Hạ lãi suất không phải là công cụ duy nhất để kích tín dụng

Hạ lãi suất không phải là công cụ duy nhất để tăng trưởng tín dụng. Và tăng trưởng tín dụng như mục tiêu đề ra từ 12-14% cũng không quan trọng bằng việc đạt đến chất lượng, thực chất tín dụng.

Tiến sĩ (TS) Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng khẳng định như vậy với Báo điện tử Tổ Quốc trước động thái hạ lãi suất huy động và cho vay của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bắt đầu từ ngày 29/10.

Hạ lãi suất chỉ tạo ra một kích thích nhỏ

Ngày 29/10, trần lãi suất tiết kiệm ngắn hạn (dưới 6 tháng) từ 6% xuống còn 5,5%. Đồng thời, lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên cũng giảm từ 8% xuống 7%. TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng động thái này sẽ gây tác động đến tỷ giá cũng như huy động của các ngân hàng.

Khi sự chênh lệch giữa lãi suất tiền VND và đôla Mỹ kéo hẹp lại, người dân sẽ cảm thấy gửi tiết kiệm VND không có lợi nhiều và họ sẽ chuyển sang gửi tiết kiệm bằng đôla Mỹ. Vì thế đôla Mỹ sẽ bị đẩy tỷ giá lên.

Tuy vậy, ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, khả năng hút vốn của kênh này không cao vì đôla Mỹ hiện nay ít biến động, khả năng sinh lời thấp. Ngoài ra, NHNN đang có lượng dự trữ ngoại hối lớn nên giá đôla Mỹ bị ảnh hưởng thì NHNN vẫn đủ nguồn lực để can thiệp .

Chuyên gia này cũng dự báo:" Sẽ không có sự dịch chuyển lớn nào từ dòng tiền gửi tiết kiệm sang đầu tư chứng khoán, bất động sản hay vàng…Dù lãi suất huy động có hạ song mức lãi suất như hiện tại không thấp nên vẫn khuyến khích được tiền gửi từ người dân".

Và theo chuyên gia này, gửi tiết kiệm vẫn là kênh an toàn nhất.


Hạ lãi suất không phải là công cụ duy nhất để tăng trưởng tín dụng

Tăng trưởng tín dụng: Cần thực chất hơn con số

Theo số liệu của NHNN, tính đến 24/10, cho vay toàn hệ thống tăng 7,85% so với cuối năm 2013. Như vậy, chỉ còn hai tháng sẽ hết năm nhưng mục tiêu tăng trưởng tín dụng mới đạt được hơn nửa chặng đường.

Dù đồng tình với chủ trương của NHNN, song ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc hạ lãi suất chỉ là một trong những công cụ góp phần thúc đẩy tín dụng chứ không phải là công cụ duy nhất.

"Tình trạng của nền kinh tế thể hiện qua lạm phát. Hiện lạm phát đang ở mức 2,36%, chứng tỏ tổng cầu thấp. Con số lạm phát thấp như vậy thể hiện nền kinh tế đang rất trì trệ, chứ không phải do chúng ta kiểm soát tốt lạm phát", ông Hiếu nói.

Vì thế, chuyên gia này cho rằng, điều quan trọng tại thời điểm này không phải là bắt buộc chạy theo chỉ tiêu tín dụng như mục tiêu đã đặt ra là từ 12-14% mà quan trọng là chất lượng của tín dụng.

"Tín dụng đạt 8-10% là được. Chúng ta không nhất thiết phải chạy theo con số. Mục đích là chất lượng, thực chất của tín dụng. Tín dụng phải được đổ vào những lĩnh vực cần thiết, đặc biệt là sản xuất kinh doanh, những công trình quan trọng và hiệu quả của Chính phủ…", chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu phân tích.

Và để thúc đẩy hoạt động hiệu quả của DN, ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, cần phát triển mạnh mẽ hơn nữa quỹ bảo lãnh tín dụng. Quỹ này sẽ hỗ trợ DN vay vốn một cách hiệu quả trong trường hợp DN không thể vay vốn từ ngân hàng bởi những điều kiện ràng buộc.

Theo ông Hiếu, ở Việt Nam loại hình quỹ này đã và đang hoạt động, song bị phân tán tại các địa phương với vốn điều lệ quá thấp. Quá trình hoạt động của vốn lại không chuyên nghiệp. Vì thế, ông Hiếu cho rằng, cần tập trung quỹ tại trung ương, các thành phố lớn để dễ quản lý, tránh gây phiền hà cho DN.

Cùng quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định, để giúp các DN hoạt động hiệu quả hơn nữa, cùng với việc hạ lãi suất vẫn rất cần thêm các sự hỗ trợ khác từ phía Chính phủ như nới rộng về các điều kiện thế chấp, thời gian cho vay, giảm tồn kho...

Và quan trọng vẫn là liệu DN có nhiều nhu cầu vay vốn hay không?

"Sự khó khăn của DN không chỉ ở vốn mà còn rất nhiều những vấn đề khác nữa. Vì thế, không phải cứ tăng trưởng tín dụng cao là tốt mà quan trọng là thực chất của tín dụng như thế nào? Theo tôi, chất lượng tín dụng phụ thuộc vào DN và ngân hàng. DN phải nâng cao cạnh tranh, chứ vay được vốn mà không hoạt động hiệu quả thì cũng bỏ đi. Về phía ngân hàng, không nên nhắm mắt cho vay bừa và cần phải có biện pháp chống rủi ro đạo đức", ông Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh./.