Indonesia hy vọng FED tăng lãi suất sớm dù đồng Rupiah mất giá

(NDH) Indonesia hy vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ sớm tăng lãi suất nhằm tránh gây hoang mang cho nhà đầu tư và ảnh hưởng đến thị trường tiền tệ các nước khác.

Quyền Bộ trưởng Kinh tế Sofyan Djalil của Indonesia hy vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ nhanh chóng quyết định tăng lãi suất bởi những phỏng đoán về thời điểm nâng lãi suất hiện nay đang tạo áp lực giảm giá lên đồng Rupiah của nước này.

Theo ông Djalil, đồng Rupiah sẽ không giảm giá sâu hơn khi FED nâng lãi suất bởi áp lực giảm giá hiện nay chủ yếu được tạo nên từ những đồn đoán của nhà đầu tư và thị trường. Hơn nữa, đồng nội tệ của nước này cũng đang được định giá quá thấp so với thực tế.

Mỹ đã giữ mức lãi suất gần bằng 0% kể từ năm 2008 nhằm thúc đẩy nền kinh tế hồi phục sau khủng hoảng tài chính. Hiện FED vẫn chưa chính thức quyết định xem có nâng lãi suất vào tháng 9/2015 hay không. Tuy nhiên, các số liệu trên thị trường lao động cho thấy đã có 215.000 việc làm phi nông nghiệp được tạo thêm trong tháng 7/2015, một dấu hiệu tích cực cho kinh tế Mỹ và làm tăng khả năng nâng lãi suất vào tháng 9/2015.

Tính từ đầu năm đến nay, đồng Rupiah là đồng tiền giảm mạnh thứ 2 thế giới với mức 8% so với đồng USD. Đồng nội tệ Indonesia đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ sau khủng hoảng tài chính Châu Á 1998 khi chạm đáy 13.542 Rupiah/USD vào phiên 7/8.

“Tôi hy vọng FED sẽ ra quyết định (về việc nâng lãi suất) càng sớm càng tốt bởi những dấu hiệu không rõ ràng sẽ chỉ khiến thị trường tài chính bất ổn hơn”- ông Djalil nói.

Do tình hình thâm hụt tài khoản vãng lai khá lớn, nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á này là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nhất khi FED công bố kế hoạch dừng chương trình nới lỏng định lượng (QE) năm 2013.

Vào thời điểm đó, đồng Rupiah đã giảm 20% và thâm hụt tài khoản vãng lai của nước này đã liên tục gia tăng từ thời điểm đó, thậm chí có thể xuống thấp hơn mức 2,5% GDP so với chuẩn mực an toàn của ngân hàng trung ương Indonesia.

Bộ trưởng Djalil nhận định các yếu tố cơ bản của nền kinh tế Indonesia khá tốt nhưng đồng Rupiah của nước này lại tương đối yếu vì thị trường đã tạo áp lực giảm thêm 25-50 điểm cơ bản do những dự đoán tăng lãi suất của FED.

“Đồng Rupiah của chúng tôi đang được định giá quá thấp”-ông nói.

Ngân hàng trung ương Indonesia dự đoán dòng vốn chảy vào thị trường nước này sẽ tăng ngay cả sau khi FED nâng lãi suất, qua đó khiến thị trường tiền tệ có một cái nhìn tích cực về đồng Rupiah. Đồng thời, chính quyền Jakarta có đủ khả năng để hạ lãi suất ngay sau khi Mỹ thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ.

Tăng trưởng kinh tế của Indonesia đang ở mức thấp nhất trong gần 6 năm qua với tốc độ 4,67% trong quý II. Thị trường tiêu dùng của nước này bị hạn chế do tỷ lệ lạm phát cao, nhu cầu tiêu thụ giảm do thu nhập đi xuống. Nguyên nhân của tình trạng trên là giá cả hàng hóa, một trong những ngành chủ chốt của quốc gia này, đi xuống.

Tỷ lệ lạm phát tháng 7/2015 của Indonesia đạt 7,26%, cao hơn mức mục tiêu là 3-5%. Ngân hàng trung ương nước này cho biết lạm phát sẽ tạm ở mức cao trước khi giảm trở lại mức 4,3-4,5% vào cuối năm nay.

Tuy nhiên, kinh tế Indonesia cũng có những mặt tích cực khi xuất khẩu của nước này gia tăng cũng như doanh số tiêu thụ xe máy ở mức ổn định.

Chính quyền Jakarta hiện vẫn tin tưởng tăng trưởng kinh tế sẽ hồi phục và tổng GDP sẽ tăng 5-5,2% trong năm 2015.