Kiều hối tăng thực chất hơn Nếu tính tỷ lệ so với GDP và tính bình quân đầu người, trong số 9 nước có lượng kiều hối lớn (Trung Quốc, Bangladesh, Philippines, Ai Cập, Pakistan…) thì thứ bậc của Việt Nam còn cao hơn. Lượng kiều hối chuyển về Việt Nam có tốc độ tăng cao (bình quân thời kỳ 1994 - 2014 tăng 22,4%/năm) và tăng gần như liên tục qua các năm; chỉ bị ngắt quãng (giảm xuống) trong 2 năm là năm 1997 (do khủng hoảng tài chính - tiền tệ Đông Nam Á) và năm 2009 (do khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới).
Số kiều hối chuyển về nước này là một nguồn vốn lớn, có thể đây là lượng ngoại tệ lớn nhất. Bởi, số ngoại tệ thu được do xuất khẩu hàng hóa tuy lớn, ước năm 2014 lên đến trên 148 tỷ USD, nhưng nếu trừ đi số ngoại tệ chi ra để nhập khẩu thì chỉ còn xuất siêu khoảng 1,5 tỷ USD.
Đó là chưa kể tác động của các yếu tố sau: Nhập siêu về dịch vụ (năm 2013 lên đến 1,4 tỷ USD; khả năng năm 2014 và nhiều năm tới vẫn còn nhập siêu); vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện cũng là một nguồn ngoại tệ lớn (năm 2014 ước có thể đạt 12,5 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay), nhưng nếu trừ đi phần góp vốn của các DN trong nước vào các liên doanh (khoảng vài ba chục phần trăm) và phần các nhà đầu tư nước ngoài vay trong nước, thì cũng chỉ ở mức một con số; vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) ước cả năm 2014 có thể đạt 5,5 tỷ USD, cao hơn kỷ lục 5,14 tỷ USD đã đạt được trong năm 2013, nhưng về cơ bản đó là nguồn vốn vay, phần viện trợ không hoàn lại chỉ khoảng 0,5 tỷ USD và phần trả nợ đã ngày một tăng lên; chi tiêu của khách quốc tế đến Việt Nam dự đoán cả năm 2014 có thể vượt kỷ lục cũ đạt được trong năm 2013 (8,3 tỷ USD so với 7,52 tỷ USD), nhưng nếu trừ đi phần chi tiêu của người Việt Nam khi đi nước ngoài (năm 2013 là 2,5 tỷ USD), thì "xuất siêu" về dịch vụ du lịch cũng chỉ dưới 6 tỷ USD; vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) hiện đang có xu hướng vào nhiều hơn ra, nhưng chưa lớn, do chứng khoán, bất động sản chưa phục hồi; hơn nữa, nguồn này vào nhanh cũng dễ ra nhanh và rất khó kiểm soát; ngay cả thông tin cũng rất khó chính xác.
Ngoài những yếu tố trên, lượng kiều hối tăng mạnh còn phải kể đến yếu tố lãi suất gửi ngân hàng bằng VND cao hơn nhiều so với mức lãi suất gửi bằng ngoại tệ. Hơn nữa, có một điều mà ít người biết đến và quan tâm là do "cánh kéo tỷ giá" còn khá lớn (tức là 1 USD tại Việt Nam có sức mua tương đương cao gấp 2,8 USD tại Mỹ). Giá tài sản ở Việt Nam, nhất là bất động sản, giá DN, giá cổ phiếu đang ở mức thấp. Bên cạnh đó, các chính sách cho Việt kiều, người nước ngoài cư trú có thời hạn được mua nhà ở trong nước… cũng góp phần gia tăng lượng kiều hối.
Và những giá trị lớn ngoài ý nghĩa kinh tế Lượng kiều hối tăng liên tục đã và đang tác động đến nhiều mặt ở trong nước. Trước hết là góp phần làm cán cân thanh toán tiếp tục đạt thặng dư. Tỷ giá cơ bản được ổn định và Ngân hàng Nhà nước đã tiếp tục mua ngoại tệ, tăng dự trữ ngoại hối, nâng cao độ an toàn tài chính quốc gia, cải thiện lòng tin vào đồng tiền quốc gia… Tuy nhiên, ngoài ý nghĩa kinh tế, lượng kiều hối tăng mạnh còn mang nhiều rất nhiều giá trị ngoài kinh tế rất lớn.
Ở góc độ thứ nhất, đối với Việt kiều, đó là sự cần, kiệm trong việc làm ăn và quan trọng hơn là ở tấm lòng, ở tình cảm sâu đậm của bà con đối với người thân, đối với quê hương, đất nước (bình quân một Việt kiều gửi kiều hối về nước lên đến 2.000 USD). Đáng lưu ý, nhiều Việt kiều đã ở thế hệ thứ ba trở lên. Đối với người lao động đi làm việc theo hợp đồng dài hạn ở nước ngoài phát huy đức tính cần, kiệm, học hỏi kinh nghiệm, tác phong làm việc… để có thu nhập gửi về gia đình, để khi về nước có thể đầu tư tự lập hoặc góp vốn cùng tham gia lập DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh; mua nhà cửa để cải thiện, nâng cấp chỗ ăn ở.
Ở góc độ thứ hai là sự thông thoáng của chính sách đối với kiều bào, đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài, cùng với sự đổi mới của đất nước sẽ làm tăng uy tín quốc tế của Việt Nam.
Theo Đức Minh