Gói 16.000 tỷ: Hơn 2 tháng không cho vay được 1 đồng!

Sau hơn 2 tháng gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng cho ngư dân đóng mới tàu đánh bắt xa bờ được triển khai, đến thời điểm này cả ngư dân và ngân hàng đều muốn vay và cho vay nhưng theo thống kê của các ngân hàng thương mại vẫn chưa có ngư dân nào được vay vốn.

Thông tin trên được đưa ra tại buổi đối thoại trực tuyến với chủ đề "Để ngư dân vững vàng vươn khơi" được tổ chức sáng nay (4/10) tại Cổng thông tin điện tử Chính phủ.

Theo ông Phạm Ngọc Tuấn, Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Bộ NN&PTNT, việc ban hành Nghị định 67 về chính sách hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ đã đạt được nhiều kỷ lục như thời gian ban hành, số lượng văn bản hướng dẫn triển khai và các nội hàm trong chính sách của Nghị định.

Ông Tuấn cho biết, một trong những chính sách quan trọng nhất của Nghị định là việc đầu tư đóng mới nâng cấp và phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ hiện đại với chính sách thông thoáng, dễ tiếp cận về thời gian vay vốn và ưu đãi.

Tuy nhiên, để nguồn vốn tới được với bà con ngư dân thì một trong những yêu cầu tại Thông tư 22 của Ngân hàng Nhà nước quy định, các hộ muốn vay vốn phải nằm trong danh sách được Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt, sau đó mới liên hệ với ngân hàng để vay vốn. Song đến nay chưa có tỉnh nào phê duyệt xong danh sách để bà con ngư dân tham gia chương trình.

Là đơn vị trực tiếp giải ngân gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng, ông Lê Trung Thành, Phó Tổng Giám đốc, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, ngay khi Nghị định 67 được ban hành và có hiệu lực, đơn vị này đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai và quán triệt đến cán bộ nghiệp vụ cơ sở để chủ động đến với bà con ngư dân tại các địa phương, nắm bắt nhu cầu vay vốn, đảm bảo khi Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phê duyệt danh sách các hộ đủ điều kiện sẽ giải ngân ngay để rút ngắn được thời gian.

Ảnh minh họa


Sau 2 tháng triển khai gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng đến nay các ngân hàng chưa giải ngân được đồng vốn nào cho ngư dân đóng mới tàu đánh bắt xa bờ.


Còn theo ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hiệp hội Nghề cá Thành phố Đà Nẵng, trong 3 năm qua việc tiếp cận vốn ngân hàng rất khó do lãi suất ngân hàng quá cao, trong khi đó việc điều tiết vốn vay ngân hàng cho nghề cá càng khó vì nhiều rủi ro nên sau khi Nghị định 67 ra đời và có hiệu lực, nhân dân rất phấn khởi.

Theo ông Chủ tịch Hiệp hội Nghề cá Thành phố Đà Nẵng, để Nghị định đến với người dân, hiệp hội đã giải thích đây không phải chương trình xóa đói giảm nghèo hay mang tính chất xã hội, mà là chương trình làm ăn kinh tế theo hướng hiện đại hóa, cũng không phải là vốn cho không mà là có vay có trả, để ngư dân nắm bắt được tinh thần, có quyết định đúng đắn với khả năng làm ăn của mình.

Theo ông Lĩnh, hiện nay Đà Nẵng có 158 tổ chức, cá nhân đăng ký đóng mới 180 tàu; trong đó có 23 tàu dịch vụ khai thác hải sản, 157 tàu khai thác. Tuy nhiên, theo chỉ tiêu phân bổ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đà Nẵng chỉ nhận được 47 chiếc đóng mới, trong đó có 8 chiếc hậu cần. Vì vậy, Ủy ban Nhân dân Thành phố Đà Nẵng phải xét duyệt danh sách để giới thiệu đối tượng vay cho ngân hàng.

"Công tác xét duyệt danh sách mới dừng lại ở mức nộp đơn, chờ bình xét chưa có bước phát triển thêm. Hiện Đà Nẵng đã có dự thảo, đầu tháng 12 tới đây sẽ ban hành tiêu chuẩn, giải thích rõ ràng cho bà con ngư dân về các trường hợp được xét chọn", ông Lĩnh cho biết.

Giải thích về việc sở dĩ phải phân bổ số lượng các tàu được đóng mới cho các địa phương, ông Phạm Ngọc Tuấn, Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho biết, hiện cả nước có 117.000 tàu các loại, trong đó tàu khai thác xa bờ là 28.000 tàu. Vì vậy, số lượng quy định để phát triển đóng mới trong thời gian tới là 2.079 tàu.

Việc phân bổ 2.079 tàu cho 29 tỉnh ven biển được căn cứ vào tình hình sản xuất khai thác xa bờ của địa phương, trình độ phát triển khai thác xa bờ của các địa phương, do đó sẽ có tỉnh được phân bổ nhiều, có tỉnh được phân bổ ít. Đối với các địa phương có nhu cầu đóng mới tàu lớn hơn so với phân bổ thì trách nhiệm của Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng chỉ được phê duyệt bằng với số tàu được phân bổ.

Theo ông Tuấn, thời gian tới đơn vị này sẽ đánh giá lại việc triển khai Nghị định 67, nếu địa phương nào chưa sử dụng hết chỉ tiêu được phân bổ thì sẽ điều chuyển cho các tỉnh làm tốt hơn.

"Do được tuyên truyền tốt nên ai cũng háo hức tham gia dẫn đến quá tải, khó xét duyệt. Trong khi đó, công tác thẩm định ở địa phương còn hạn chế và việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa có mẫu tàu vỏ thép nên ngư dân cũng chưa nắm bắt được rõ ràng nên chưa đăng ký", ông Tuấn giải thích về lý do đến thời điểm này chưa có tỉnh nào phê duyệt được danh sách ngư dân được vay vốn hỗ trợ đóng mới tàu đánh bắt xa bờ từ gói 16.000 tỷ đồng.