Hy Lạp vẫn chưa vỡ nợ nếu không kịp trả 1,7 tỷ USD cho IMF

(NDH) Nếu Hy Lạp không trả khoản nợ 1,7 tỷ USD cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào ngày 30/6, có thể chính những chủ nợ mới là người phải lo hơn là chính quyền Athens.

Theo hãng tin Bloomberg, có một sự khác biệt giữa thanh toán nợ trái phiếu cho nhà đầu tư và nợ cho một tổ chức như IMF. Trong chính sách của IMF, nếu một quốc gia không đủ sức thanh toán khoản nợ với tổ chức này sẽ bị coi như là “thiếu nợ.” Họ hạn chế sử dụng các ngôn từ như “vỡ nợ” trong các thông báo của mình.

Cả 3 hãng xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới là Standard & Poor's, Moody's và Fitch Group cũng cho rằng việc không thể trả nợ đúng hạn cho IMF sẽ không tạo thành một vụ vỡ nợ chính thức. Vì vậy, hậu quả thực sự đối với Hy Lạp khi lỡ hạn thanh toán 30/6 chỉ mang tính tạm thời và không quá lớn, miễn là chính quyền Athens vẫn đàm phán với các chủ nợ để đạt một thỏa thuận.

Chuyên gia chiến lược Zoso Davies của Barclays cho rằng việc không thanh toán kịp khoản nợ vay của Hy Lạp cho IMF có thể không gây ra một làn sóng vỡ nợ từ những khoản nợ của các nước khác hay của nhà đầu tư tư nhân.

Theo chuyên gia tín dụng Kathrin Muehlbronner của Moody’s, một quốc gia hay tổ chức chỉ thực sự bị xác nhận là vỡ nợ nếu không thanh toán được khoản nợ trái phiếu cho các nhà đầu tư tư nhân.

Trái lại, đây sẽ là một đòn mạnh mẽ giáng vào uy tín của IMF. Việc Hy Lạp không thanh toán kịp sẽ ảnh hưởng lâu dài đến tổ chức tài chính quốc tế này bởi IMF sẽ gặp khó khăn hơn trong việc tìm sự ủng hộ với các gói cứu trợ trong tương lai.

Giám đốc kinh tế quốc tế Benn Steil của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR) nhận định IMF sẽ chịu sự giám sát chặt chẽ hơn cũng như sự can thiệp của các nước có thẩm quyền với tổ chức này, bao gồm những cường quốc hay các định chế như khu vực Eurozone.

Nếu Hy Lạp không thanh toán nợ cho IMF vào cuối tháng này, họ sẽ gia nhập câu lạc bộ các quốc gia đang trong tình trạng “thiếu nợ” như Zimbabwe, Sudan và Somalia. Tổng mức thanh toán quá hạn của 3 nước trên với IMF là 1,8 tỷ USD.

Ông Steil nhận định Hy Lạp sẽ có ít động lực để trả nợ cho IMF hơn nếu bị đưa vào danh sách “thiếu nợ.” Hiện tại, tổng mức nợ 26 tỷ USD mà Hy Lạp phải thanh toán cho IMF cao gấp 4 lần tổng số tiền quá hạn thanh toán trong lịch sử của tổ chức tài chính này. Như vậy, chính IMF mới là người cần phải lo lắng nhiều hơn.

Ông Steil cho rằng việc Hy Lạp làm vào tình trạng “thiếu nợ” sẽ làm suy giảm uy tín của IMF tại các thị trường mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ, đặc biệt là khi tổ chức tài chính này đã đầu tư rất nhiều để giúp đỡ chính quyền Athens.

Ngoài ra, việc không thanh toán đúng hạn của Hy Lạp sẽ gây rắc rối cho IMF trong tiến trình thanh toán bởi tổ chức này có một quy trình phức tạp kéo dài trong việc đối phó với các quốc gia “thiếu nợ.”

Điều gì sẽ xảy ra nếu Hy Lạp không kịp thanh toán?

Khi một nước bị lỡ thời hạn trả nợ, IMF sẽ gửi công hàm yêu cầu chính phủ thanh toán đúng hạn. Đồng thời, quốc gia này sẽ không thể vay thêm tiền trước khi trả hết nợ cũ.

Hai tuần sau thời gian đáo hạn, IMF sẽ liên hệ trực tiếp tới thống đốc ngân hàng trung ương hay bộ trưởng tài chính để nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng của vấn đề, thúc giục chính phủ thanh toán khoản nợ đầy đủ và kịp thời.

Sau 1 tháng, Giám đốc Christine Lagarde của IMF sẽ thông báo cho hội đồng điều hành của tổ chức là khoản thanh toán đã bị bỏ lỡ. Khoảng 3 tháng sau ngày 30/6, IMF sẽ đăng tải những thông tin chính thức về các nước “thiếu nợ” trên trang web chính thức.

Trong vòng 2 năm sau khi thời hạn thanh toán bị bỏ qua, IMF có thể bắt đầu kế hoạch buộc Hy Lạp rời khỏi tổ chức này.

Cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ Edwin Truman cho rằng các thủ tục hiện nay của IMF được thiết kế nhằm tạo cơ hội cho các nước đi vay chứ không hoàn toàn dập tắt mọi cơ hội thanh toán. Ông Truman cho rằng quá trình yêu cầu trả nợ đáo hạn của tổ chức này diễn ra rất chậm.

Theo phát ngôn viên của IMF, Giám đốc Lagarde sẽ báo cáo trực tiếp lên hội đồng điều hành tổ chức nếu Hy Lạp không thanh toán vào ngày 30/6 thay vì đợi 1 tháng như theo quy định.