Đây cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng được đặt lên hàng đầu trong đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng mà Chính phủ ban hành hồi đầu năm 2012.
Nhìn một cách tổng thể thì đây không còn là vấn đề riêng của ngành ngân hàng mà nó đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của tất cả các Bộ, ngành liên quan.
Nỗ lực từ phía ngân hàngPhó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã tích cực chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng cường trích lập dự phòng rủi ro và sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu, bản thân các tổ chức tín dụng cũng tích cực xử lý nợ xấu.
Số liệu của 6 tháng đầu năm 2014 cho thấy, các tổ chức tín dụng xử lý được tổng số nợ xấu khoảng 33.000 tỷ đồng, trong đó có thu nợ từ khách hàng, bán phát mại tài sản đảm bảo của các khoản nợ và xử lý bằng nguồn dự phòng rủi ro.
Ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Vietinbank) cho hay, Vietinbank trong thời gian qua đã quản lý chặt chẽ các khoản chi phí để tăng cường trích lập dự phòng nhằm xử lý rủi ro. Trong thời gian gần đây, ngân hàng cũng đã rà soát các danh mục, các khoản nợ không sinh lời, nợ xấu để có giải pháp cụ thể, trong đó có giải pháp đàm phán và bán nợ xấu cho VAMC.
Cụ thể hơn, Tổng giám đốc Vietinbank cho biết, với những khoản nợ được xác định là nợ xấu, ngân hàng cũng đã có những giải pháp tích cực để xử lý tối ưu nhất.
Với những khách hàng còn khả năng phát triển hoạt động kinh doanh, nếu có phương án khắc phục được khó khăn thì Vietinbank có thể cùng với doanh nghiệp xây dựng phương án để vượt qua khó khăn đó đồng thời ngân hàng cũng xem xét và tái cơ cấu lại các khoản nợ cho doanh nghiệp, có thể điều chỉnh lại thời hạn cho vay, kỳ hạn trả nợ cũng như lãi suất.
Với những khoản nợ mà không còn có những biện pháp để có thể tái cơ cấu, Vietinbank áp dụng những biện pháp cụ thể, kiên quyết xử lý, thu hồi nợ trên tinh thần chủ động phối hợp với khách hàng. Trong trường hợp cần thiết, có thể phối hợp với cơ quan pháp luật.
Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng cường trích lập dự phòng rủi ro và sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu.
Ngân hàng Nhà nước cũng đang phối hợp với các bộ, ngành chức năng để rà soát lại những vướng mắc tại Nghị định 53 về xử lý nợ xấu của Chính phủ, để sửa đổi, tháo gỡ khó khăn trong quá trình này.
Lấy tiền ở đâu để xử lý?
Để xử lý nhanh và dứt điểm “cục máu đông” nợ xấu cần nhiều nguồn lực; trong đó vấn đề tài chính được chú ý hơn cả. Điều đó đã được nhiều chuyên gia và nhà quản lý đề xuất cho lộ trình xử lý nợ xấu giai đoạn tới. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế còn đang trong tình trạng khó khăn, ngân sách còn hạn chế thì đây lại là vấn đề không đơn giản.
Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chính sách kinh tế (VEPR) – Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội đề xuất, để có tiền xử lý nợ xấu, cũng như có nguồn để “bơm” vốn cho Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) thì cần “bơm” tiền trực tiếp từ ngân sách vào hệ thống ngân hàng.
Tuy nhiên, theo ông Thành, phương thức này khó khả thi do ngân sách liên tục thâm hụt. Do vậy, trong trường hợp này Chính phủ có thể cân nhắc lấy một phần từ tiền bán tài sản của doanh nghiệp Nhà nước (việc này đã thực hiện từ đầu năm 2014).
Giải pháp thứ 2 mà tiến sỹ Nguyễn Đức Thành đề xuất là thay đổi mạnh mẽ các quy định liên quan đến phát mãi, mua bán tài sản thế chấp hoặc công trình, dự án liên quan đến các khoản nợ xấu. Đặc biệt cần trao thêm những quyền đặc biệt cho VAMC để công ty này có thể thực hiện việc xử lý nợ xấu tại các ngân hàng thương mại.
Với giải pháp thứ 3, tiến sỹ Nguyễn Đức Thành đề xuất sử dụng một phần nguồn lực của Ngân hàng Nhà nước để trực tiếp xử lý các ngân hàng thương mại có vấn đề và các khoản nợ xấu có liên quan. Quá trình này có thể đi liền với quá trình quốc hữu hóa tạm thời hoặc yêu cầu sáp nhập một số ngân hàng hoạt động kém lành mạnh. Sau đó, khi kinh tế phục hồi, giá tài sản tăng trở lại thì Ngân hàng Nhà nước có thể bán lại phần tài sản đã được quốc hữu hóa.
Giải pháp thứ 4 được Giám đốc VEPR đưa ra nếu 3 “kế sách” trên không thể triển khai, là vay tiền từ các tổ chức quốc tế. Ông Thành cho rằng, đây là sự lựa chọn “bất đắc dĩ, không ai muốn nhưng có thể cân nhắc khi cả 3 phương án trên đưa ra không làm được.”
Còn tiến sỹ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) thì “hiến kế” nên tập trung vào “”giải cứu” thị trường bất động sản. Ông Thành lý giải tài sản đảm bảo trong nợ xấu hiện nay cơ bản nằm trong bất động sản. Để xử lý được nợ xấu thì phải kích thích thị trường này giao dịch sôi động trở lại. Với việc thừa nguồn “cung”, đặc biệt là phân khúc trung – cao của thị trường bất động sản, việc mở cửa tăng “cầu” cho thị trường này sẽ góp phần quan trọng cho xử lý nợ xấu.
Ba kịch bản xử lý nợ xấuVAMC đặt mục tiêu hàng đầu trong triển khai công việc từ năm 2016 là tập trung toàn lực vào việc bán nợ, bán tài sản và hướng tới mua theo giá thị trường. Đó là khẳng định của ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC. Trên cơ sở đó, ông Hùng đã đưa ra ba phương án xử lý nợ xấu từ 2016 trở đi.
Phương án thứ nhất mà Chủ tịch VAMC đề xuất là sẽ hạn chế mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt mà chuyển dần sang phương thức mua bán nợ xấu theo giá thị trường có được thông qua cơ chế phát hành trái phiếu, tín phiếu hoặc vay vốn nước ngoài để mua nợ xấu mới phát sinh.
Với những khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt, VAMC tiến hành đánh giá, phân loại từng khoản nợ và tài sản đảm bảo để phát mại cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, đồng thời VAMC có thể mua luôn khoản nợ xấu đó theo giá thị trường với điều kiện đảm bảo kinh doanh không lỗ sau khi trừ các khoản phí.
“Theo phương án này, việc xử lý nợ xấu vẫn không phải sử dụng vốn ngân sách nhà nước,” ông Nguyễn Quốc Hùng khẳng định.
Ở phương án thứ hai, Chủ tịch VAMC đề nghị Chính phủ trao cho công ty này quyền hạn đặc biệt xử lý nợ xấu triệt để trong việc thu giữ, phát mại, đấu giá khoản nợ/tài sản và cho phép VAMC phát hành trái phiếu có thể chuyển đổi, thế chấp, cầm cố để mua nợ xấu đối với những khoản nợ đã mua bằng trái phiếu đặc biệt. Riêng đối với các khoản nợ xấu mới phát sinh, VAMC mua theo giá thỏa thuận tại thời điểm mua nợ và có thể trả bằng tiền.
Cơ sở để triển khai phương án này theo ông Nguyễn Quốc Hùng là đến năm 2016, các tổ chức tín dụng đã trích dự phòng rủi ro khoản nợ được 40% giá trị, cộng với số đã trích rủi ro trước khi bán tối thiểu 5% giá trị, như vậy tổ chức tín dụng đã trích được tối thiểu 45% giá trị khoản nợ. Với điều kiện này, việc VAMC mua khoản nợ theo giá thị trường sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Mặt khác, để tránh thiệt thòi cho khách hàng và tổ chức tín dụng, trường hợp VAMC bán nợ đã mua có giá trị tăng thêm, giá trị này sẽ được chia cho tổ chức tín dụng tối thiểu theo tỷ lệ chênh lệch VAMC 30%, tổ chức tín dụng 70%.
“Phương án này có thể xử lý dứt điểm ngay nợ xấu và tổ chức tín dụng sẽ nhận được trái phiếu chuyển đổi để cầm cố, thế chấp vay tại Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng khi thiếu thanh khoản, hoặc tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế. Mặt khác, tổ chức tín dụng vẫn được chia sẻ lợi nhuận khi VAMC bán nợ,” ông Hùng nhận định.
Với phương án thứ 3, ông Hùng đề xuất: Trường hợp khó khăn không huy động được vốn, không phát hành được trái phiếu và tín phiếu cũng như vay vốn từ các tổ chức quốc tế thì từ năm 2016, Chính phủ cần trao cho VAMC quyền năng thật đặc biệt để xử lý khối nợ xấu tối thiểu là 150.000 tỷ đồng đã mua, đồng thời cần có sự hỗ trợ của các cấp, các ngành cũng tham gia hỗ trợ VAMC để nhanh chóng xử lý dứt điểm nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Trường hợp đặc biệt mới chuyển trả tổ chức tín dụng sau 5 năm bán nợ.
Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành ví hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay như một “bệnh nhân.” Nếu “căn bệnh” nặng vừa đủ thì hệ thống ngân hàng có thể chữa lành thông qua hệ thống kháng thể của riêng mình, nhưng nếu “căn bệnh” quá nặng thì buộc phải có sự can thiệp từ bên ngoài, như tiêm kháng sinh hoặc dùng thêm các thuốc đặc trị.
“Dù áp dụng bất cứ giải pháp nào trong số các giải pháp nêu trên, thì cũng cần lưu ý rằng việc giải quyết nợ xấu không phải là việc riêng của Ngân hàng Nhà nước mà là bài toán tổng thể của cả nền kinh tế. Bởi quá trình giải quyết nợ xấu cần đi liền với sự phục hồi sức sống của khu vực doanh nghiệp, cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Gỡ được nợ xấu mới nói tới chuyện tái cơ cấu giai đoạn tiếp theo,” tiến sỹ Nguyễn Đức Thành nói.
Tiến sỹ Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng cho biết đến tháng 10 tới, Quốc hội sẽ báo cáo về giám sát tối cao đối với lĩnh vực đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu tổ chức tín dụng.
“Chúng tôi sẽ cùng Chính phủ và các bên liên quan đánh giá lại và tiếp tục khẩn trương trong năm 2015 đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu," tiến sỹ Nguyễn Đức Kiên khẳng định./.