GP.Bank hy vọng là ngân hàng thí điểm bán 100% vốn cho nước ngoài

GP Bank cho biết ngân hàng đang nỗ lực làm việc với các đối tác và quyết tâm hoàn thành việc này trong năm nay.

Thông tin về hoạt động tái cơ cấu hệ thống ngân hàng tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ ngày 1/4/2014 cho biết, trong số 9 tổ chức tín dụng tái cơ cấu đợt 1 thì GP.Bank đang trong quá trình hoàn tất với đối tác nước ngoài.

Theo đó, Tập đoàn United Overseas Bank Limited (UOB) của Singapore đã được NHNN cho phép tiếp cận GP.Bank, dự kiến mua lại 100% cổ phấn của ngân hàng này. ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Dầu khí Toàn Cầu (GP.Bank) về vấn đề này. Hà An thực hiện.

Thưa ông, kể từ thời điểm UOB được phép tiếp cận để mua cổ phần của GP.Bank, việc đàm phán với các đối tác nước ngoài đã được Ngân hàng tiến hành ra sao?

UOB là đối tác đã làm việc và có những tìm hiểu sâu về GP.Bank, chúng tôi cũng mong muốn là hai bên đi đến thống nhất. Bên cạnh đó, có một số đối tác nước ngoài đến từ Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Hà Lan, Thái Lan, thậm chí cả đối tác trong nước cũng đã đặt vấn đề và làm việc với GP.Bank về việc tham gia hợp tác tái cơ cấu. Chúng tôi đang trong quá trình triển khai tích cực và hy vọng sẽ là ngân hàng thí điểm được bán 100% cổ phẩn cho nước ngoài theo Nghị định 01/2014/NĐ-CP của Chính phủ.

Một vấn đề thị trường rất quan tâm đó là vấn đề thanh khoán của các ngân hàng đang trong giai đoạn tái cơ cấu. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn từ trường hợp của GP.Bank?

Như chúng ta đã biết, trong 9 tháng đầu năm 2014, kinh tế' vĩ mô tiếp tục được cải thiện, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, nền kinh tế dần phục hồi và đạt mức tăng trưởng khá. Thị trường tiền tệ vững vàng với lãi suất giảm và ở mức thấp, tỷ giá cơ bản ổn định...

Những yếu tố này cùng với nỗ lực của hệ thống nên thanh khoản của các tổ chức tín dụng dồi dào và rủi ro thanh khoản không lớn. Các tài sản có tính thanh khoản cao dù mới đến cuối tháng 6/2014 đã tăng gấp 3 lần tốc độ tăng trong cả năm 2013, cho thấy dự trữ thanh khoản của toàn hệ thống ngân hàng không ngừng được nâng lên. Thị trường có thể có những thông tin "đồn thổi" nhưng thực tế, thanh khoản của toàn hệ thống, trong đó có GP.Bank đang rất tốt.

Việc sử dụng nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào quá trình tái cơ cấu được kỳ vọng mang lại nhiều hiệu quả tích cực, nhưng trong bối cảnh GP.Bank chưa "chốt" việc lựa chọn đối tác chính thức thì tiến trình tái cơ cấu của GP.Bank đươc triển khai thế nào?

Thực hiện chủ trương của Chính phủ và NHNN trong việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, GP Bank đang nỗ lực lớn trong việc xây dựng đề án tái cơ cấu của mình. Bên cạnh việc lựa chọn để đàm phán với các đối tác trong và ngoài nước, Ngân hàng đã củng cố bộ máy tổ chức, tích cực xử lý nợ xấu, cơ cấu lại các khoản đầu tư kém sinh lời, xây dựng hình ảnh và mô hình hoạt động mới hiện đại, thân thiện, hướng đến khách hàng và tiếp cận quy chuẩn quốc tế. Cùng với đó là phát triển nhiều sản phẩm, dịch vụ mới phù hợp với xu hướng phát triển nhanh của thị trường trong thời kỳ bùng nổ công nghệ như chuyển tiền, thanh toán điện tử, tiết kiệm điện tử, cho vay Online... Các chi nhánh, phòng giao dịch được bố trí, sắp xếp lại theo định hướng ngân hàng chuyên nghiệp, hiện đại.

Được biết, trước đây GP.Bank là một trong những ngân hàng rất quan tâm đến việc phát triển và ứng dụng công nghệ vào công tác quản lý và phát triển dịch vụ. Ông có chia sẻ gì về chiến lược đó trong giai đoạn tái cơ cấu này?

Chúng tôi vẫn luôn kiên trì theo đuổi và phát triển công nghệ nhằm đảm bảo cho hoạt động của Ngân hàng luôn ở mức tốt nhất, vì GP.Bank đã xác định đây là một trong những chiến lược mấu chốt để phát triển. Những sản phẩm, dịch vụ ứng dụng công nghệ hiện đại mà GP.Bank đưa vào triển khai trong thời gian qua đã nhận được sự phản hồi tích cực từ phía khách hàng. Dẫn chứng gần đây nhất là trong cuộc bình chọn Ngân hàng điện tử được yêu thích do Báo VnExpress phối hợp với Smartlink đang triển khai, đã 3 tuần liên tiếp GP.Bank luôn đứng trong Top 10 ngân hàng được quan tâm nhất. Đây là đánh giá khách quan của khách hàng và có ý nghĩa rất quan trọng đối với chúng tôi trong việc hoạch định chiến lược phát triển công nghệ của mình. Đương nhiên, đây cũng là một trong những nội dung quan trọng trong chiến lược tái cơ cấu GP.Bank.

Quay lại vấn đề tái cơ cấu ngân hàng, GPBank có kế hoạch cụ thể như thế nào, thưa ông?

Chúng tôi đang nỗ lực làm việc với các đối tác và quyết tâm hoàn thành việc này trong năm nay.