Hé mở chiêu kinh doanh của các ngân hàng - Bài cuối: Thân phận các CEO

Hé mở chiêu kinh doanh của các ngân hàng - Bài cuối: Thân phận các CEO

“Làng” ngân hàng hơn 2 năm qua chóng mặt với cơn lốc thay tổng giám đốc (CEO). Xem ra, thân phận họ chẳng khác nào người giúp việc cấp cao.

Chất chứa nỗi niềm

Tại các ngân hàng thương mại (NHTM) quốc doanh, mối quan hệ giữa chủ tịch và CEO được duy trì trên nguyên tắc đồng thuận, nhưng ai cũng hiểu, về cơ bản, ý chí của chủ tịch luôn chiếm phần quyết định; nếu xảy ra mâu thuẫn sẽ rất khó điều hành.

Đơn cử, thời VietinBank chỉ định ông Nguyễn Văn Thắng, quyền Tổng giám đốc, vào vị trí Tổng giám đốc nhiệm kỳ 2009 - 2014, vai trò điều hành chính vẫn nằm trong tay Chủ tịch HĐQT Phạm Huy Hùng. Agribank thì mấy đời lãnh đạo trước vốn nổi tiếng “đất dữ” vì CEO và chủ tịch “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”.

Thậm chí cao điểm, có đợt cả Chủ tịch HĐQT lẫn Tổng giám đốc ngân hàng này đều được điều chuyển công tác sau những lùm xùm về tín dụng và nợ xấu.

Trong khối NHTM cổ phần, một nhiệm kỳ của CEO thông thường 4-5 năm, nhưng điểm lại 5 năm qua, hơn một nửa các ngân hàng cứ 1-2 năm lại thay CEO một lần. TienPhong Bank trong vòng hai năm có ba CEO, LienvietPostBank thay ba CEO trong vòng bốn năm... 

Gần 40 NHTM, có đến một nửa thay các thành viên chủ chốt trong HĐQT, CEO và hầu hết có thay đổi trong thành viên ban điều hành. Trong làn sóng thay CEO ở NHTM cổ phần, trụ lâu hơn cả ở vị trí CEO đến thời điểm này là ông L. (xin giấu tên), Tổng giám đốc ngân hàng S. (xin giấu tên) với quãng thời gian cả chục năm kể từ ngày ngân hàng này từ nông thôn lên đô thị.

Lý do CEO này được ông chủ ưu ái nghe khó tin: Vì hợp tuổi và phù mệnh cho chủ tịch. Chả vậy mà giới ngân hàng cứ râm ran câu chuyện cách đây 2 năm nhìn đống sổ sách và nợ xấu của ngân hàng này lớn quá, vị CEO này tá hỏa một mực xin xuống làm Phó Tổng giám đốc và điều chuyển vào phía Nam, nhưng ông chủ ngân hàng dứt khoát không đồng ý. Người trong cuộc hiểu rằng, chả phải ông chủ yêu quý gì mà đơn giản “phải giữ để còn chịu trách nhiệm về những gì đã ký”.

Ngược lại, ông chủ ngân hàng A. nổi tiếng thay CEO như thay áo với bản chất phía sau rất đơn giản: “Vắt” xong chất xám, bỗng dưng một ngày đẹp trời mời CEO lên nói lời tạm biệt.

Nhiều năm giữ vị trí quản lý cấp trung và cấp cao trong các ngân hàng, ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc NHTM Phương Đông cho rằng, hầu hết các cuộc đi - ở ngân hàng không phải từ lý do thu nhập. Điều quan trọng nhất chính là cơ hội được làm nghề… “Với tôi, một tổ chức có tài sản và cách làm ăn sạch sẽ, nhỏ nhưng có định hướng, có nền tảng và kỷ luật, có sự phân cấp phân quyền giữa CEO với HĐQT một cách rõ ràng, quan trọng hơn cả”, ông Tùng nói.

Người giúp việc cao cấp

Từng làm việc tại ngân hàng bên Mỹ, ông Nguyễn Trí Hiếu- chuyên gia ngân hàng, nhận xét: “Ở Việt Nam, tập quán quản trị theo lối gia đình rất mạnh. Ở những ngân hàng tôi đã làm việc, họ đưa người thân vào giao những vị trí chủ chốt; một số người thân của các thành viên HĐQT không có khả năng hoặc giới hạn; có người có khả năng nhưng họ điều hành theo kiểu phục vụ cho quyền lợi riêng của họ.

Cụ thể hơn, theo ông Hiếu, nhiều ông chủ mua ngân hàng về để sở hữu “sân trước, sân sau”. “Các ông chủ Việt Nam nghĩ rằng họ là người sáng lập và ngân hàng phải phục vụ họ trong khi Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đang làm mọi cách để đưa các ngân hàng về đúng bản chất: Phục vụ cho cộng đồng, không phải cho cổ đông”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Nói về sự “khó” trong mối quan hệ giữa CEO và “ông chủ”, ông Trương Văn Phước, cựu Tổng giám đốc Eximbank khi mới rời vị trí CEO ngân hàng này về làm Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính từng chia sẻ: “Sẽ có những chuyện như ông chủ ngân hàng yêu cầu CEO rót vốn cho công ty A, B vay là sân sau.

Là một tổng giám đốc, anh phải hiểu rõ khoản cho vay này sẽ đi đâu và có ứng xử thật khéo léo. Nếu không cho vay, có thể anh sẽ không còn là CEO nữa. Ngược lại, nếu chiều lòng ông chủ, đến lúc nào đó cơ quan pháp luật hỏi đến, anh gánh nhiều hậu quả khác. Ở đây, nó đòi hỏi nghệ thuật, kỹ năng giải quyết tình huống. Nếu không, anh sẽ phải chịu những va đập rất khắc nghiệt”.

Một cựu CEO từng “thấm” cách đối xử bạc của “ông chủ” nhận định: Tổng giám đốc nhiều khi chả khác thân phận người làm thuê, vì một số ông chủ coi ngân hàng là của riêng họ. “Hôm nay, bạn có thể là “gà cưng” của họ, tận tâm giúp họ xử lý ngân hàng lúc khó khăn, thậm chí bên bờ khủng hoảng. Ngày mai, khi mọi việc đã tốt lên rồi, vai trò của bạn không còn quan trọng nữa, ông chủ tìm một lý do nào đó để CEO tự hiểu mà ra đi”, vị này nói.

Liên quan câu chuyện nhiều ông chủ hay lạm dụng biến ngân hàng thành sân sau; mới đây, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định: Thời gian tới sẽ tăng cường công tác giám sát thị trường tiền tệ. Theo đó, cơ quan này sẽ lưu ý phân tích và đánh giá thường xuyên việc chấp hành các tỷ lệ, giới hạn an toàn của các tổ chức tín dụng (trọng tâm là mức độ đủ vốn, mức vốn điều lệ thực, tỷ lệ sở hữu ngân hàng, rủi ro thanh khoản và rủi ro tín dụng...).




 

Theo Khánh Huyền