Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu đến hết năm 2015 nợ xấu toàn hệ thống sẽ dưới mức 3%
Đốc thúc tiến độ
Tiến sĩ Trần Du Lịch- Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội- phân tích, theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu trên toàn hệ thống hiện ở mức 4,17% tổng dư nợ. Tính đến tháng 8/2014, tổng nợ xấu đã được các ngân hàng xử lý khoảng 210.000 tỷ đồng, còn lại khoảng 161.000 tỷ đồng. Nếu không giải quyết dứt điểm, đây chính là điểm nghẽn làm nền kinh tế không hấp thụ được vốn, tạo nguy cơ gây bất ổn trong hệ thống ngân hàng thương mại. Vấn đề quan trọng hơn nữa là làm sao tốc độ xử lý nợ xấu phải nhanh hơn tốc độ phát sinh nợ xấu mới.
Liên quan đến nợ xấu trên thị trường hiện nay có 3 loại doanh nghiệp (DN): các DN hoạt động tốt và đã vượt qua khủng hoảng; các DN có nợ xấu và lan tỏa nợ xấu sang các DN khác; các DN "chết lâm sàng". Theo đó, Chính phủ đã bắt đầu tập trung gỡ tín dụng cho nhóm thứ 2 và nếu gỡ được nhóm này sẽ giúp giảm bớt nợ xấu. Ông Lịch nhấn mạnh, nợ xấu được sinh ra từ thị trường thì cần giải quyết nó bằng các giải pháp thị trường. Trong đó cần tạo lập thị trường mua bán nợ; hoàn thiện, thực hiện nghiêm chỉnh các quy định pháp luật về bảo đảm thực thi hợp đồng, trước hết là các hợp đồng vay vốn, thế chấp tài sản… Ngoài ra, để giải tỏa nhanh nợ xấu cần kích hoạt tổng cầu bằng hạ lãi suất trung hạn để DN vay vốn đầu tư, kích thích tổng cầu nền kinh tế. Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại tiếp tục trích lập dự phòng, đòi nợ, phát mại tài sản. Về phía mình, Chính phủ sẽ giải quyết các vấn đề liên quan đến thủ tục xử lý tài sản bảo đảm và các vấn đề liên quan đến phát triển thị trường mua bán nợ, trong đó có tăng vốn, tăng quyền cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC)…
Ngay từ đầu năm 2013, Chính phủ đã đặt vấn đề giải quyết nợ xấu trong tổng thể nền kinh tế. Theo mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước, đến hết năm 2015 nợ xấu toàn hệ thống sẽ dưới mức 3%. |
Giải tỏa theo cơ chế thị trường
Mới đây, Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước xây dựng phương án xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng được đặt ra là tạo ra thị trường nợ thứ cấp, thông qua đó xử lý các tài sản bảo đảm, thu hồi vốn thì thực tiễn lại khó khả thi.
Theo ông Darryl James Dong- đại diện Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn tài chính quốc tế (IFC), nợ xấu tồn tại ở tất cả các nền kinh tế, ngay cả khi kinh tế không khó khăn thì nợ xấu vẫn tồn tại. Chính vì thế, Việt Nam không nên nghĩ giảm nợ xấu một lần dứt điểm được mà đó là cả một quá trình. Để có thể giải quyết nợ xấu không chỉ dựa vào VAMC mà Việt Nam cần có nhiều chính sách và giải pháp khác như: có chính sách tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào quá trình này. Bởi thực tế, nhà đầu tư nước ngoài rất muốn mua nợ xấu nhưng họ chưa có hành lang pháp lý cụ thể, minh bạch, rõ ràng.
Theo TS. Trần Du Lịch, việc xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường thì VAMC tới đây sẽ phải mua nợ theo thị trường, mà để mua nợ kiểu này phải có nguồn vốn. Một trong các phương thức có thể là sử dụng tiền vay nước ngoài của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước phát hành tín phiếu để làm phương tiện mua nợ xấu, trong đó tập trung mua nợ xấu của DN nhà nước. Mặt khác, cần có những giải pháp mở hơn thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua- bán nợ. Chẳng hạn, những dự án đang xây dựng dở dang nhưng cạn vốn có thể cho phép thu hút vốn nước ngoài để hoàn thành dự án; cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu bất động sản...