Giảm trần lãi suất về 5,5%/năm: Thị trường không bất ngờ

Lãi suất tiền gửi bằng tiền đồng và ngoại tệ được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông báo chính thức điều chỉnh giảm từ ngày mai 29-10.

NHNN sẽ giảm mức lãi suất tiền gửi tối đa bằng tiền đồng của các tổ chức, cá nhân tại các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài từ 6%/năm xuống 5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng.

Lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đô la Mỹ của cá nhân tại TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài từ mức 1%/năm sẽ giảm xuống 0,75%/năm.

Thông tin giảm lãi suất này do Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đưa ra tại họp báo thường kỳ thông báo về kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2014 vào chiều nay, 28-10 tại Hà Nội.

Tại cuộc họp báo, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết, Thống đốc NHNN đã yêu cầu các ngân hàng thương mại (NHTM) giảm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của TCTD với một số ngành kinh tế ưu tiên từ 8%/ năm xuống 7%/ năm.

Tuy nhiên, NHNN quyết định giữ nguyên các mức lãi suất điều hành (gồm lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng).

Lãi suất tiền gửi cho các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên không bị giới hạn bởi trần lãi suất mà do TCTD và khách hàng tự thỏa thuận.

Thị trường không bất ngờ

Việc giảm lãi suất huy động không làm thị trường bất ngờ bởi trong hai tuần qua, một số ngân hàng đã giảm lãi suất huy động của mình khoảng 0,1- 0,3 điểm phần trăm ở các kỳ hạn.

Cụ thể, NH TMCP An Bình, NH TMCP Việt Nam thịnh vượng và NH TMCP Quốc tế điều chỉnh giảm khoảng 0,1-0,2 điểm phần trăm/năm ở các kỳ hạn. NH TMCP Ngoại thương Việt Nam điều chỉnh giảm 0,2-0,3 điểm phần trăm/năm ở kỳ hạn trên 6 tháng; NH TMCP Tiên phong điều chỉnh giảm 0,1 điểm phần trăm ở kỳ hạn dưới 6 tháng.

Trước tình hình thanh khoản dư thừa một số ngân hàng đã phải tự giảm lãi suất đầu vào trước đó.

Bình luận với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, một lãnh đạo ngân hàng TMCP tại TPHCM cho rằng vấn đề tiếp theo cần quan tâm là người dân sẽ phản ứng với lãi suất đầu vào thấp hơn như thế nào. Và sức chịu đựng của người gửi tiền đến đâu, tức họ có tiếp tục gửi tiền vào ngân hàng hay đem đi đầu tư vào các kênh khác khi lãi suất hạ.

Lãi suất tiền đồng đang trên xu thế hạ nhưng lãi suất đô la Mỹ trên thế giới có xu hướng tăng. Lãi suất SIBOR (Singapore Interbank Offering Rate) kỳ hạn một năm hôm nay ở mức 0,62%, xấp xỉ mức lãi suất mới hạ của Ngân hàng Nhà nước (0,75%) và điều này khiến giới ngân hàng lo ngại về việc người dân có thể rút tiền đồng mua ngoại tệ, quay trở về khu vực khu trú an toàn các năm trước nhưng đồng nghĩa với mối lo ngại về tình trạng đô la hóa có thể trở lại. Và nếu điều này xảy ra, chính sách tiền tệ sẽ khó khăn hơn để giữ vững những "điểm cộng" của mình. "Chính sách tiền tệ có thể sẽ phải đu dây giữa lãi suất và tỷ giá", vị này nói.

Nhưng ông không cho rằng việc giảm lãi suất có thể kích thích tín dụng ra nhanh hơn, bởi vì bản chất của dòng chảy tín dụng chậm không phải vì lãi suất. Tín dụng chưa thể ra dễ dàng hơn vì mấu chốt là sức cầu của nền kinh tế đang rất yếu và các doanh nghiệp đang ở tình trạng 'ốm nên không ăn được'.

Cũng thông tin từ cơ quan điều hành ngành ngân hàng, đến ngày 24-10-2014, tổng phương tiện thanh toán tăng 11,85%, huy động vốn tăng 11,88% so với cuối năm 2013; trong đó huy động vốn bằng tiền đồng tăng 13,17% chủ yếu ở khu vực dân cư.

Đến ngày 24/10/2014, tín dụng toàn hệ thống đối với nền kinh tế tăng 7,85% so với cuối năm 2013. Cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tập trung vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.