Lượng kiều hối về Việt Nam liên tục ở mức trên 10 tỷ USD trong vài năm gần đây, bằng khoảng 10% GDP của cả nước và tương đương với tổng lượng vốn FDI giải ngân trong năm nay có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội; tham gia trực tiếp vào đầu tư và tiêu dùng nội địa, qua đó đóng góp rất lớn cho tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Kiều hối: Liều "doping" cho nền kinh tế
Ngoại trừ năm 2009 do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, khoảng 10 năm trở lại đây, lượng kiều hối về Việt Nam tăng liên tục và đều đặn. Đặc biệt, liên tục trong 3 năm (2011 - 2013), lượng kiều hối về Việt Nam tăng khoảng 1 tỷ USD mỗi năm. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam là một trong 10 nước có lượng kiều hối cao nhất thế giới.
Hiện có trên 4,5 triệu người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới và khoảng nửa triệu lao động đang làm việc ở nước ngoài. Theo các chuyên gia, năm nay sẽ có sự gia tăng đáng kể lượng kiều hối từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia qua chương trình xuất khẩu lao động thay vì chỉ đến từ các nước truyền thống có nhiều người Việt đang sinh sống như Mỹ, Canada, Pháp.
Nhiều năm trở lại đây, lượng kiều hối về Việt Nam liên tục ở mức trên 10 tỷ USD, tương đương 10% GDP của cả nước. Chuyên gia tài chính, TS. Đinh Thế Hiển dự báo, trong năm 2014 cùng với đà phục hồi của kinh tế thế giới, kinh tế các nước sẽ có sự tăng trưởng khá nên nhiều khả năng kiều hối về Việt Nam sẽ tăng ít nhất trên 10% so với năm 2013, tức khoảng 12 - 13 tỷ USD.
Chỉ riêng tại TP.HCM, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM vừa cho biết, lượng kiều hối chuyển về nước qua hệ thống ngân hàng trên địa bàn thành phố ước đến cuối tháng 8/2014 đạt 2,75 tỷ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo năm 2014, kiều hối về TP.HCM có thể chạm ngưỡng 5 tỷ USD.
Nhận định về tầm quan trọng của kiều hối đối với nền kinh tế của đất nước, TS. Đinh Thế Hiển cho rằng, đây là tài sản ròng nên có ý nghĩa rất lớn trong việc kích thích đầu tư và tiêu dùng nội địa, qua đó góp phần rất lớn vào tăng trưởng chung của nền kinh tế.
"Kiều hối vừa là nguồn vốn tham gia đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, vừa là nguồn tiền tiêu dùng cá nhân. Nói chung, nó vừa có giá trị lớn về mặt phát triển kinh tế, vừa có giá trị giúp cải thiện mức sống người dân", TS. Đinh Thế Hiển nhấn mạnh.
Kiều hối năm nay được kỳ vọng sẽ tận dụng hiệu quả để kích thích tăng trưởng kinh tế
Kênh nào "tiêu hóa" mạnh kiều hối?
Nếu như trước đây, kiều hối chủ yếu được đẩy vào hai kênh là đầu tư bất động sản và gửi tiết kiệm thì nay, theo thống kê của NHNN chi nhánh TP.HCM, trong 6 tháng đầu năm 2014, có tới khoảng 70% lượng kiều hối chảy vào sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, vẫn có nhiều ý kiến tranh luận về sự hiệu quả của dòng kiều hối đối với guồng máy kinh tế hiện nay.
Liên quan đến vấn đề này, TS. Đinh Thế Hiển có cái nhìn khá toàn diện. Theo ông Hiển, lượng kiều hối đa phần là tiền gửi cho cá nhân với quy mô một cá nhân không lớn. Do vậy, chỉ có một phần tham gia trực tiếp đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Phần lớn còn lại sẽ gửi vào ngân hàng, mua bất động sản, mua vàng hoặc trực tiếp tiêu dùng, trang trải cuộc sống.
Xét về phần giá trị kiều hối tham gia đầu tư, TS. Đinh Thế Hiển và TS. Lê Xuân Nghĩa đều cho rằng, hai kênh bất động sản và chứng khoán vẫn là lựa chọn đầu tiên của những người nắm giữ kiều hối muốn đầu tư sinh lời, bởi hai kênh này đang dần lấy lại đà tăng trưởng và có ưu thế hơn các kênh khác.
Tuy nhiên, với bất động sản thì cần có lượng kiều hối lớn, cần thời gian dài nên chỉ thích hợp với người có thu nhập khá và chấp nhận đầu tư dài hạn. Còn với thị trường chứng khoán, theo tình hình hiện nay và các năm kế tiếp có thể hấp dẫn hơn gửi tiết kiệm, nhưng đầu tư vào kênh này sẽ phải chấp nhận rủi ro, cũng như đòi hỏi bỏ công sức tìm hiểu theo dõi.
Một số chuyên gia cho rằng, mua cổ phiếu Quỹ mở cũng là một kênh đầu tư khá hấp dẫn bởi kết hợp giữa sinh lời và an toàn. Cơ chế Quỹ mở còn cho phép người có nguồn kiều hối nhỏ nhưng đều đặn có thể đầu tư liên tục để đạt được tài sản lớn theo thời gian.
Ngoài ra, một phần kiều hối năm nay có thể "chảy" vào trái phiếu của những doanh nghiệp xuất khẩu nào tận dụng tốt những cơ hội mới trong các hiệp định kinh tế như FTA, TPP như các doanh nghiệp thuộc ngành dệt may, da giày, gỗ… cũng như những doanh nghiệp mới thành lập nhưng có chiến lược kinh doanh tốt và khả năng sinh lời cao.
Bình luận về khả năng có sự điều tiết của cơ chế chính sách từ nhà nước nhằm tận dụng hiệu quả dòng kiều hối hay không, TS. Đinh Thế Hiển cho biết, tùy vào giai đoạn phát triển kinh tế mà Chính phủ sẽ xem xét cơ chế thích hợp để đưa lượng kiều hối vào các kênh mong muốn để đẩy nhanh và có hiệu quả hơn trong việc thúc đẩy tăng trưởng.