“Hạn chế sự chi phối, thao túng, lợi ích nhóm của ngân hàng”

“Hạn chế sự chi phối, thao túng, lợi ích nhóm của ngân hàng”

Vệc ban hành Thông tư 36 nhằm tạo nên các chuẩn mực mới cao hơn, chặt chẽ hơn và phù hợp hơn về quản trị, an toàn hoạt động ngân hàng và giám sát ngân hàng.

Thông tư 36/2014/TT-NHNN đã được ban hành và sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/2/2015, Thông tư này được cho là sẽ có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với thị trường chính sách tiền tệ. Để thị trường hiểu rõ hơn mục đích ban hành cũng như tác động của Thông tư 36, phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Huyền Anh, Vụ trưởng Vụ Chính sách an toàn hoạt động ngân hàng, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước xung quanh vấn đề này.

Hạn chế sở hữu chéo

- Xin ông cho biết mục đích của Ngân hàng Nhà nước khi ban hành Thông tư này là gì?

Ông Phạm Huyền Anh: Trong thời gian qua, Thông tư 13/2010/TT-NHNN ngày 20/5/2010 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng đã thực sự đi vào cuộc sống, được các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quán triệt thực hiện hiệu quả, góp phần bảo đảm an toàn trong hoạt động đối với từng tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cũng như cả hệ thống. Tuy nhiên, Thông tư 13 đã bộc lộ một số nội dung chưa phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay cũng như quá trình hội nhập quốc tế.

Việc ban hành Thông tư 36 quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhằm sửa đổi những quy định không còn phù hợp, hoàn thiện, bổ sung và tiếp cận sát hơn với thông lệ quốc tế về quản trị ngân hàng và quản lý, giám sát ngân hàng, từng bước thực hiện các quy định của Basel 2 về bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng.

Ngoài ra, nâng cao năng lực quản trị rủi ro, bảo đảm kiểm soát tốt chất lượng hoạt động, khả năng chi trả, thanh khoản, an toàn hoạt động đầu tư, góp vốn, mua cổ phần, cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, góp phần thực hiện có hiệu quả các Đề án tái cơ cấu, xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Bảo đảm hệ thống tổ chức tín dụng Việt Nam phát triển ổn định, bền vững, an toàn, hiệu quả cao trong những năm hậu tái cơ cấu.

Tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động thông qua các cơ chế báo cáo,tự công khai để giám sát của chính nội bộ tổ chức tín dụng, các thành viên góp vốn, cổ đông của tổ chức tín dụng và tăng cường sự giám sát, thanh tra của cơ quan quản lý nhà nước, bảo đảm an toàn trong hoạt động đối với từng tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cũng như toàn hệ thống.

Tạo chuẩn mực quản trị ngân hàng

Bên cạnh đó, Thông tư sẽ hạn chế việc sở hữu chéo không lành mạnh, sự thâu tóm, chi phối của một hoặc một số tổ chức tín dụng đối với tổ chức tín dụng khác thông qua các hoạt động cấp tín dụng, góp vốn, mua cổ phần và các hình thức khác; góp phần thúc đẩy phát triển thị trường vốn, thị trường tài chính, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất - kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội.

Tóm lại, việc ban hành Thông tư 36 nhằm tạo nên các chuẩn mực mới cao hơn, chặt chẽ hơn và phù hợp hơn về quản trị, an toàn hoạt động ngân hàng và giám sát ngân hàng, từ đó thúc đẩy tái cơ cấu và tạo môi trường hoạt động an toàn, lành mạnh cho các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

- Trong Thông tư 36 có quy định tỷ lệ cho vay kinh doanh cổ phiếu của các ngân hàng là 5% vốn điều lệ. Xin ông cho biết, quy định này khác với trước kia như thế nào và sẽ tác động gì đến thị trường chứng khoán?

Ông Phạm Huyền Anh:Chứng khoán bao gồm giấy tờ có giá, trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu Chính phủ, cổ phiếu và quyền mua cổ phần, lựa chọn. Như vậy Thông tư 36 chỉ quy định cấp tín dụng đối với kinh doanh cổ phiếu và thực tế theo số liệu khi xây dựng có đánh giá kỹ thực trạng cấp tín dụng trong hoạt động kinh doanh chứng khoán nói chung và cổ phiếu nói riêng.

Số liệu cho thấy, hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam cấp tín dụng đối với đầu tư cổ phiếu chưa bao giờ vượt quá 4,5%. Do đó, việc quy định cho các tổ chức tín dụng cấp tín dụng riêng cho cổ phiếu là rộng hơn so với hiện hành. Ngoài ra cho vay chứng khoán không chỉ có ngân hàng mà còn có công ty quản lý quỹ, công ty chứng khoán, các nhà đầu tư, tổ chức và cá nhân khác.

Như vậy, quy định mức 5% vốn điều lệ mục đích hạn chế đầu tư vốn dàn trải ra bên ngoài vốn hết sức khó khăn với hệ số rủi ro cao. Bên cạnh đó, nó giúp tập trung nguồn vốn hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển và hạn chế sở hữu chéo, thao túng thị trường giữa các tổ chức tín dụng với nhau.

Tôi xin nhấn mạnh rằng, quy định trên không làm ảnh hưởng tới tình hình đầu tư chứng khoán hiện nay trên thị trường, không cản trở hoạt động đầu tư nhưng sẽ có tác động tích cực hậu tái cơ cấu.

“Hạn chế sự chi phối, thao túng, lợi ích nhóm của ngân hàng” (1)
Giao dịch tại ngân hàng. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

- Ông có thể nói rõ hơn về quy định các điều kiện để ngăn ngừa sở hữu chéo, cạnh tranh không lành mạnh trong hệ thống ngân hàng?

Ông Phạm Huyền Anh:Thông tư 36 quy định người có liên quan của tổ chức và cá nhân. Đây là quy định rất quan trọng để kiểm soát một ngân hàng cùng với thành viên hội đồng quản trị, hội đồng thành viên có sân sau của mình trong hoạt động cấp tín dụng, góp vốn mua cổ phần. Theo đó, trong hoạt động cấp tín dụng ngân hàng và tổ chức tín dụng phải thường xuyên cập nhật danh sách cổ đông khi có sự thay đổi. Phải công khai trước đại hội cổ đông về khoản cấp tín dụng cho các công ty cho doanh nghiệp và đặc biệt người có liên quan là công ty của hội đồng quản trị và hội đồng thành viên.

Bởi vì, sở hữu chéo bản thân nó không xấu nhưng nếu sở hữu của một cá nhân, một tổ chức và người có liên quan ở mức độ nhất định có thể chi phối hoạt động của một ngân hàng khác, từ đó dẫn tới sự không minh bạch về chất lượng tín dụng và dòng tiền chảy vào nền kinh tế. Do đó, việc quy định giới hạn cấp tín dụng giữa các công ty con của ngân hàng, giữa ngân hàng với các thành viên công ty con, sân sau ở đây là một biện pháp hạn chế sự chi phối, thao túng, lợi ích nhóm phía sau.

- Vậy cơ chế kiểm soát sở hữu chéo sau khi Thông tư này có hiệu lực sẽ như thế nào, thưa ông?

Ông Phạm Huyền Anh:Cơ chế quy định, thứ nhất về cấp tín dụng và thứ hai góp vốn mua cổ phần, hầu hết thông qua 2 hình thức này dẫn tới sở hữu chéo, thâu tóm không lành mạnh.

Về cấp tín dụng, thông tư quy định chặt chẽ việc cấp tín dụng cho một khách hàng là người có liên quan, là sân sâu của các đối tượng bị hạn chế cấp tín dụng. Thứ hai, tổng mức góp vốn mua cổ phần của ngân hàng thương mại và người có liên quan bao gồm các đối tượng chi phối hoặc lãnh đạo, quản trị điều hành đối với ngân hàng thương mại khác. Việc quy định tổng mức bao gồm 2 đối tượng trên ở mức 5% sẽ giới hạn sở hữu chéo, bao gồm thao túng và lũng đoạn.

- Xin cảm ơn ông!
!

Thông tư 36:

>>Thông tư 36: “Chắc chắn sẽ bất lợi cho không ít ngân hàng” 


>>“Thông Tư 36 không làm giảm lượng margin trên thị trường!”


>> Bài 2: Ông Winston Lu-Giám đốc Phân tích CK Phú Hưng: Có thông tư 36, dòng vốn chảy vào TTCK sẽ chất lượng hơn


>>Bài 1: "Thông tư 36 chưa ảnh hưởng trực tiếp đến dòng vốn trên TTCK"


>> Thông tư 36: Điểm danh những khoản đầu tư trên 5% của ngân hàng tại TCTD khác


>> Áp dụng Thông tư 36: Dư nợ dành cho đầu tư cổ phiếu sẽ là bao nhiêu?


>>NHTM được sử dụng tối đa 60% vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn


>>NHNN hạ hệ số rủi ro các khoản cho vay chứng khoán, bất động sản xuống mức thấp nhất theo thông lệ


>> Không cho vay kinh doanh cổ phiếu quá 5% vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại


>> Ngân hàng thương mại chỉ được mua, nắm giữ cổ phiếu tối đa không quá 2 TCTD khác


Theo Thúy Hà