Giải pháp an toàn cho người mua bảo hiểm

Thống kê của Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho thấy, năm 2013, 15/29 doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) lỗ từ hoạt động kinh doanh, tăng nhẹ so với năm 2012.

Với mục đích hoàn trả tiền cho người được bảo hiểm (BH) theo thỏa thuận tại hợp đồng trong trường hợp DNBH mất khả năng thanh toán hoặc phá sản, Quỹ Bảo vệ người được BH đã chính thức ra mắt đầu tháng 9 vừa qua.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Phùng Đắc Lộc, Tổng Thư ký Hiệp hội BH Việt Nam, Phó Trưởng ban Điều hành quỹ khẳng định, số tiền hoàn trả cho người mua BH tối đa lên tới 90% giá trị hợp đồng.

- Quỹ Bảo vệ người mua BH ra đời đã giúp người mua BH an tâm hơn về quyền lợi của mình. Ông có thể cho biết về những quyền lợi mà họ được hưởng khi quỹ đi vào hoạt động?

- Quỹ Bảo vệ người được BH được thành lập nhằm mục đích trả tiền BH cho người được BH theo thỏa thuận tại hợp đồng trong trường hợp DNBH, chi nhánh nước ngoài mất khả năng thanh toán, bị phá sản. Quỹ được hình thành trên cơ sở đóng góp hằng năm của các DNBH theo tỷ lệ 0,1% tính trên doanh thu phí BH giữ lại thuộc các hợp đồng BH gốc. Quỹ được hạch toán, theo dõi riêng đối với loại hình BH nhân thọ và phi nhân thọ để bảo đảm quyền lợi của người được BH đối với từng loại hình đặc thù.

Khi DNBH lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán hoặc phá sản, quỹ sẽ thay mặt DN trả tiền BH, giá trị hoàn lại; trả tiền bồi thường; hoàn phí theo thỏa thuận tại hợp đồng BH. Đối với trường hợp chuyển giao hợp đồng BH từ DN mất khả năng thanh toán hoặc bị phá sản cho một DNBH khác, số tiền do quỹ chi trả theo quy định sẽ được chuyển trực tiếp cho DN nhận chuyển giao.
Người mua bảo hiểm sẽ yên tâm hơn khi có quỹ bảo vệ quyền lợi của mình. Ảnh: Diệu Minh
Người mua bảo hiểm sẽ yên tâm hơn khi có quỹ bảo vệ quyền lợi của mình.

- Trường hợp DNBH mất khả năng thanh toán hoặc phá sản, người tham gia BH sẽ được trả tiền BH, bồi thường như thế nào?

- Khi xảy ra trường hợp này, quỹ sẽ thực hiện chi trả theo quy định. Hoạt động của quỹ là hoạt động mang tính nhân văn vì sự phát triển bền vững của thị trường BH, nên quỹ sẽ hỗ trợ một phần cho người tham gia BH trong trường hợp DN thua lỗ, phá sản. Đối với hợp đồng BH nhân thọ, quỹ chi trả tối đa 90% mức trách nhiệm của DNBH nhân thọ, nhưng không quá 200 triệu đồng/người. Trong trường hợp hợp đồng BH nhân thọ có nhiều người được BH, hạn mức chi trả tối đa của quỹ được áp dụng đối với từng người được BH, trừ trường hợp giữa những người được BH và DNBH có thỏa thuận khác tại hợp đồng BH.

Với hợp đồng BH sức khỏe, quỹ chi trả tối đa 90% mức trách nhiệm của DNBH, chi nhánh nước ngoài và không quá 200 triệu đồng/người. Đối với hợp đồng BH phi nhân thọ thì có 2 trường hợp chi trả: Hợp đồng BH bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới được chi trả tối đa theo quy định của pháp luật (70 triệu đồng/người được BH/vụ). Các hợp đồng BH thuộc nghiệp vụ BH khác, quỹ chi trả tối đa 80% mức trách nhiệm của DNBH, nhưng không vượt quá 100 triệu đồng/hợp đồng. Tuy nhiên, đối với các hợp đồng BH phi nhân thọ còn có trách nhiệm của nhà tái BH, vì vậy khách hàng sẽ được nhận chi phí theo quy định tại hợp đồng hai bên đã ký kết.

- Minh bạch hoạt động của quỹ là một trong những vấn đề luôn được quan tâm. Vậy điều này sẽ được thực hiện như thế nào, thưa ông?

- Theo quy chế, việc quản lý, sử dụng quỹ luôn bảo đảm nguyên tắc hiệu quả, công khai và minh bạch từ thu đến chi, hoạt động đầu tư, chi trả quyền lợi cho người tham gia BH... Tất cả đều được quy định cụ thể và có sự giám sát chặt chẽ. Đối với các khoản thu về được quỹ chia cụ thể gồm: Quỹ Bảo vệ người tham gia BH nhân thọ; Quỹ Bảo vệ người tham gia BH phi nhân thọ; chi quản lý quỹ (không vượt quá 0,5% tổng số tiền thực trích nộp vào quỹ hằng năm).

Hoạt động đầu tư từ nguồn tiền nhàn rỗi của quỹ được quy định cụ thể: Mua trái phiếu chính phủ với số lượng không hạn chế; mua trái phiếu DN được Chính phủ bảo lãnh với mức tối đa không quá 5% tổng số tiền nhàn rỗi của quỹ tại một DNBH và không vượt quá 10% tổng số tiền nhàn rỗi của quỹ. Ngoài ra, quỹ cũng sẽ gửi tiền tại các ngân hàng thương mại được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam với mức tối đa không quá 10% tổng số tiền nhàn rỗi của quỹ tại một ngân hàng và không vượt quá 50% tổng số tiền nhàn rỗi của quỹ. Ngân hàng Thương mại nơi quỹ gửi tiền phải có tình hình tài chính lành mạnh, kinh doanh có hiệu quả, có khả năng thanh khoản cao theo quy chế đầu tư quỹ... Báo cáo tài chính năm của quỹ được kiểm toán bởi một tổ chức kiểm toán độc lập. Hội đồng quản lý quỹ có trách nhiệm nộp Bộ Tài chính báo cáo tài chính năm của quỹ theo mẫu quy định...

- Trân trọng cảm ơn ông!
7 tháng đầu năm, tổng doanh thu phí BH gốc của thị trường BH phi nhân thọ ước đạt 15.787 tỷ đồng, tăng 13,79% so với cùng kỳ năm 2013. Số tiền thực bồi thường BH gốc của thị trường phi nhân thọ ước đạt 5.606 tỷ đồng. Thị trường BH nhân thọ có mức tăng trưởng ấn tượng, với tổng doanh thu phí BH 7 tháng ước đạt 14.475 tỷ đồng, tăng 23,68% so với cùng kỳ.