Góc khuất tăng trưởng tín dụng

NHNN đã mua vào ít nhất 10 tỉ đô la Mỹ kể từ đầu năm. Con số này có thể cao hơn vì 35 tỉ đô la đã được nhắc đến từ cuối quí 2-2014, trong khi quốc gia cần phải chi tiêu cho những mục đích quan trọng và quỹ không thể chỉ có vào mà không có ra.

Ngay cả trong những ngày tỷ giá hối đoái “nhấp nhổm sóng”, cơ quan quản lý ngành ngân hàng khẳng định các tổ chức tín dụng tiếp tục bán ngoại tệ cho NHNN. Nguồn cung ngoại tệ dồi dào ấy ở đâu ra? Từ xuất khẩu, kiều hối, đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài, từ vay ngoại tệ... và từ người dân chuyển tài sản qua nắm giữ tiền đồng. Các nguồn trên đều tính toán được, ngoại trừ dòng chảy ngoại tệ không chính thức từ bên ngoài vào.

Sự ổn định của tỷ giá đã thúc đẩy rất nhiều doanh nghiệp vay vốn từ bên ngoài để tận dụng tiền rẻ thay vì vay các ngân hàng trong nước. Sự vay mượn có thể xuất phát từ công ty mẹ, từ mua bán nguyên vật liệu đầu vào, sản phẩm đầu ra. Nguồn tiền đó có thể được tính vào vốn đầu tư, có thể không (chẳng hạn trong trường hợp vay làm vốn lưu động). Nó đã, đang và sẽ còn thay thế cho tín dụng nội tệ.

Mức sụt giảm tín dụng không có nghĩa là nền kinh tế cần ít tiền hơn mà vẫn tăng trưởng, mà đơn giản chỉ là nền kinh tế không còn cần tiền ngân hàng đến nước phụ thuộc hoàn toàn như trước.

Tín dụng tăng trưởng chậm và khó khăn một phần bởi doanh nghiệp, cá nhân đã tìm ra nguồn tiền khác thay thế. Trước đây cho vay tiêu dùng phát triển mạnh mẽ (kể cả cho vay bất động sản núp dưới bóng tiêu dùng), nay co hẹp. Người ta sử dụng vốn tự có, vay mượn người thân dễ dàng hơn trong điều kiện lãi suất tiết kiệm xuống thấp.

Trong báo cáo tài chính của các ngân hàng, rất ít nơi còn phân loại cho vay doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, nhưng điều có thể thấy rõ là tiền ngân hàng tập trung vào khu vực quốc doanh, một tỷ lệ nhất định cho khu vực dân doanh và hộ cá thể. Khu vực vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã không còn nhất nhất nhờ cậy vào các ngân hàng nội địa.

Như vậy, mức sụt giảm tín dụng không có nghĩa là nền kinh tế cần ít tiền hơn mà vẫn tăng trưởng, mà đơn giản chỉ là nền kinh tế không còn cần tiền ngân hàng đến nước phụ thuộc hoàn toàn như trước. Nói một cách khác, hệ thống ngân hàng nội địa đang tự đánh mất dần vai trò của nó như một kênh cung ứng vốn thống lĩnh cho kinh tế phát triển.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp đã rút ra bài học xương máu từ sử dụng đòn bẩy tài chính trong thời kỳ 2006-2010. Thời ấy vay tiền ngân hàng dễ quá, công ty nào cũng ham. Tiền vay được đổ vào mọi dự án, kể cả những dự án chưa được thẩm định kỹ càng. Giờ thì khác, phải tính toán đầu ra, chắc ăn mới đến gõ cửa ngân hàng.

Đó là sự chuyển biến đáng mừng từ phía người đi vay mà có lẽ ngân hàng chưa theo kịp. Câu chuyện của ngân hàng vẫn xoay quanh lãi suất. Họ la lên lãi suất thấp lắm rồi (đúng thế thật), họ đi tiếp thị doanh nghiệp, họ chào mời ưu đãi... Ngân hàng chỉ quên một điều là doanh nghiệp đã tỉnh ngộ, nếu làm ăn không có lời, thì lãi suất thấp thế, chứ thấp hơn nữa họ cũng không vay.

Suốt thời gian qua, nếu soi kỹ cơ cấu tăng trưởng tín dụng, có thể thấy bức tranh mà NHNN công bố, theo đó vốn được giải ngân chủ yếu cho các lĩnh vực ưu tiên như xuất khẩu, nông nghiệp - nông thôn, công nghiệp phụ trợ... là khá hợp lý. Các ngân hàng lớn quốc doanh và nửa quốc doanh đều rót vốn vào đây nhờ giá thành đồng vốn đầu vào thấp do thứ nhất có tiền huy động từ các doanh nghiệp nhà nước, kho bạc với lãi suất không kỳ hạn, thứ hai được vay tái cấp vốn. Hai nguồn trên đã san sẻ, giúp giảm giá thành đồng vốn huy động từ dân cư, từ đó có điều kiện “bơm” vốn cho các lĩnh vực ưu tiên.

Sẽ là thiếu sót nếu bỏ qua vai trò của đảo nợ đối với tăng trưởng tín dụng. Thống đốc thừa nhận với Ủy ban Thường vụ Quốc hội con số tuyệt đối nợ xấu lên tới 500.000 tỉ đồng. Nhờ tái cơ cấu nợ, nợ xấu hiện ở mức 262.000 tỉ đồng. Tính ra, gần một nửa nợ xấu đã được đảo nợ, tức là ngân hàng cho vay mới để trả nợ cũ và không tính số cho vay mới vào tăng trưởng tín dụng. Nếu tính thì con số khoảng 240.000 tỉ đồng đảo nợ trên tổng dư nợ ước 3,5 triệu tỉ đồng tương đương 6-7% của tăng trưởng tín dụng. Từ đây chúng ta có được con số thực của tăng trưởng tín dụng là bao nhiêu.

NHNN chưa bao giờ thống kê cho dư luận rõ trong thành phần nợ được tái cơ cấu, nợ xấu bất động sản đã được đảo nợ ở mức độ nào so với các lĩnh vực khác. Một khi có được con số chính xác đảo nợ bất động sản, sẽ hiểu ngay tín dụng bất động sản đang ở mức nào và sự đóng băng của thị trường này kéo dài đến khi nào.

Mức độ tăng trưởng tín dụng và nợ xấu ở các ngân hàng khác nhau. Không có gì ngạc nhiên là nợ xấu càng cao, tăng trưởng tín dụng càng thấp. Vốn huy động được sử dụng cho đảo nợ, còn đâu vốn để cho vay? Mà không phát triển tín dụng mới, sẽ không có lợi nhuận, không có nguồn để trích lập dự phòng rủi ro, để xử lý nợ xấu... cái vòng luẩn quẩn mãi giằng co!

Không ít người hoài nghi cứ vào quí 3 và nhất là quí 4 hàng năm tín dụng lại tăng ào ào. Có giải thích là quy luật mang tính thời vụ. Một số ngân hàng nói họ phải “xốc tới” cho vay để đạt chỉ tiêu cả năm. Quí 4 này chắc cũng tương tự.