Giải thể ngân hàng yếu kém, còn lâu!

Đầu năm nay Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xác nhận tập đoàn OCBC của Singapore đang khảo sát (due diligence) việc mua lại toàn bộ Ngân hàng TMCP Dầu khí Toàn cầu (GPBank).

Sáu tháng đã trôi qua, không có thêm bất kỳ thông tin nào về quá trình chuyển nhượng giữa hai bên. Việc bán ngân hàng yếu kém cho nước ngoài, cuối cùng, vẫn chưa thực hiện được.

Trong khi đó gần đây xuất hiện ngày càng nhiều ý kiến, đề xuất cho các ngân hàng yếu kém phá sản, giải thể. Ngay cả Chính phủ cũng thúc giục NHNN những ngân hàng không thể củng cố được, cho giải thể theo quy định pháp luật.

Nhìn lại quá khứ, cho dù phải mất rất nhiều thời gian và công sức, Việt Nam cũng đã từng giải thể những ngân hàng "không thể cứu vãn" như Mê Kông, Châu Á - Thái Bình Dương, Nam Đô, Việt Hoa...

Tuy nhiên hiện nay, khác với trước kia, việc giải thể hay cho phá sản ngân hàng là điều khó tiến hành nếu không muốn nói là bất khả thi. Vì sao? Vì các ngân hàng được phép huy động một lượng tiền quá lớn, tối đa có thể gấp 20 lần vốn điều lệ. Số tiền ấy, trong một số trường hợp, lại được cung ứng quá nhiều cho các công ty sân sau của các ông chủ ngân hàng. Nếu giải thể, người mất tiền không phải là các ông chủ mà chính là người gửi tiền.

Luật đã có, nhưng...

Hiện nay, khác với trước kia, việc giải thể hay cho phá sản ngân hàng là điều khó tiến hành nếu không muốn nói là bất khả thi. Vì sao? Vì các ngân hàng được phép huy động một lượng tiền quá lớn, tối đa có thể gấp 20 lần vốn điều lệ. Nếu giải thể, người mất tiền không phải là các ông chủ mà chính là người gửi tiền.

Từ ngày 1-1-2015 Luật Phá sản 2014 có hiệu lực. Luật đã đưa ra cơ chế mới cho phá sản tổ chức tín dụng, theo đó việc nộp đơn mở thủ tục phá sản ngân hàng chỉ thực hiện khi NHNN có một trong những văn bản như: văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt; văn bản chấm dứt áp dụng biện pháp phục hồi khả năng thanh toán; văn bản không áp dụng biện pháp phục hồi khả năng thanh toán.

Quy định trên là bắt buộc, tránh trường hợp ngân hàng nộp đơn phá sản khi chưa thực sự lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán, từ đó gây tâm lý hoang mang, ảnh hưởng toàn hệ thống nói chung.

Chuyện gì đã và đang diễn ra với một số ngân hàng yếu kém? Trên thực tế, đó là việc cung ứng tín dụng quá khả năng cho phép đối với một hay nhiều khách hàng, dẫn đến nợ xấu, không trả được. Ngân hàng thường lấy tiền huy động của người sau trả cho người trước đến hạn. Ngắn gọn là huy động gối đầu. Nếu tiền huy động vào không kịp để trả cho các khoản tiền gửi đến hạn, ngân hàng mất khả năng chi trả và tình trạng mất thanh khoản xuất hiện.

Để cứu nguy, NHNN đặt ngân hàng đó vào tình trạng kiểm soát đặc biệt với sự hiện diện thường trực của tổ giám sát bao gồm các chuyên viên thanh tra NHNN. Hoạt động chính của các ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt lúc này là thu nợ, trả các khoản vay đến hạn (ưu tiên cho người gửi tiền là dân cư). Mọi động thái rút tiền ra, chuyển tiền qua lại nhất nhất đều phải qua sự kiểm soát chặt chẽ của tổ giám sát.

Để có đủ tiền trả cho dân, NHNN tái cấp vốn cho các ngân hàng kiểm soát đặc biệt trên cơ sở tài sản đảm bảo. Cũng có trường hợp giá trị tài sản đảm bảo không đủ, NHNN sẽ áp dụng cơ chế tái cấp vốn đặc biệt không thế chấp hoặc chỉ định một ngân hàng quốc doanh vào hỗ trợ ngân hàng yếu kém.

Trước đây, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) đã phải "gánh" Ngân hàng TMCP Nam Đô. Còn mới đây Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) phải "ứng cứu" Ngân hàng TMCP Xây dựng dưới hình thức ký kết hợp tác toàn diện giữa hai bên. "Môi giới" cho các cuộc "tảo hôn" đó, tất nhiên, là NHNN.

Lạc hậu tỷ lệ huy động vốn

Theo thống kê của NHNN, đến cuối tháng 5-2014 tiền gửi của các tổ chức kinh tế tại các ngân hàng là 1,58 triệu tỉ đồng, tiền gửi của dân cư 2,35 triệu tỉ đồng, tổng cộng 3,93 triệu tỉ đồng. Trong số này, huy động bằng ngoại tệ ước 25-26 tỉ đô la Mỹ. Trong hội nghị tổng kết ngành sáu tháng đầu năm nay, tỷ lệ cho vay/huy động toàn hệ thống đã lùi về 87,4% từ mức 92,5% năm ngoái.

Tổng số tiền huy động trên là rất lớn so với vốn tự có của các ngân hàng, trung bình từ 10-12 lần tùy từng thời điểm. Ở các ngân hàng quốc doanh và nửa quốc doanh như Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank vốn huy động tương đương 13-15 lần vốn tự có. Do đây là những ngân hàng mà Nhà nước nắm tỷ lệ chi phối, khả năng giải thể phá sản vô cùng thấp, gần như bằng không.

Với những ngân hàng cổ phần đại chúng và có quản trị tốt, việc cho vay thường rải đều cho mọi thành phần khách hàng, mọi lĩnh vực nhằm phân tán rủi ro. Điểm danh chín ngân hàng nằm trong danh sách tái cơ cấu đợt một, hầu hết đều rơi vào bẫy cho vay tập trung một số khách hàng, một số ngành nghề dẫn đến nợ xấu, mất vốn. Số vốn bị mất lớn đến nỗi nó làm âm vốn chủ sở hữu, nghĩa là các cổ đông trắng tay. Một số ngân hàng ở một số thời điểm nhất định, tổng dư nợ cho vay còn vượt quá cả vốn huy động và tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ lên tới vài chục phần trăm.

Ở các nước, việc huy động vốn và số lượng huy động phụ thuộc vào trình độ quản trị, khả năng tài chính của từng ngân hàng. Không có chuyện các ngân hàng lớn bé đều áp dụng một tỷ lệ huy động vốn như nhau. Có ngân hàng chỉ được huy động số tiền tối đa bằng 1 hoặc 2 lần vốn tự có. Việc hạn chế này nằm đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền cũng như an toàn ngân hàng.

Việt Nam không thế. Việt Nam cho phép ngân hàng huy động vốn cao. Tỷ lệ này tồn tại đã hàng chục năm, kể từ khi vốn ngân hàng còn quá nhỏ, vài tỉ đồng/tổ chức tín dụng. Nay vốn của ngân hàng đã lớn nhanh, nhưng vẫn không nhanh bằng tốc độ huy động vốn. Đáng lẽ tỷ lệ huy động vốn phải thay đổi kịp thời, nhưng nó đã bị bỏ qua.

Nếu bây giờ tiến hành giải thể hay phá sản ngân hàng yếu kém, các ông chủ là những người hưởng lợi hơn cả. Mà chính xác là ngân sách nhà nước chịu, tiền đóng thuế của dân gánh vì NHNN tái cấp vốn cho những ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt để trả cho người gửi tiền.

Các ông chủ góp vào ngân hàng, bằng cả tiền ảo và tiền thật, thí dụ 1.000 tỉ đồng, nhưng họ lại vay (rút ruột ngân hàng) cho các công ty con của họ tới 3.000-4.000 tỉ đồng, có khi tới cả chục ngàn tỉ đồng. Khi ngân hàng tuyên bố phá sản, cổ đông mất vốn, các ông chủ mất tiền, song số tiền mất nhỏ hơn nhiều số tiền mà họ đã rút ruột được.

Các cuộc tái cơ cấu, đổi chủ tổ chức tín dụng hiện nay nhằm chủ yếu vào việc làm thế nào thu hồi vốn mà các cổ đông lớn đã vay của ngân hàng. Tiền vay đã được ném phần lớn vào bất động sản, thứ tài sản đang không thể nào cắt lỗ được!

Cho nên giải thể, phá sản các ngân hàng yếu kém sẽ vẫn chỉ là đề xuất phi thực tế bởi còn lâu, lâu lắm nó mới có thể xảy ra.