp tục siết, càng ngày càng chặt.

Còn việc tăng quyền cho VAMC, dù những quyền đó xung đột với những quy định của pháp luật hiện tại, thì thật lạ lùng.

Đã gọi là “những quy định của pháp luật”, thì mọi cá nhân, tổ chức đều phải chấp hành. Xã hội có ổn định được hay không là do pháp luật có điều chỉnh được hành vi của toàn xã hội trong khuôn khổ của nó hay không.

Cho một DN được những quyền “xung đột" (nói thẳng ra là vi phạm) với những quy định của pháp luật hiện tại, thì khác nào đặt DN đó lên trên luật pháp? Và đã cho được một DN rồi, thì người ta có thể lại cho tiếp được DN thứ hai, thứ ba… Khi đó, xã hội sẽ ra sao?


>>> Chính phủ yêu cầu không dùng ngân sách xử lý nợ xấu

Theo Vũ Hữu Sự