Năm nay 54 tuổi, Ra-un Uây từng giữ chức Giám đốc bộ phận quản lý tài sản toàn cầu của UBS, với nhiệm vụ phục vụ khoảng 20.000 khách hàng nước ngoài. Ông Ra-un Uây bị các công tố viên Mỹ truy tố về hành vi gian lận giúp các khách hàng ở Mỹ che giấu 20 tỷ USD trong các tài khoản ở nước ngoài những năm 2002-2007.
Bên ngoài trụ sở Ngân hàng UBS ở Thụy Sĩ. |
Tại phiên tòa nói trên, luật sư Mác Đa-li (Mark Daly) của Bộ Tư pháp Mỹ, đã gọi vụ việc liên quan tới Ra-un Uây là "sự gian lận thuế đơn giản, cổ điển" và hành động của cựu lãnh đạo UBS là một "sự tham lam không hợp thời". Dự kiến, phiên tòa xét xử Ra-un Uây sẽ kéo dài trong khoảng 4 tuần. Thẩm phán Liên bang Giêm Côn (James Cohn) cho biết, một số cựu nhân viên ngân hàng cũng sẽ được triệu tập với tư cách là các nhân chứng. Tuy nhiên, một số người sẽ phải làm chứng từ Luân Đôn (Anh) qua truyền hình vì họ sợ sẽ bị bắt khi đặt chân lên đất Mỹ. Được biết, nếu bị buộc tội, Ra-un Uây có thể phải nhận mức án 5 năm tù giam.
Trong khi đó, A-rôn Ma-cu (Aaron Marcu), luật sư bào chữa cho Ra-un Uây, khẳng định rằng thân chủ của ông hoàn toàn vô tội. Chia sẻ với phóng viên AFP, luật sư này cho rằng, không phải Ra-un Uây mà là một số người khác ở ngân hàng UBS đã "làm những việc xấu và giúp khách hàng của mình giấu tài sản".
Trên thực tế, vụ việc liên quan đến vị cựu quan chức ngân hàng UBS đã khiến báo chí quốc tế tốn khá nhiều giấy mực trong vài năm gần đây. Năm 2008, Ra-un Uây bị buộc tội "thông đồng" để giúp nhiều cá nhân thực hiện hành vi trốn thuế ở nước ngoài, đặc biệt là ở Thụy Sĩ. Tiếp đến, đầu năm 2009, nhân vật này bị Mỹ phát lệnh truy nã quốc tế sau khi vắng mặt trong một phiên tòa ở bang Phlo-ri-đa. Tháng 10-2013, Ra-un Uây bị bắt giữ khi sử dụng tên thật để làm thủ tục đăng ký tại một khách sạn sang trọng ở Bô-lô-nha, miền Bắc I-ta-li-a và sau đó bị dẫn độ về Mỹ vào giữa tháng 12-2013.
Tuy nhiên, dường như Ra-un Uây chỉ là một mục tiêu đơn lẻ trong chiến dịch đấu tranh chống nạn trốn thuế của Mỹ. Bản thân Ngân hàng UBS từ lâu đã bị nhiều quốc gia "xoi" vì nghi ngờ tiếp tay cho hành vi trốn thuế của những người lắm tiền nhiều của. Điển hình như năm 2009, UBS cũng đã bị nhà chức trách Mỹ "sờ gáy". Khi ấy, UBS đã đồng ý nộp phạt 780 triệu USD tiền phạt và giao nộp dữ liệu của 4.700 tài khoản khách hàng cho Cơ quan Thuế vụ Mỹ (IRS) để tránh bị truy tố hình sự. Tháng 6-2013, 3 giám đốc điều hành chi nhánh của ngân hàng UBS tại Pháp cũng nằm trong "danh sách đen" của giới chức Pa-ri, do bị nghi ngờ dính líu đến các thương vụ phi pháp, chẳng hạn như giúp cất giấu hàng trăm triệu ơ-rô cho các "đại gia" tại Pháp nhằm mục đích trốn thuế suốt mấy chục năm qua.
Gần đây nhất, ngày 22-9, Tòa phúc thẩm Pa-ri đã yêu cầu UBS phải nộp khoản tiền thế chấp lên tới 1,5 tỷ USD với cáo buộc ngân hàng này giúp các khách hàng Pháp che giấu tài sản bất hợp pháp. Theo lời các thẩm phán của Pháp, nhiều khả năng UBS đã chèo kéo và hỗ trợ các khách hàng Pháp trốn thuế bằng cách lập các tài khoản kép để chuyển tiền sang Thụy Sĩ. Nếu cáo buộc này được chứng minh thì ngân hàng lớn này của Thụy Sĩ có thể sẽ phải đối mặt với án phạt… 6,3 tỷ USD! Về phần mình, UBS cho rằng khoản tiền nộp phạt 1,5 tỷ USD, tương đương 42,6% lợi nhuận sau thuế của ngân hàng này, rõ ràng "mang động cơ chính trị" và UBS đã sẵn sàng cho một cuộc chiến pháp lý liên quan đến vụ việc.
Vụ việc liên quan đến Ra-un Uây nói riêng và Ngân hàng UBS nói chung diễn ra trong bối cảnh nhiều nước đang tổ chức các chiến dịch mạnh mẽ nhằm vạch trần và ngăn chặn tình trạng trốn thuế. Ngoài UBS, nhiều ngân hàng ở Thụy Sĩ cũng bị tình nghi đã tiếp tay cho hành vi trốn thuế của các đại gia.
Chưa rõ ông Ra-un Uây và Ngân hàng UBS sẽ phải nhận án phạt nặng tới mức nào, song có thể tin rằng, những cáo buộc mà các nhà điều tra của Pháp hay Mỹ đưa ra là có cơ sở, bởi "không có lửa làm sao có khói". Có thể thấy, ngay cả ở những tổ chức tài chính hàng đầu thế giới cũng vẫn để lộ những lỗ hổng để "giới đại gia" khai thác và thực hiện thành công các chiêu bài trốn thuế.