Hậu sáp nhập Sacombank và SouthernBank: Thay đổi quan trọng về cấu trúc cổ đông

NHNN vừa chính thức chấp thuận cuối cùng đối với sáp nhập giữa Sacombank và SouthernBank. Trong nhiều sự thay đổi sau khi sáp nhập thì sự thay đổi về cấu trúc cổ đông là một phần quan trọng của thương vụ này.

sapnhapNHNN sẽ đóng vai trò cổ đông khá quan trọng trong ngân hàng sau sáp nhập

NHNN là cổ đông quan trọng

Trong văn bản chấp thuận nguyên tắc cho Sacombank và SouthernBank sáp nhập vào ngày 12/8, NHNN cũng cho biết, ông Trầm Bê hiện là Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank tự nguyện cam kết ủy quyền (không hủy ngang, vô thời hạn) cho Ngân hàng Nhà nước hoặc tổ chức, cá nhân do cơ quan này chỉ định, thực hiện các quyền theo quy định và điều lệ của hai ngân hàng, đối với toàn bộ số cổ phần tại Sacombank, Southern Bank và tổ chức sau sáp nhập mà ông và các bên có liên quan sở hữu.

Ông Trầm Bê và những người liên quan (bao gồm cả yếu tố gia đình ông - PV) nắm 20,14% cổ phần của SouthernBank và 6,89% cổ phần Sacombank và đã chuyển giao quyền cổ đông của mình tại cả hai ngân hàng cho NHNN.

Như vậy, ông Trầm Bê sẽ không tham gia quản trị, điều hành ngân hàng sau sáp nhập. Đồng thời Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện quyền cổ đông đối với toàn bộ số cổ phần thuộc sở hữu của ông Trầm Bê và những người có liên quan. Sau đó, cơ quan này cử người tham gia quản trị, điều hành ngân hàng, đảm bảo Sacombank hoạt động an toàn và thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu.

Cũng theo cơ quan quản lý, ông Trầm Bê đã cam kết trong quá trình thực hiện đề án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của ngân hàng sau sáp nhập, nếu giá trị tài sản đảm bảo cho các nghĩa vụ nợ của cá nhân và những người có liên quan không đủ, sẽ bổ sung thêm các tài sản khác thuộc sở hữu của mình.

"Có nghĩa là NHNN hiện sẽ đóng vai trò cổ đông khá quan trọng trong ngân hàng sau sáp nhập. Theo đó, mở ra cơ hội về sự thay đổi phong cách quản lý và sự chủ động xử lý nợ xấu trong một vài năm tới" - trong báo cáo mới đây nhất của Công ty chứng khoán HSC đã bình luận như vậy.

Mất 3-5 năm để xử lý nợ xấu

Theo Sacombank, sau sáp nhập, lợi nhuận có thể giảm trong ngắn hạn và nợ xấu có thể tăng, nhưng lợi ích của việc sáp nhập sẽ giúp ngân hàng tăng trưởng nhanh chóng về quy mô. Tỷ lệ chuyển đổi cổ phần là 1 cổ phần của Southern Bank sẽ hoán đổi thành 0,75 cổ phần của Sacombank. Theo đó, dự kiến sau sáp nhập, sẽ chỉ còn một cổ đông năm giữ trên 5% cổ phần, và có 23 cổ đông nắm giữ từ 1-5%, và có 65.022 cổ đông nắm giữ dưới 1% cổ phần.

HSC dự báo Sacombank sẽ cần 3-5 năm để xử lý bảng cân đối kế toán sau sáp nhập

Sau khi sáp nhập tên gọi, thương hiệu của ngân hàng sau sáp nhập sẽ là Sacombank như trước ngày sáp nhập. Thương hiệu Southern Bank sẽ không còn tồn tại.

Điều mà các cổ đông quan tâm nhất đó là việc Sacombank sẽ xử lý như thế nào với khối nợ xấu lớn mà Southernbank đang có.

Theo số liệu mới nhất, nợ xấu của Southern Bank tính đến cuối năm 2014 ở mức 18.786 tỷ đồng. Tuy nhiên trong thời gian qua ngân hàng đã tích cực xử lý nợ xấu và thu hồi nợ được hơn 9.000 tỷ đồng, bán nợ cho VAMC hơn 2.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó Southernbank cũng đã cơ cấu lại nợ 6.768 tỷ đồng để hỗ trợ cho các doanh nghiệp.

Dù nợ xấu tại SouthernBank cao nhưng theo ông Kiều Hữu Dũng - Chủ tịch HĐQT Sacombank cho biết, Sacombank đã lường trước được điều này, đồng thời ông Dũng còn khẳng định, sẽ cố gắng xử lý khoản nợ xấu "khổng lồ" này và dứt điểm những vấn đề gặp phải của ngân hàng sau sáp nhập trong 3 năm và có thể ngắn hơn nếu kinh tế phục hồi tốt.

Ở thời điểm hiện tại, sẽ không có quá nhiều phương án xử lý nợ xấu cho Sacombank lựa chọn và trích lập vào chi phí dự phòng được cho là giải pháp khả thi nhất hiện tại. Do đó, việc Sacombank nhận SouthernBank đồng nghĩa rằng ngân hàng sẽ tạo áp lực lên việc tạo dòng tiền trong tương lai và dòng tiền này phải đủ để tài trợ cho việc xử lý nợ xấu của SouthernBank.

Lường trước điều này, ban lãnh đạo Sacombank đã lên kế hoạch tài chính sau sáp nhập mới với sự sụt giảm một nửa lợi nhuận so với trước đó.

Dù vậy, quan điểm của HSC vẫn thận trọng hơn đối với triển vọng doanh thu lợi nhuận tương lai của ngân hàng. Theo đó, HSC dự báo Sacombank sẽ cần 3-5 năm để xử lý bảng cân đối kế toán sau sáp nhập. Cụ thể, HSC dự báo lợi nhuận trước thuế sẽ là 252 tỷ đồng năm 2015, 966 tỷ đồng năm 2016 và 1.011 tỷ đồng năm 2017. Do tổng thu nhập hoạt động, với tốc độ tăng trưởng CAGR là 15,2% đã bù đắp cho chi phí dự phòng tăng lên và CAGR là 83,92% trong 3 năm 2015-2017 (dự báo chi phí dự phòng năm 2015 là 2.755 tỷ đồng, năm 2016 là 3.560 tỷ đồng và 5.988 tỷ đồng năm 2017).

Southern Bank thành lập năm 1993 với vốn điều lệ 10 tỷ đồng. Sau 22 năm phát triển, nhà băng tăng 400 lần vốn điều lệ, lên 4.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiệu quả kinh doanh của ngân hàng Phương Nam những năm qua không mấy khả quan khi nợ xấu tăng cao, lợi nhuận thấp. Năm 2013, ngân hàng này lãi trước thuế 18 tỷ đồng và 2014 chỉ 17 tỷ đồng.

Sacombank thành lập năm 1991 với vốn điều lệ vỏn vẹn 3 tỷ đồng. Sau 24 năm hoạt động, đến nay nhà băng này đã nâng vốn hơn 4.100 lần, tức lên 12.425 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế luôn đạt và vượt chỉ tiêu với mức trên dưới 3.000 tỷ đồng mỗi năm.