Rủi ro lãi suất cao
Tín dụng tiêu dùng trong thời gian gần đây được đánh giá là lĩnh vực nhiều tiềm năng trong dịch vụ tài chính tại Việt Nam. Nhu cầu của người dân trong tiêu dùng cá nhân cũng ngày càng cao, từ mua sắm đồ dùng gia đình cho đến những đồ dùng có giá trị lớn hơn như xe ô tô hay nhu cầu kinh doanh buôn bán…
Dù vậy tín dụng tiêu dùng mới chiếm khoảng 6% tổng dư nợ trong nền kinh tế, so với các nước trên thế giới khoảng 15-25%, thậm chí những nước phát triển lên đến 30-40% tổng dư nợ.
Người tiêu dùng có thể bị nhầm lẫn giữa lãi suất NH với lãi suất vay tại CTTC. Sản phẩm người dân vay tại CTTC so với lãi suất phi NH không cao. Các NH cũng tham gia thị trường bán lẻ với những món cho vay nhỏ lẻ ở các chợ nhưng không đi sâu vì không chấp nhận rủi ro. Vì thế, rủi ro cao hơn lãi suất cũng cao hơn, đó là lĩnh vực của CTTC. Vấn đề quan trọng của người vay là quản lý dòng tiền trả nợ. Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển |
Với dư địa còn quá lớn như vậy càng dễ hiểu tại sao ngày càng nhiều CTTC đang đua nhau thị phần cho vay tiêu dùng cá nhân. Theo đó, nhân viên của các đơn vị này xuống tận các trung tâm mua sắm, cửa hàng kinh doanh xe máy, ô tô, điện tử, hàng gia dụng, thậm chí ở các chợ với nhiều hình thức tư vấn trực tiếp hoặc thông qua các hình thức khác như điện thoại, tin nhắn.
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, TP hiện có khoảng 2.200 điểm giao dịch cung cấp sản phẩm tài chính với đội ngũ hơn 100.000 nhân viên. Với thủ tục nhanh gọn, không cần tài sản thế chấp, giải ngân nhanh kể cả những món vay nhỏ lẻ, vay trả góp đang hấp dẫn những người có nhu cầu. Thế nhưng lãi suất khách hàng phải trả thường cao hơn so với vay vốn ở NH với lý do mức độ rủi ro của cho vay tiêu dùng cao hơn so với cho vay thông thường.
Khảo sát tại một siêu thị điện máy lớn áp dụng chương trình trả góp tiêu dùng thông qua các CTTC là FE Credit, Home Credit… với khoản vay 3-60 triệu đồng, thời hạn 9-24 tháng có lãi suất 1,99%/tháng. Còn tại chuỗi mua sắm hàng điện tử cũng cho biết hợp tác các CTTC là ACS, Home Credit và FE Credit để cung cấp dịch vụ trả góp.
Chẳng hạn muốn mua một máy tính xách tay giá trị 6,5 triệu đồng khách hàng có thể mua trả góp từ 490.000 đồng với lãi suất 33,74%/năm. Thời gian giải quyết các hồ sơ vay vốn ở đây được giới thiệu chỉ 1-4 giờ. Tại buổi tọa đàm "Quản trị rủi ro trong vay tiêu dùng tín chấp", ông Nguyễn Hoàng Minh cho rằng lãi suất cho vay tín dụng đen rất cao, rủi ro lớn. Để thị trường được phát triển tích cực, việc các CTTC cho vay mua hàng trả góp là điều cần thiết. So với NH, CTTC dù không có lợi thế về lãi suất, nhưng lại có kinh nghiệm biết rõ về người tiêu dùng.
Nên chọn đơn vị có uy tín
Mới đây, Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương cho biết liên tục tiếp nhận các phản ánh và khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến dịch vụ tín dụng tiêu dùng. Theo đó, nhân viên tư vấn không thông báo đầy đủ, chính xác về mức lãi suất của hợp đồng tín dụng tiêu dùng, cách thức tính lãi phạt, thời hạn phải trả tiền hàng tháng và một số điều khoản đặc biệt trong hợp đồng.
Thiếu sót này khiến người tiêu dùng không biết chính xác về nghĩa vụ của mình, dẫn tới thực hiện sai hợp đồng và phát sinh khoản tiền phạt. Trong quá trình thu hồi nợ, người thân của họ cũng bị nhân viên thu hồi nợ thường xuyên liên hệ để tác động, kèm theo đe dọa nhằm thu hồi nợ của khách hàng. Thậm chí, nhiều cuộc gọi và tin nhắn được thực hiện lúc đêm khuya với tần suất trên dưới 10 cuộc/ngày.
Luật sư Bùi Quang Nghiêm, Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư TPHCM, cho biết hợp đồng tín dụng cho vay không thế chấp của các CTTC thường nhiều chữ, nội dung rắc rối, khó hiểu. Chính vì thế, việc vay tiêu dùng nhiều khi bị hiểu là cho vay nặng lãi.
Ông Kalidas Ghose, Tổng giám đốc FE Credit, giải thích lãi suất cho vay tiêu dùng cao hơn so với bình thường do bản chất của tín dụng tiêu dùng là phục vụ những khách hàng không có khả năng tiếp cận với dịch vụ của NH. Hơn nữa, lãi suất tín dụng tiêu dùng ít phụ thuộc vào chi phí huy động vốn nên có chiều hướng giảm chậm. Theo ông Ghose, trong thị trường cạnh tranh CTTC thường thoáng về thủ tục. Quan trọng là các cơ quan phải đánh giá kịp thời hoạt động của đơn vị đó. Vấn đề không phải lãi suất rẻ hay mắc, mà số tiền vay có hợp lý không, người vay phải có kế hoạch quản trị tiêu dùng cá nhân.
![]() |
Người tiêu dùng cần tham khảo các hình thức tín dụng tại NH. Ảnh: LONG THANH |
Với tiềm năng cao nên hoạt động cho vay tiêu dùng những năm trở lại đây trở nên nóng hơn. Nhiều đánh giá cho rằng đây là xu thế phát triển tất yếu khi xã hội phát triển sẽ kéo theo những dịch vụ tài chính đi kèm. Tuy nhiên, những tranh chấp, kiện tụng liên quan đến tín dụng tiêu dùng cũng ngày càng nhiều. Nguyên nhân xuất phát từ người đi vay không đọc kỹ trước khi quyết định vay, nên khi thực hiện nghĩa vụ trả nợ cứ nghĩ mình bị "ăn gian". Mặt khác đơn vị cho vay do muốn đẩy doanh số bán hàng nên không có những tư vấn kỹ càng cho người đi vay.
Nhiều chuyên gia khuyến cáo người vay nên lựa chọn các công ty, tổ chức cung cấp dịch vụ cho vay có uy tín. Tham khảo, hỏi ý kiến người thân, bạn bè hoặc tham khảo thông tin trên mạng internet để xem các đánh giá của cộng đồng người tiêu dùng về dịch vụ, uy tín của công ty cung cấp dịch vụ trước khi quyết định ký hợp đồng. Bản thân người đi vay phải tự bảo vệ mình, cần tham khảo các hình thức tín dụng tại các NH. Nếu không còn lựa chọn nào khác mới tham khảo hình thức tín dụng tiêu dùng tại các CTTC.