Khi dòng tiền chuyển động

Chứng khoán bùng nổ, kỳ vọng ấm lên của thị trường bất động sản, cùng với việc tín dụng sẽ vào mùa trong những tháng cuối năm là những lực đẩy mạnh mẽ cho dòng tiền chuyển động.

Khối lượng giao dịch trong tháng 8/2014 đạt khoảng 22,6 nghìn tỷ đồng/phiên, tăng 9,2% so với tháng 7/2014


Càng gần những tháng cuối năm, thị trường tiền tệ càng có những biến động khó lường. Tới đây, khi dòng tiền chuyển động mạnh mẽ hơn thì sự khác biệt giữa các nhóm ngân hàng không cùng "đẳng cấp" càng rõ nét hơn. Trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm thấp chung như hiện nay, chỉ những ngân hàng thương mại lớn là có lợi, thị phần của các ngân hàng nhỏ sẽ bị thu hẹp lại và họ sẽ phải gồng mình nếu không muốn rơi vào tình trạng nợ xấu.

Những tín hiệu sớm

Diễn biến thị trường tiền tệ đã sôi động hơn hẳn. Sự bùng nổ của chứng khoán lập tức có tác động không nhỏ đến thị trường vốn. Có thể nhìn thấy rõ nhất trên thị trường giao dịch liên ngân hàng, nơi hơn 1 năm qua vốn rất im hơi lặng tiếng. Đây là điểm đến đầu tiên của các ngân hàng khi họ thiếu vốn. Chính vì thế những biến động trên thị trường này là những dấu hiệu sớm nhất, rõ nét nhất của thị trường.

Theo thống kê sơ bộ của DOANH NHÂN, khối lượng giao dịch trong tháng 8/2014 đạt khoảng 22,6 nghìn tỷ đồng/phiên, tăng 9,2% so với tháng 7/2014. Giao dịch tập trung ở các kỳ hạn dưới 1 tháng với tỷ trọng chiếm tới 89%. Đáng chú ý là đà tăng của lãi suất giao dịch tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng đã kéo dài 2 tháng liên tiếp. Mặc dù lãi suất dao động trong biên độ khá hẹp, nhưng đã ở mặt bằng cao hơn. Lãi suất bình quân tháng 8/2014 đạt 3,5%, tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 1,2% so với tháng 6/2014. Lãi suất liên ngân hàng qua đêm đã ở quanh mức 3,67%/năm.

Dấu hiệu thứ hai là từ thị trường tín phiếu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và trái phiếu Chính phủ. Về tín phiếu, trong tháng 8 các ngân hàng thương mại đã mua vào 38,6 nghìn tỷ đồng, giảm đến 52,7% so với tháng trước. NHNN đã gọi thầu trên 3 kỳ hạn 28, 56 và 91 ngày, nhưng 90% tín phiếu được mua lại rơi vào kỳ hạn 91 ngày, 9% còn lại là kỳ hạn 28 ngày. Các mức lãi suất phổ biến lần lượt là 3,9%/năm và 3,0%/năm. Trong khi đó lượng tín phiếu nếu NHNN đáo hạn trong tháng 8 lên đến 73,9 nghìn tỷ đồng. Về trái phiếu Chính phủ, giao dịch trầm lắng hơn. Kho bạc Nhà nước đã huy động thành công thêm 21,5 nghìn tỷ đồng, hoàn thành đến 80,1% kế hoạch của cả năm. Lãi suất trái phiếu Chính phủ tiếp tục có xu hướng giảm, nhất là ở kỳ hạn 10 năm. Điều này cho thấy, tiền dư thừa của các ngân hàng thương mại đã sụt giảm khiến họ không còn dư giả như trước mặc dù theo thống kê của NHNN, tín dụng 8 tháng đầu năm đạt tốc độ tăng trưởng 4,33% trong khi tốc độ tăng trưởng huy động vốn là 8,12% (tính đến 21/8). Tỷ lệ sử dụng vốn/tổng vốn huy động của các ngân hàng thương mại vẫn ở quanh mức 82 - 87%. Chính vì thế cầu vốn chưa đến mức căng thẳng, nhưng nếu thị trường tiếp tục diễn biến theo hướng khả quan thì sẽ tác động không nhỏ đến sự phân hóa các ngân hàng thương mại.

Dòng tiền chuyển động, nhưng đừng biến thành lũ

Tín dụng 8 tháng chỉ tăng 4,33%, nhưng cho đến lúc này NHNN vẫn tỏ rõ quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2014 là 12-14%. Vấn đề tăng trưởng tín dụng không còn là mong muốn của ngân hàng mà là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để hỗ trợ tổng cầu cho nền kinh tế. Mặt khác, theo quy luật hàng năm, tín dụng thường tăng mạnh vào những tháng cuối năm. Chính vì vậy, những tháng tới tăng trưởng tín dụng sẽ có chuyển biến tích cực, đặc biệt với sự hỗ trợ của thị trường chứng khoán. Vì tín dụng tăng quá thấp nên hai năm trở lại đây NHNN không nhắc nhở gì đến giới hạn tỷ lệ cho vay chứng khoán và bất động sản trong tổng vốn tín dụng của một ngân hàng. Có vẻ như, trong bối cảnh hiện nay thì tín dụng dù có ra bằng đường nào cũng… quý. Trong tình thế đó các ngân hàng sẽ tranh thủ đẩy tín dụng ra hết mức có thể.

Nếu cầu tín dụng tăng thì ngân hàng sẽ tăng huy động. Tuy nhiên với chỉ số CPI thấp, cộng thêm lượng vốn dư thừa lớn sẽ khiến các ngân hàng lớn khá ung dung trong huy động vốn. Trong khi đó những ngân hàng nhỏ sẽ vất vả hơn trong cạnh tranh và cách truyền thống của họ vẫn là "đánh" vào lãi suất. Ngân hàng nào trường vốn thì biểu lãi suất huy động sẽ rất… đẹp: kỳ hạn tiền gửi càng dài, lãi suất càng cao. Với các ngân hàng thiếu hụt vốn sẽ đẩy lãi suất huy động kỳ hạn ngắn lên cao. Ngay thời điểm này, nhìn vào biểu lãi suất huy động trên thị trường cho thấy, sự khác biệt về "đẳng cấp" rất rõ. Ví dụ, ở kỳ hạn 1 tháng lãi suất huy động của các ngân hàng lớn như BIDV, Vietcombank chỉ bằng một nửa so với những ngân hàng nhỏ, mặc dù vậy, những ngân hàng thương mại lớn cũng không lo bị mất khách. Vì không như những năm trước, người gửi tiền không còn lấy lãi suất làm tiêu chí hàng đầu trong lựa chọn ngân hàng gửi tiền. Và trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm thấp chung như hiện nay, người gửi tiền sẽ chọn các ngân hàng lớn, có uy tín để bớt mối lo nếu ngân hàng bị phá sản họ chỉ nhận được tiền bảo hiểm tối đa 50 triệu đồng.

Việc khối lượng, lãi suất giao dịch trên thị trường liên ngân hàng tăng phần nào cho thấy, đã có những ngân hàng thiếu thanh khoản tạm thời. Ngân hàng lớn huy động được vốn giá rẻ thì họ sẽ cho vay ra thấp hơn, tăng trưởng tín dụng sẽ cao hơn và ngược lại. Thị phần của ngân hàng nhỏ sẽ ngày càng teo tóp. Do đó, tới đây khi dòng tiền chuyển động mạnh mẽ hơn thì sự khác biệt giữa các nhóm ngân hàng không cùng "đẳng cấp" càng rõ nét. Tất nhiên cũng không thể vì thế mà ngân hàng nhỏ hết đất sống. Họ sẽ tìm những thị trường ngách, với đối tượng khách hàng chuyên biệt và sự chuyên biệt hóa trong cung cấp các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng cho một phân khúc, một khu vực, thậm chí một nhóm đối tượng khách hàng nhất định sẽ hình thành.

Đó là tương lai xa, trước mắt nếu thị trường biến động mạnh sẽ gây áp lực lên điều hành chính sách của NHNN. Đơn cử, thị trường đang mong đợi một đợt điều chỉnh giảm lãi suất điều hành nữa của NHNN. Nếu thế sẽ tạo thêm lực đẩy cho cầu tín dụng, nhưng huy động vốn sẽ khó khăn, tăng nguy cơ mất thanh khoản của ngân hàng nhỏ. Và tín dụng tăng đột biến trong thời gian ngắn thì tỷ lệ nợ xấu có nguy cơ tăng cao. Bên cạnh đó, tỷ giá có dấu hiệu tăng trong bối cảnh cán cân thanh toán tổng thể thặng dư, vàng liên tục rớt giá là điều không bình thường. NHNN vẫn còn dư địa 1% nữa để điều chỉnh tỷ giá, nhưng nếu "đánh động" cả tiền đồng và tiền đôla trong những tháng cuối năm thì liệu cơ quan quản lý có đủ sức giữ thị trường trong tầm kiểm soát, nhất là nếu chứng khoán, bất động sản cũng khởi sắc?