Giảm tiếp lãi suất cho vay

Giảm tiếp lãi suất cho vay

Nhìn tổng thể, mặt bằng lãi suất cho vay đã hạ dần theo kỳ vọng chung của doanh nghiệp. Nhưng xét theo từng giai đoạn và chu kỳ sản xuất kinh doanh, từ nay đến cuối năm, việc giảm tiếp lãi suất cho vay vẫn là mong muốn hàng đầu của rất nhiều doanh nghiệp.

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, hiện lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên phổ biến ở mức 7 đến 8%/năm; cho vay lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường phổ biến khoảng 9 đến 10%/năm đối với ngắn hạn; 10,5 - 12%/năm đối với trung và dài hạn.

Trong đó, một số doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, phương án, dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả, lãi suất cho vay chỉ ở mức 6 đến 7%.

Mặt bằng lãi suất cho vay này đã được kéo giảm rất nhiều so với nhiều năm trước đó. Nhưng trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn hiện nay, phần lớn doanh nghiệp cho rằng, 10 đến 12%/năm là mức lãi suất vẫn quá sức chịu đựng của doanh nghiệp.

Một doanh nghiệp ngành cơ khí có trụ sở tại Hà Nội, sau khi vượt qua một loạt tiêu chí khắt khe của ngân hàng (có tài sản thế chấp, chứng minh ba tháng gần nhất sản xuất, kinh doanh hiệu quả,...) đã được giải ngân khoản vay ngắn hạn với lãi suất 12%/năm.

Thừa nhận mức lãi suất này thấp hơn so với trước và so với nhiều doanh nghiệp khác đã được vay, nhưng doanh nghiệp này cũng cho rằng, nếu so với mức lợi nhuận ước đạt khoảng 13%, thì mức lãi suất cho vay này vẫn quá cao.

Cũng như nhiều doanh nghiệp khác, nếu không vì uy tín, giữ chân khách hàng thì có lẽ họ cứ "nằm im chờ thời" chứ không vay ngân hàng làm gì. Ðây cũng là tình trạng chung của mối quan hệ ngân hàng - doanh nghiệp từ đầu năm đến nay, khi phần lớn các doanh nghiệp mạnh thì không có nhu cầu vay vốn; trong khi các doanh nghiệp cần vay vốn lại không đủ điều kiện tiếp cận.

Thực tế này cũng được phản ánh qua tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm chạp khi tính đến hết tháng 9, tín dụng toàn hệ thống mới tăng 7,26% so với cuối năm 2013.

Trái ngược với cho vay, lãi suất huy động mặc dù đã trải qua nhiều đợt điều chỉnh giảm nhưng tốc độ tăng trưởng vẫn ở mức cao. Tính đến 30-9, huy động bằng tiền đồng đã tăng 12,37% so với cuối năm 2013, gần gấp đôi mức tăng của tăng trưởng tín dụng. Gần đây nhất, thị trường lại đón nhận một đợt giảm lãi suất huy động tiền đồng từ phía các ngân hàng.

Ðợt cắt giảm lần này không chỉ diễn ra tại một số ngân hàng thương mại lớn của Nhà nước như VietcomBank, BIDV, VietinBank, Agribank mà còn có sự góp mặt của nhiều ngân hàng thương mại cổ phần như ABBank, Eximbank,...

Mức giảm ở hầu hết các kỳ hạn từ 0,2 đến 0,5%/năm, thấp hơn nhiều so với mức trần NHNN quy định 6%/năm (hiện lãi suất huy động kỳ hạn dưới 12 tháng tại các ngân hàng dao động trong khoảng 4,3 đến 6,3%/năm, kỳ hạn từ 12 tháng trở lên khoảng 7%/năm). Và tính chung từ đầu năm đến nay, mức lãi suất huy động ngắn hạn đã điều chỉnh giảm từ 1,3 đến 1,5%/năm.

Như vậy, so sánh với tốc độ giảm lãi suất huy động, mặt bằng chung của lãi suất cho vay không giảm nhiều. Nếu xét theo cơ cấu, chỉ một số doanh nghiệp "khỏe" được vay với lãi suất khoảng 7%/năm, phần lớn doanh nghiệp vẫn vay với mức lãi suất từ 9 đến 12%/năm, thì tỷ lệ chênh lệch còn ở mức cao.

Vì vậy, trong điều kiện kinh tế chung còn khó khăn, thanh khoản hệ thống được bảo đảm thì để tăng sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong nước, các ngân hàng vẫn cần tiếp tục giảm hơn nữa lãi suất cho vay.

Theo nhiều chuyên gia tài chính ngân hàng, khoảng cách giữa lãi suất huy động và cho vay của các ngân hàng hiện vẫn trong khoảng 3,5% đến 4,2%.

Nếu các ngân hàng nỗ lực và thiện chí hơn nữa, kéo mức chênh lệch này xuống còn 2,5% đến 3% sẽ tạo điều kiện, cơ hội và động lực để các doanh nghiệp tiếp cận tín dụng, thúc đẩy mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.